Những ngày đầu tháng 11/2024, PV Dân Việt chúng tôi có dịp ghé thăm Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, xã Thụy An, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội.
Xuất hiện trước mắt chúng tôi là những dãy nhà khang trang, được sơn màu xanh tượng trưng cho những niềm hy vọng của những mảnh đời kém may mắn.
Từ ngạc nhiên tới nỗi xúc động kìm nén
Sau gần 1 tiếng nói chuyện hàn huyên với ông Nguyễn Ngọc Tân, bác sĩ chuyên khoa 1, quyền Giám đốc trung tâm đã cho chúng tôi nhiều sự ngạc nhiên, bất ngờ thú vị về các hoạt động đang diễn ra tại trung tâm.
Được thành lập từ năm 1976 (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đến nay đã gần 50 năm trung tâm hiện diện trên vùng đất Thụy An, Ba Vì, TP.Hà Nội.
Ở mảnh đất cách xa nơi phồn hoa, phố thị, cuộc sống của những con người nơi đây dường như cũng chậm hơn, nhẹ nhàng hơn với gần 90 cán bộ, nhân viên và gần 300 người khuyết tật, người già, người có công với cách mạng và con em các gia đình chính sách.
Đây là nơi khám bệnh, điều trị, phục hồi chức năng đối với người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ tự kỷ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi và đối tượng khác có nhu cầu.
Nói về trung tâm, ông Nguyễn Ngọc Tân, bác sĩ chuyên khoa 1, quyền Giám đốc trung tâm cho rằng, đây là mô hình một bệnh viện chuyên khoa phục hồi chức năng, cũng là một trường học giáo dục chuyên biệt, trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và gồm cả trung tâm tư vấn dành cho người khuyết tật. Trung tâm đặt mục tiêu phục hồi là mục tiêu chính trong công tác.
"Theo đó, tùy vào năng lực, năng khiếu của từng bệnh nhân, trung tâm sẽ sàng lọc, phân loại và định hướng để người khuyết tật phát huy tối đa khả năng còn tiềm ẩn trong họ để được phát triển tốt nhất", ông Tân chia sẻ.
Do đó, công tác y tế, phục hồi chức năng đặc biệt chú trọng. Những năm gần đây trung tâm đã mạnh dạn đầu tư những thiết bị tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Điều đó góp phần chăm sóc, phục hồi tốt hơn cho người khuyết tật. Có thể kể tới như máy kéo giãn cột sống, điện xung, điện phân, vi sóng, sóng ngắn, từ trường, châm cứu laser, siêu âm trị liệu…
Đặc biệt, trung tâm kết hợp tốt giữa y học cổ truyền với y học hiện đại trong công tác điều trị phục hồi chức năng. Phòng điều trị vật lý trị liệu, tập phục hồi rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát, đường đi lại được thiết kế xây dựng rất thuận lợi cho việc di chuyển của người khuyết tật.
Sau cuộc trò chuyện nhanh, ông Tân dẫn chúng tôi đi thăm quan các phòng chức năng phục hồi tại dãy nhà khang trang B1. Những tiếng kêu ú ớ xen lẫn những tiếng hét, tiếc khóc vang lên là những gì mà chúng tôi cảm nhận rõ ràng nhất. Khi bước vào căn phòng đầu tiên, những ánh mắt ngờ nghệch, khuôn mặt thơ dại hiện ra rõ nét trước mắt chúng tôi từ những đứa bé còn nhỏ tuổi có mảnh đời không may mắn.
Trong một khoảnh khắc chúng tôi đã lặng người đi khi lần đầu tiên chứng kiến trực tiếp bầu không khí này.
Để được nhận vào trung tâm, trẻ em khuyết tật được khám tuyển tại địa phương hoặc khám đánh giá tại trung tâm. Qua đó phân loại theo các dạng tật để áp dụng các hình thức phục hồi chức năng cho phù hợp.
Từ khi thành lập năm 1976, trung tâm đã đón nhận và phục hồi chức năng cho hàng nghìn trẻ em khuyết tật. Số cháu được tư vấn và tập luyện phục hồi chức năng qua trung tâm là khoảng 3.000 cháu.
Nhiều cháu khi ở nhà không đi lại được, phụ thuộc hoàn toàn vào trợ giúp của gia đình và nguời thân, khi vào trung tâm được phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng một thời gian, các cháu có thể tự đi lại được hoặc đi lại bằng dụng cụ trợ giúp.
Trẻ em khuyết tật tại trung tâm được học văn hóa, tùy theo năng lực và tình hình sức khỏe, nếu đáp ứng tốt có thể được chuyển ra học phổ thông tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Năm học 2024-2025 có 06 em theo học văn hóa hòa nhập, 100% đạt hạnh kiểm Tốt; Có 01 em tốt nghiệp Đại học vào tháng 5/2024; 02 em đạt Học sinh Giỏi, còn lại đạt học sinh Khá.
Mô hình giáo dục đặc biệt, can thiệp trẻ em tự kỷ của trung tâm đã giúp trẻ em khuyết tật có kiến thức văn hóa, có kỹ năng sống để tự tin hòa nhập cộng đồng, phát huy khả năng của bản thân, ổn định cuộc sống lâu dài.
Ngoài những giờ học văn hóa trên lớp, trung tâm còn thực hiện phục hồi chức năng về tinh thần và nghề nghiệp cho người khuyết tật. Tại trung tâm đang tổ chức hướng nghiệp, dạy các nghề như: May, đan, làm đồ handmade, hoa, làm hương thơm, tranh đá quý, tranh bút lửa và dệt Saori… Sản phẩm của người khuyết tật làm ra được thị trường chấp nhận, tiêu thụ tốt, là cơ hội để người khuyết tật có thể tự lập cuộc sống khi hòa nhập cộng đồng.
Qua hoạt động này ngoài việc giúp cho người khuyết tật bớt tự ti, có niềm vui, có kỹ năng trong cuộc sống mà còn là một hoạt động vật lý trị liệu để hòa nhập tốt nhất với gia đình và xã hội.
Nếu phát huy được tài năng và lành nghề, người khuyết tật hoàn toàn có thể tự nuôi sống bản thân.
Lễ Chào cờ đặc biệt và "Địa chỉ đỏ" dành cho người khuyết tật
Nhận được quan tâm chỉ đạo của Bộ LĐ-TBXH, sự chung tay của các cơ quan, ban ngành và xã hội đã giúp trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thời điểm PV Dân Việt tới tác nghiệp, cơ sở hạ tầng của trung tâm đã được đầu tư khang trang hơn rất nhiều giúp cho người khuyết tật, bệnh nhân ở đây có điều kiện học tập và phục hồi tốt hơn.
Đặc biệt đội ngũ cán bộ, giáo viên tại đây phải thực sự tâm huyết, gắn bó, đam mê với công việc. Qua đó đã thu hút được nguồn lực xã hội cùng chung tay giúp đỡ đối tượng yếu thế trẻ khuyết tật, tự kỷ…
Tiếp tục dẫn chúng tôi đi thăm quan khuôn viên và các khu vực phòng chức năng tại trung tâm là ông Trần Ngọc Khánh, Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt.
Trung tâm luôn xác định tiêu chí lấy người khuyết tật là trung tâm, đến nay quy trình khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật và trẻ em tự kỷ được từng bước hoàn thiện.
Từ các khu nhà ăn, khu học văn hóa cho trẻ khiếm thính, khu phục hồi cho trẻ tự kỷ, sân chơi đều được quan tâm đầu tư...hàng ngày có giáo viên quản sinh trực 24/24 để quản lý và hướng dẫn, giúp đỡ các em sinh hoạt, học tập theo đúng giờ giấc quy định. Chính vì vậy, các em học sinh ở đây tham gia mọi hoạt động rất có nề nếp, tự giác và ý thức tổ chức kỷ luật cao
Trao đổi thêm với PV Dân Việt, ông Khánh cũng chia sẻ, trung tâm vẫn duy trì Lễ Chào cờ, hát Quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu vào sáng thứ Hai hàng tuần và tập thể dục giữa giờ hàng ngày.
"Đây là một hoạt động rất ý nghĩa giúp trẻ khuyết tật phát triển toàn diện đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam đối với các em", ông Khánh nói.
Dẫu còn có nhiều khó khăn, nhưng với sự đoàn kết đồng lòng, luôn hướng tới người khuyết tật của tập thể cán bộ, nhân viên trung tâm, tin tưởng rằng trung tâm sẽ vượt qua trở ngại, không ngừng đổi mới và phát triển để vững danh hiệu lá cờ đầu của ngành LĐ-TB&XH trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Những năm qua, trung tâm đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng thi đua cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, cùng rất nhiều Cờ luân lưu của Chính phủ và Cờ thi đua của Bộ và nhiều bằng khen các loại.
Có thể nói Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An đã trở thành mái nhà thứ hai, là điểm tựa vững chắc, "Địa chỉ đỏ" cho người khuyết tật, trẻ em tự kỷ và gia đình của các em trên mọi miền đất nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.