Dịch Covid-19: Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục
Dịch Covid-19: Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục
Thứ sáu, ngày 07/01/2022 06:35 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, chuyển đổi số được xem là cơ hội để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 2 năm qua, nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước phải chuyển sang dạy học trực tuyến để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả giáo viên và học sinh. Cô giáo Trịnh Thị Thu Vân dậy môn Vật Lý, Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Hà Nội luôn trăn trở tìm giải pháp thực hiện các thí nghiệm trong bài học để học sinh dễ hiểu bài hơn khi dạy học trực tuyến. Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi từ các phần mềm trên mạng internet, cô Trịnh Thị Thu Vân đã thực hiện được nhiều thí nghiệm ảo, mô phỏng các hiện tượng vật lý bằng hình ảnh, hoặc video giúp tiết học giữa cô và trò sinh động, dễ hiểu bài hơn khi không được làm thí nghiệm trực tiếp: "Trên mạng có rất nhiều kiểu thí nghiệm chẳng hạn như PhET, hoặc là OLM- cho học sinh làm bài tập, rồi thí nghiệm trên Youtube bằng tiếng Anh. Tất nhiên, những thí nghiệm đó vừa nghe, vừa giải thích cho học sinh để học sinh dễ hiểu hơn, chứ chỉ thông qua sách, hay thông qua Powerpoint thì không đủ".
Áp dụng các ứng dụng công nghệ vào dạy học đã trở thành nhu cầu cấp thiết đối với nhiều giáo viên khi dạy học trực tuyến, bởi sẽ giúp học sinh hứng thú, tiếp thu bài học dễ dàng hơn. Trong quá trình kiểm tra, đánh giá, sau nhiều băn khoăn về tính công bằng, minh bạch khi kiểm tra học kỳ trực tuyến, năm học 2021-2022 nhiều trường đã tổ chức kiểm tra học kỳ một cách suôn sẻ.
Bà Lê Hoàn Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, với việc sử dụng các ứng dụng công nghệ hỗ trợ, nhà trường đã tổ chức kỳ thi học kỳ 1 nghiêm túc, đảm bảo đánh giá chất lượng học sinh: "Những lớp học trên 40 học sinh và toàn bộ học sinh khối 9 thì trường chia phòng thi trực tuyến. Mỗi phòng thi sẽ có 2 giám thị coi thi và giám thị coi thi thứ nhất thì sẽ làm việc trực tiếp tại trường cùng với giám sát và Ban giám hiệu".
Không chỉ học trực tuyến, thi trực tuyến, các trường còn sử dụng các ứng dụng phần mềm thông minh trong quản lý trường học, từ đó giảm bớt hồ sơ, sổ sách giấy tờ, các thủ tục hành chính rườm rà để quản trị nhà trường một cách hiệu quả. Trong 2 năm qua, dịch Covid-19 vô tình đã tạo ra động lực để quá trình chuyển đổi số trong giáo dục trở nên mạnh mẽ hơn. Theo bà Nguyễn Thu Hương, Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì việc chuyển đổi số đã trở thành xu hướng, là nhu cầu tự thân của các nhà trường và giáo viên: "Đây là cơ hội rất là lớn để các trường làm mới mình, thay đổi. Thay vì các bài học chỉ có 1 cô hoặc một thầy giảng, cả lớp ghi chép, thì bây giờ có thể tận dụng công nghệ đưa vào sẽ thuận lợi hơn cho việc học. Dĩ nhiên là bây giờ theo xu hướng, tức là không có lựa chọn là có chuyển sang dạy trực tuyến hay không mà nó là xu hướng tất yếu rồi, bắt buộc các trường không có lựa chọn. Giáo viên có trách nhiệm tự trau dồi, tự bồi dưỡng, tăng cường các kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, làm sao cho bài giảng của họ thú vị hơn".
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, chuyển đổi số thời gian qua đã mang lại làm gió mới cho ngành và đã đạt được một số thành tựu nhất định trong các hoạt động quản lý, dạy và học. Theo đó, từ năm 2018, ngành Giáo dục – Đào tạo đã đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục với 53.000 trường học, 710 phòng giáo dục- đào tạo, gần 24 triệu học sinh và hơn 1,5 triệu giáo viên được gắn mã định danh. Thông tin của các trường đại học, cao đẳng cũng được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành. Việc phát triển học liệu số cũng được Bộ chú trọng triển khai, hiện đã xây dựng được hơn 5 nghìn bài giảng e-learning; trên 2 bài giảng dạy trên truyền hình, hơn 200 thí nghiệm ảo…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, những thành tựu này chính là tiền đề, là cơ hội để ngành giáo dục- đào tạo thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong năm 2022: "Trong năm 2022, chúng tôi xác định là 1 năm rất là tập trung để triển khai Đề án Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, trong đó xây dựng hạ tầng về công việc, về nguồn dữ liệu và những vấn đề về việc ứng dụng và khai thác để vừa phục vụ cho việc đổi mới hoạt động dạy học, đồng thời cũng chính là một việc rất thiết thực trong việc ứng phó với dịch bệnh".
Theo các chuyên gia để chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo hiệu quả, rất cần một nền tảng công nghệ chung của quốc gia, được coi là bệ phóng để ngành giáo dục bứt phá vươn lên. Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là vấn đề đầu tư thiết bị công nghệ, đó còn là văn hóa và con người. Thông qua việc số hóa tài liệu, bài giảng, cơ sở dữ liệu và đưa lên mạng internet, cả giáo viên và học sinh đều có thể cải thiện kỹ năng của mình, với mục tiêu chung tạo ra một quy trình giáo dục hấp dẫn và hiệu quả hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.