1. Ngon, hiếm đặc sản cua Da Bắc Giang
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang) có đặc sản nức tiếng khiến ai một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi, đó là cua Da.
Theo lý giải của người dân Yên Dũng, sở dĩ gọi là cua Da vì chúng có lớp da trên càng, cũng có người gọi là “cua ra” vì gắn với câu tục ngữ “Tháng Chín cua ra, tháng Ba cua vào”, song cua Da vẫn được gọi phổ biến hơn cả. Loại cua này sống chủ yếu trong các ghềnh đá dọc sông Thương và một phần sông Cầu chảy qua địa phận các xã: Đồng Việt, Đồng Phúc, Đức Giang, Thắng Cương...
Về hình thức, cua Da gần giống cua đồng nhưng kích thước và trọng lượng tối đa lớn gấp 3-4 lần (trung bình 0,8-2 lạng/con). Chân cua dài, hai càng có lớp lông giống như rêu bám vào. Mùa cua Da chỉ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch.
So với cua đồng, cua biển, hay ghẹ, thịt cua Da ngọt, đậm hơn; mai mềm, mỏng; khi chế biến vỏ vàng óng trông rất hấp dẫn, bắt mắt; ăn không phải dùng kìm để bẻ mai, càng.
Cua Da có thể chế biến thành nhiều món như hấp bia, rang muối, rang me, nấu canh, làm lẩu riêu... song có lẽ món cua hấp bia cùng xả, gừng, bột canh chấm mù tạt hấp dẫn hơn cả. Nếu như 1 bàn ăn có 6 người chỉ ăn món cua kèm theo một số món phụ, chi phí khoảng 1,5-1,8 triệu đồng. Do là đặc sản hiếm nên đôi khi khách muốn ăn phải đặt trước từ 1-2 ngày.
2. Cua đá suối – món ngon mang hương vị núi rừng Phú Yên
Khác với các loại cua sống ở biển, ở đầm và ở đồng ruộng, con cua đá thường sống trong các hốc đá trên suối ở miền núi. Thịt cua đá thơm, chắc; chế biến được nhiều món ngon lạ, nhất là “phối” nó với gia vị của rừng.
Cua đá mang sắc đỏ nâu, sống trong hốc đá dưới những con suối lớn, nhỏ; trong vườn chuối, nương rẫy… Chúng ăn côn trùng, lá rừng và sinh sản nhiều. Cua đá thường bằng nắm tay, con lớn có khi bằng cái chén với hai càng to khoẻ.
Để bắt cua đá không khó tí nào. Thường sau nhiều ngày nắng, trời làm giông rồi đổ mưa, khi đó cua đá từ trong hang hốc bò ra uống nước dầm mưa. Nếu trời không mưa thì dùng cơm nguội trộn với đậu phộng giã nhỏ, đem rải theo các hũng nước. Nước suối chảy, trôi mồi vào các hang đá, chỉ khoảng mười phút, các chú cua lớn, nhỏ bò ra gắp mồi.
Cua đá rang muối, cua đá hấp sả, cua đá nấu bún riêu, cháo… món nào cũng rất ngon, nhưng tuyệt sắc nhất phải kể đến muối cua đá và canh săn rừng.
3. Cua dẹp Lý Sơn - Đặc sản quý hơn cua tiến Vua
Theo lời người dân đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) thì cùng là cua biển, thế nhưng không như một số đồng loại khác sống dưới nước, cua dẹp (hay còn gọi là cua đá) sống ở khu vực có hang, hốc đá ven bờ trên đảo. Thức ăn của nó là lá, cây cỏ, rong rêu... mọc tự nhiên.
Vài năm gần đây, khi các loài cua dưới biển cạn kiệt dần và Lý Sơn trở thành điểm du lịch, với chất lượng thịt ngon không kém gì cua sống dưới biển nên cua đá trở thành đặc sản, với giá bán tại đảo có thời điểm trên 800.000 đồng/kg. Đó là lý do cua đá bị người dân săn lùng ráo riết, trở nên hiếm dần.
4. Cua đá bạc triệu ở Cù Lao Chàm
Bên cạnh cua đá suối Phú Yên hay cua đá (Cua dẹp) Lý Sơn thì cua đá ở Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) cũng ngon nức tiếng, trở thành đặc sản không thể không thưởng thức khi đến thăm xứ đảo này.
Cua đá có vị thịt ngọt, thanh chứ không phảng phất vị tanh thường thấy của động vật miền biển. Thịt cua béo ngậy, dai hơn hẳn cua biển, cua đồng. Loại cua này chứa đầy gạch, càng cua rất to. Khác với cua biển và ghẹ, cua đá chắc gạch 100%. Nếu không quen ăn, thực khách có thể bị “say” gạch.
Người ta gọi là cua đá vì nó sống ở các hang đá trên núi. Cua lớn có trọng lượng đến 300-400 g/con, cua nhỏ thì trọng lượng cỡ 100g/ con. Cua đá có màu tím; khi chín thì chuyển sang màu gạch tuyệt đẹp và thơm lừng.
5. Cua mặt trăng - đặc sản cực kỳ quý hiếm hơn cả cua Huỳnh đế
Một loài hải sản cực kỳ quý hiếm chỉ có trên đảo Phú Quý (Bình Thuận), nó còn “tuyệt chiêu” hơn cả cua Huỳnh đế. Đó chính là loài cua Mặt trăng. Sở dĩ của mặt trăng quý hiếm, được nhiều thực khách săn lùng vì thịt của nó rất săn chắc, nhiều đạm và thơm, ngon đến kỳ lạ.
Sở dĩ gọi là cua mặt trăng vì trên lưng cua có nhiều hình tròn màu đỏ đậm, pha vào màu hồng tươi, rất hấp dẫn và bắt mắt. Nhiều ngư dân trên đảo Phú Quý cho biết, loài này thường xuất hiện theo mùa gió nam, cua sống ẩn náu trong các bãi đá san hô quanh các hòn đảo, nhưng cũng rất khan hiếm.
Loại cua này có thịt thơm ngon nhất vào kỳ trăng mọc. Điều này hoàn toàn trái ngược với các loại cua khác, thịt thường xốp trong thời kỳ này.
6. Cua xe tăng Côn Đảo
Cua xe tăng là một loài cua cạn khổng lồ thuộc họ cua cạn Geocarcinidae. Cua xe tăng là loài cua cạn to nhất Việt Nam và bán đảo Đông Dương.
Tại Việt Nam, rừng ngập mặn thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi duy nhất cua xe tăng sinh sống. Khi trưởng thành, loài cua này có mai dài hơn 10 cm, trọng lượng lên tới 1 kg.
Cua có 2 càng to chắc khỏe và có vẻ như không tương xứng với thân (càng phải to, càng trái nhỏ) đủ sức cắn xé lá và ăn các loài động vật. Sở dĩ cua có tên xe tăng là vì khi bò, nó có hình dáng trông giống như cỗ xe tăng đang di chuyển.
7. Cua vang Côn Đảo
Cua vang giống như cua đồng nhưng nhỏ hơn, con lớn nhất cỡ đầu ngón chân cái, thân cua màu nâu tím gần giống như màu rượu vang. Có thể vì thế mà chúng được gọi là cua vang.
Nếu có dịp du lịch Côn Đảo, bạn đừng quên thưởng thức món cua vang rang me, chấm với muối tiêu chanh. Vị giòn, thơm, ngọt ngon của món ăn lạ này sẽ khiến bạn ăn rồi lại muốn ăn thêm…
Người dân Côn Đảo thường tìm bắt cua vang vào những đêm mưa. Những ụ đất mới với đường kính cỡ ngón tay cái chính là tổ của cua vang mới đi kiếm ăn về, người ta chỉ cần dùng tay móc cua ra, bỏ vào giỏ. Cua vang tuy nhỏ mà ngon, chế biến được nhiều món như: cua vang luộc chấm muối tiêu chanh, cua vang nấu bún riêu, nấu cháo, rang muối…
8. Cua "thiết giáp" - đặc sản có một không hai ở Tây Nguyên
Vỏ cứng, bản tính hung dữ, những con cua ở khu vực suối đá Ông Mô (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được đặt tên là cua “thiết giáp”, phải những tay săn cua có nghề mới bắt được.
Cua “thiết giáp” không như cua đồng, cua ruộng, chỉ sống tập trung ở lưu vực những con suối đá chạy dọc những thung lũng xen kẽ các quả đồi. Chúng thường đào hang từ trên cạn, xuyên xuống dưới sâu hàng mét đến khi nào hang có nước mới thôi.
Bởi thế, nếu không phải dân trong nghề, nhìn hang cua dễ bị nhầm lẫn với hang chuột. Thêm vào đó, cua thường đào nhiều hốc, ngách thoát hiểm nhưng chúng chỉ sử dụng đúng một cửa hang làm lối ra vào. Ban đêm, khi sương bắt đầu xuống, chúng mới ra khỏi hang đi kiếm ăn.
9. Vang danh đặc sản cua Năm Căn - Cà Mau
Cua Cà Mau hầu hết được nuôi thâm canh theo hướng tự nhiên, sinh thái trong các vuông tôm, kết hợp với rừng và các loài thủy sản khác. Đặc biệt, huyện Năm Căn là vùng ven biển, có hệ sinh thái đa dạng nên đất và nước màu mỡ. Bên cạnh đó, môi trường khí hậu ổn định nên tạo được lượng thức ăn tự nhiên dồi dào cho con cua phát triển nhanh, thịt cua ngon hơn những vùng khác.
Theo đánh giá của du khách, nói đến cua biển thì không đâu sánh bằng chất lượng và mùi vị của cua biển Năm Căn. Thịt cua ngọt, thơm bùi và chắc thịt, còn gạch cua thì béo ngậy. Chính vì chất lượng thịt hảo hạng nên trên thị trường, cua Năm Căn thường có giá cao hơn cua các vùng khác.
Cua ở rừng ngập mặn Cà Mau có thể trở thành món ăn hấp dẫn với cách chế biến đơn giản như: nướng củi, cua muối, cua ướp tỏi ớt, cua nấu chao,... với hương vị đặc trưng, vị ngọt đậm đà cùng các loại rau, quả dân dã ăn kèm tùy món.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.