Dịch Covid-19: Hội giúp nông dân tự tin bán hàng trên mạng xã hội

Thu Hà Thứ bảy, ngày 06/11/2021 16:59 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa bị chậm lại. Ứng phó với khó khăn này, các cấp Hội Nông dân đã hỗ trợ nông dân tìm cách đưa nông sản lên mạng xã hội kết nối với người tiêu dùng.
Bình luận 0

Ra tận vườn để livestream bán nho Hạ Đen

"Nho Hạ Đen tươi ngon quá này bà con ơi. Bữa nay bắt đầu thu hoạch, nho rất mỏng vỏ, ngọt thơm lắm bà con ơi… Kính mời bà con cô bác ủng hộ nho vườn, giá chỉ 120.000 đồng một cân. Nho chúng tôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, ăn ngon lắm...". Đó là những lời mộc mạc mà vợ chồng nông dân Nguyễn Văn Nội và bà Nguyễn Thị Sinh livestream (phát trực tiếp) trên Facebook khiến nhiều người xem tò mò và muốn một lần được dùng thử.

Dịch Covid-19: Hội giúp nông dân tự tin bán hàng trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Bà Sinh cho biết: Trong việc bán hàng trên mạng xã hội, bà phụ trách việc nói, giới thiệu sản phẩm nho Hạ Đen, còn ông Nội thì quay phát livestream. Trong ảnh: Mô hình trồng Hạ Đen của vợ chồng vợ chồng nông dân Nguyễn Văn Nội và bà Nguyễn Thị Sinh ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: Thu Hà

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nội hiện trồng hơn 1 mẫu nho Hạ Đen ở cánh đồng xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Trao đổi với PV Báo Điện tử Dân Việt, bà Sinh cho biết: Năm 2018, gia đình ông bà là người đầu tiên trồng giống nho Hạ Đen ở huyện Đan Phượng. Do giống nho này còn mới mẻ, ít người biết đến nên lúc đầu vợ chồng ông bà gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều người không biết và không tin ở Hà Nội lại có thể trồng thành công giống nho này.

"Từ đầu năm 2020, tham gia các lớp tập huấn về thương mại điện tử do Hội Nông dân và ngành nông nghiệp Hà Nội phối hợp tổ chức, chúng tôi biết đến phương thức bán hàng trên mạng. Ngay sau đó, chúng tôi đã được hỗ trợ lập tài khoản Facebook, Zalo để bán nho trên mạng xã hội. Ban đầu livestream trên Facebook, tôi cũng ngại lắm, không biết nói gì luôn. Giờ thì thành thục, chuyên nghiệp hơn. Tôi sẽ nói giới thiệu sản phẩm nho Hạ Đen, còn chồng tôi thì quay phát livestream. Nho mình trồng có sao thì nói thế, khách hàng quý mến ở sự chân thành, mộc mạc", bà Sinh nói.

Mặc dù năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song HTX nông nghiệp Choa ở xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã có một vụ bưởi bội thu khi bán được gần 100 tấn bưởi Phúc Trạch, trong đó có hơn 10.000 quả bưởi Phúc Trạch đặc sản được bán với giá cao ngất là 80.000 đồng/quả (bán lẻ) và 50.000-60.000 đồng là giá bán buôn.

Dịch Covid-19: Hội giúp nông dân tự tin bán hàng trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Vườn bưởi Phúc Trạch của anh Trần Xuân Loát - Giám đốc HTX nông nghiệp Choa ở xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: D.C

Anh Trần Xuân Loát - Giám đốc HTX nông nghiệp Choa cho biết: "Xã Hương Trạch là vùng trồng bưởi Phúc Trạch ngon nhất ở Hà Tĩnh. HTX nông nghiệp Choa hiện có 22 thành viên tham gia trồng bưởi Phúc Trạch với diện tích 8ha. HTX trồng bưởi Phúc Trạch theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ.

Theo anh Loát, là nông dân thời hiện đại, ngay từ những đầu mới trồng bưởi (năm 2013), anh đã chú trọng đầu tư các phương thức tiếp thị bưởi một cách chuyên nghiệp nhất. Anh lập trang web buoiphuctrach.net để quảng bá thông tin, tiếp thị sản phẩm trên thị trường cả nước. Bên cạnh đó, HTX cũng liên tục rao bán sản phẩm bưởi Phúc Trạch trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, instangram…

"Bưởi Phúc Trạch ngon, chất lượng nên chúng tôi đã nhận được niềm tin của nhiều khách hàng đến từ khắp mọi miền đất nước. Số lượng khách hàng năm sau đông hơn năm trước. Không chỉ bán được sản phẩm của gia đình với giá hợp lý mà tôi còn giúp người dân trong vùng tiêu thụ được sản phẩm. Thậm chí, đã có những đơn đặt hàng với số lượng lớn để đưa bưởi Phúc Trạch vào các siêu thị" - anh Loát phấn khởi cho biết.

Giúp nông dân ứng phó linh hoạt trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Dịch Covid-19, chị Trần Thị Chúc Linh ngụ ấp Phú Thành, xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ cho vườn chôm chôm 4.000m2 của gia đình. Trước khó khăn của chị Linh, Hội ND tỉnh Đồng Tháp đã cử cán bộ Hội hướng dẫn chị cách bán hàng trên mạng. Chị Linh chia sẻ: "Ban đầu, khi đăng bài viết lên Facebook, Zalo chỉ có vài chục người vào xem bài viết, bình luận. Nhưng sau đó tôi được các anh chị ở Hội Nông dân gợi ý đăng bài trên các trang có đông lượng người theo dõi như: Hội những người ở Cái Tàu Hạ, Châu Thành; Chợ Sa Đéc; Mua bán rao vặt Châu Thành... thì nhận được nhiều lượt người đăng ký mua hàng. Đến nay, với giá bán 10.000 đồng/kg, mỗi ngày tôi có thể bán ra thị trường khoảng 100kg chôm chôm".

Bà Phan Thị Kim Nhung – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng cho biết: Trong chương trình hành động năm 2021, Hội Nông dân tỉnh cũng không nghĩ sẽ phải đối mặt với những tình huống khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát vừa qua.

"Khi dịch Covid-19 ập tới, chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ không hề có kịch bản chuẩn bị trước. Khó ở đâu thì vào cuộc gỡ ở đó. Và mỗi cán bộ hội ở các cấp phải luôn học hỏi và ứng phó linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh để từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ nông dân tốt nhất".

Dịch Covid-19: Hội giúp nông dân tự tin bán hàng trên mạng xã hội - Ảnh 3.

Bà Phan Thị Kim Nhung (bìa trái) khảo sát và hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho nông dân trồng bắp xã Tân Khánh Trung, huyện lấp Vò. Ảnh: M.L

Thông qua mô hình "Zalo 3 cấp", Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã thành lập được hơn 147 tổ nông vụ, 69 tổ và điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân, vận hành 1 mô hình ký gửi nông sản... Trung bình mỗi ngày, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho nông dân tình nhà trên 500 tấn nông sản, thủy sản các loại…

Theo bà Nhung, cùng với hỗ trợ của cơ quan chức năng và doanh nghiệp, ngoài tiêu thụ trên các kênh truyền thống, việc nông dân đưa các sản phẩm nông sản lên các trang mạng xã hội được xem là sự thích ứng cần thiết để tiêu thụ nông sản trong thời điểm khó khăn.

Trong thời gian tới, bên cạnh duy trì kết nối với các kênh tiêu thụ thông qua các nhà phân phối trực tiếp, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ nông dân đẩy mạnh phân phối nông sản thông qua kênh thương mại điện tử hiện đại như: Voso, Postmart... Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân bán hàng thông qua phương thức livestream trực tuyến".

Tập trung các hoạt động hỗ trợ nông dân, tăng giá trị nông sản Việt

Những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam tập trung đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân như cung ứng vật tư đầu vào phân bón, cây giống; xây dựng các mô hình nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Hội Nông dân Việt Nam hiện có 52 Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn ở các tỉnh, thành Hội. Tại các Trung tâm này, Hội đang tập trung xây dựng các điểm kết nối tiêu thụ nông sản.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19, Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi, hợp tác với các bộ ban ngành liên quan nhằm hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi số. Người nông dân khi được hỗ trợ công nghệ số, tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử sẽ giảm bớt được rất nhiều khâu trung gian, tăng giá trị nông sản Việt.

Ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem