"Địa ngục" Đông Ghouta, Syria: Chuyện về tình yêu, cái chết và sự sống 

Phương Đăng (theo LA Times) Thứ năm, ngày 01/03/2018 14:32 PM (GMT+7)
Gần 1 tuần sau khi thông qua nghị quyết yêu cầu thực thi ngay lập tức lệnh ngừng bắn trong 30 ngày trên toàn Syria, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bất lực tuyên bố mọi thứ không có gì thay đổi, đặc biệt là "địa ngục" Đông Ghouta ở ngoại ô Damascus. Điều đó có nghĩa là bom vẫn rơi, giao tranh vẫn tiếp diễn và những cái chết vẫn không ngừng tăng.
Bình luận 0

img

Khói bốc lên từ ngoại ô Damascus - nơi giao tranh đang diễn ra vô cùng ác liệt giữa các lực lượng chính phủ Syria và phiến quân Hồi giáo. Ảnh ngày 28.2

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 24.2 đã thông qua nghị quyết kêu gọi các bên tham chiến ở Syria chấm dứt các cuộc giao tranh đẫm máu trong 30 ngày để cho phép viện trợ nhân đạo đến với những cộng đồng bị chiến tranh tàn phá, bao vây, cô lập cũng như di tản người bị bệnh và bị thương. 

Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra bất kể ngày đêm ở Đông Ghouta, ngoại ô Damascus với cường độ được cho là dữ dội bậc nhất trong cuộc nội chiến đã kéo dài 7 năm qua ở Syria.

Theo Liên Hợp Quốc, có khoảng 400.000 người vẫn đang mắc kẹt trong "địa ngục" chiến tranh này. Trong khi đó, các nhà hoạt động đối lập cho biết, hơn 500 dân thường đã thiệt mạng vì chiến sự, bao gồm nhiều trẻ em và phụ nữ. Dẫu vậy, từ bên trong "địa ngục" Đông Ghouta, người dân vẫn chia sẻ những câu chuyện vô cùng xúc động về tình yêu, cái chết và sự sống. 

"Con đã cứu nhiều người, nhưng mẹ ơi, con lại không thể cứu được mẹ"

img

Ông Samir Salim ngồi trên đống đổ nát sau một cuộc oanh tạc.

Câu chuyện đầu tiên là của ông Samir Salim, 45 tuổi, người đã cứu sống nhiều bạn bè và hàng xóm từ các tòa nhà bị bom giật sập ở Đông Ghouta trong suốt 4 năm qua. Ông và 3 anh em trai trong nhà đã gia nhập lực lượng cứu hộ Phòng vệ Dân sự Syria năm 2013.

Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria còn được biết đến với tên gọi khác là “Mũ bảo hiểm trắng" - vốn là lực lượng đầu tiên có mặt tại hiện trường sau những trận mưa bom dội xuống Syria. Một ngày cuối tháng 2, đơn vị của Salim hối hả đổ tới hiện trường một vụ oanh tạc ở quê nhà của ông ở Medeira, Đông Ghouta. Chạy qua những con phố vô cùng quen thuộc, ông Salim cuối cùng nhận ra rằng, bom đã rơi trúng vào nhà mình. 

"Đó là khi tôi nhận ra bom đã rơi trúng vào nhà tôi. Tất cả những gì còn lại là một đống gạch đá, bê tông vỡ vụn", ông Salim chia sẻ với hãng tin AFP. 

Trong đống đổ nát đó, ông Salim tìm thấy chị dâu, cháu trai 23 tuổi và bố ông, may mắn tất cả vẫn sống. Tuy nhiên, mẹ ông ở trong một căn phòng khác bị một bức tường sập đè lên. Cơ thể bà bất động, không còn dấu hiệu của sự sống. Salim ôm lấy cơ thể mẹ khóc nấc.

"Con đã cứu nhiều người, nhưng mẹ ơi, con lại không thể cứu được mẹ! Con phải làm sao đây mẹ ơi, Cầu cho linh hồn mẹ được yên nghỉ", ông Salim đau đớn thốt lên.

"Một số người chúng tôi cứu được. Một số khác thì không"

Đối với các bác sĩ và y tá luôn ở trong tình trạng quá tải bệnh nhân và không đủ thuốc thang cũng như trang thiết bị y tế để cứu người, mỗi khi cứu chữa cho bệnh nhân, họ đều phải làm một bài toán đau lòng đó là ai có cơ hội sống nhiều hơn ai. 

"Việc anh phải làm là xem bệnh nhân nào có cơ hội sống sót cao để cấp thuốc cho họ. Một số người chúng tôi có thể cứu được. Một số người khác thì không", bác sĩ Hamza Hassan, 35 tuổi thuộc tổ chức từ thiện Hội Y khoa Syria-Mỹ chia sẻ. Anh cho biết thêm rằng, các loại thuốc ở Syria vô cùng khan hiếm nên không phải bệnh nhân nào cũng được cấp thuốc.

Mỗi ngày thức dậy, bác sĩ Hassan, một chuyên gia tai mũi học nhận được hàng loạt tin nhắn của bệnh nhân. Bất chấp nỗi ám ảnh bom rơi, pháo kích dữ dội ở Đông Ghouta, vị bác sĩ vẫn cố gắng đến các điểm y tế, nơi bệnh nhân của anh đang chờ đợi.

"Tôi chỉ muốn sống cho ra sống"

img

Cô Bayan Rehan (trái) ở nơi trú ẩn với nhiều phụ nữ và trẻ em Syria.

Trong một bài đăng trên Facebook mới đây, Bayan Rehan, 31 tuổi, một nhà hoạt động cho quyền của phụ nữ kể về một trận oanh tạc dữ dội vào khu dân cư ở Đông Ghouta khiến nhiều gia đình phải vội vã chạy tới nơi trú ẩn. Trong hầm trú ẩn chen chúc phụ nữ và trẻ em, không khí vô cùng ngột ngạt.

Sợ sẽ chết ngạt trong hầm, Rehan liệu mang chạy về nhà, nơi cô có thể kết nối Internet và sử dụng điện thoại di động để xem có tin nhắn nào từ người yêu của mình hay không. 

"Tôi đã tìm thấy nó. Khi đó, tôi cảm thấy hạnh phúc biết bao", Rehan chia sẻ tin nhắn từ người yêu, cũng là một nhà hoạt động nhưng anh làm việc ở tỉnh Idlib, phía Tây Bắc Syria đã giúp cô "khôi phục lại niềm tin vào cuộc đời".

Cặp đôi quen nhau qua mạng cách đây hơn 1 năm nhưng chưa từng gặp mặt. Idlib cũng là nơi chiến sự giữa các lực lượng chính phủ và phiến quân Hồi giáo diễn ra vô cùng ác liệt nên việc đi lại là vô cùng nguy hiểm. Do đó, họ đành chấp nhận yêu xa, xoa dịu nỗi nhớ thương nhau bằng những tin nhắn hàng ngày và không ngừng mơ về một ngày được đoàn tụ.

"Tôi nghĩ về khoảnh khắc tôi gặp anh ấy, chạm vào tay anh và hôn anh. Tôi đã là một "tù nhân" trong 7 năm. Tôi chỉ muốn được sống cho ra sống", Rehan chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem