Địa phương duy nhất của TP.HCM ứng dụng nhiều kỹ thuật công nghệ sản xuất muối
Trần Đáng
Thứ năm, ngày 10/08/2023 15:14 PM (GMT+7)
Theo UBND huyện Cần Giờ (TP.HCM), huyện đã có đề xuất TP danh mục dự án ưu tiên, vốn và nguồn vốn đầu tư làng nghề muối tại ấp Tân Điền ( xã Lý Nhơn), giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 – 2030.
Ngoài ra, huyện cũng phối hợp với Sở NNPTNT TP xây dựng, trình UBND TP phê duyệt phương án chuyển đổi diện tích sản xuất muối trên địa bàn huyện Cần Giờ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Trước đó, TP.HCM cũng đã phê duyệt Đề án "Quy hoạch sản xuất muối trên địa bàn TP.HCM (huyện Cần Giờ) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025" với 1.000ha. Mục tiêu đến năm 2025 nâng cao năng suất, sản lượng trên 80.000 tấn muối/năm và sản phẩm sau muối.
Đề án quy hoạch này nhằm xác lập cụ thể quỹ đất diêm nghiệp ổn định trên 10 năm phù hợp với điều kiện tự nhiên để phát triển sản xuất muối, cơ sở pháp lý để nghiên cứu triển khai thực hiện các cơ sở hạ tầng và chủ trương chính sách đầu tư hỗ trợ để nâng cao chất lượng.
Ngoài ra, Đề án này cũng nhằm tổ chức chuyển đổi phương thức sản xuất muối theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa có hiệu quả và bền vững; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu muối của người tiêu dùng và nguyên liệu cho các ngành công nghiệp; giải quyết việc làm ổn định, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho diêm dân và người lao động, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và huyện Cần Giờ;
Đồng thời, tổ chức sản xuất muối theo quy hoạch, kết hợp với hoạt động du lịch sinh thái, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, phát triển làng nghề truyền thống ở nông thôn.
Huyện Cần giờ là địa phương duy nhất của TP.HCM được quy hoạch sản xuất muối với diện tích 1.000 ha, trong đó xã Lý Nhơn là 800 ha, xã Thạnh An là 200 ha.
Từ năm 2010 đến nay, nghề làm muối trên địa bàn huyện Cần Giờ có sự chuyển biến đáng kể, người dân từng bước chuyển đổi từ sản xuất muối truyền thống (kết tinh trên nền đất) sang sản xuất theo phương thức kết tinh trên ruộng trải bạt. Diện tích đất đưa vào sản xuất hằng năm đạt trên 1.550ha, sản xuất bình quân trên 100.000 tấn/năm, năng suất bình quân trên 65 tấn/ha.
Theo UBND huyện Cần Giờ, thời gian qua, TP và huyện Cần Giờ đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, như hệ thống giao thông nội đồng vận chuyển muối, hệ thống thủy lợi cấp thoát nước cung cấp nước sản xuất muối, hệ thống điện. Triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, như mô hình muối trải bạt, mô hình trữ nước chạt, máy lăn khuôn muối, máy chế biến muối.
Cùng với đó là triển khai các chính sách, như hỗ trợ lãi xuất vay vốn cho diêm dân, hỗ trợ hợp tác tiêu thụ muối, đào tạo nghề làm muối trải bạt, khuyến diêm (hỗ trợ bạt nhựa, hồ trữ nước chạt), tập huấn, tham quan, học tập các mô hình sản xuất muối tiên tiến tại các tỉnh lận cận.
Nghề làm muối truyền thống tại huyện Cần Giờ hiện nay tập trung ở 2 xã Lý Nhơn và Thạnh An. Hiện nay, muối ở Cần Giờ không chỉ cung cấp cho thị trường cả nước mà còn được xuất khẩu sang EU, hứa hẹn sẽ giúp người dân làng muối cải thiện được cuộc sống tốt hơn.
Hiện, nghề làm muối ở Cần Giờ được TP.HCM tập trung trung bảo tồn và [hát triển theo Kế hoạch 1784, giai đoạn 2022-2025.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.