Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng: "Kiếp trước tôi là người Ba Lan"

Vũ Nga Chủ nhật, ngày 30/10/2022 06:24 AM (GMT+7)
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đã chia sẻ với Dân Việt về đất nước, tiếng nói và con người Ba Lan nhân dịp tiểu thuyết "Hiệp sỹ thánh chiến" của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz (1846 – 1916) do ông dịch vừa được ra mắt.
Bình luận 0

Henryk Sienkiewicz là văn hào Ba Lan sinh ra tại Wola Okrzejska trong một gia đình gốc gác quý tộc. Ông từng theo học luật, y khoa trước khi chuyên tâm vào sự nghiệp viết lách. Ông đoạt giải Nobel Văn học năm 1905. Sau thời kỳ bệnh tật kéo dài, Henryk Sienkiewicz chuyển hướng sang viết cho độc giả trẻ tuổi hơn, thành tựu nổi bật có Trên sa mạc và trong rừng thẳm và qua đời tại Vevey (Thụy Sĩ).

Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ II, phe phát xít Hitler đã cấm các tác phẩm của Henryk Sienkiewicz, nhất là Hiệp sỹ thánh chiến lưu truyền ở Ba Lan. Tác phẩm đã trở thành một lời cổ vũ hào hùng cho các dân tộc đang chiến đấu không tiếc xương máu để giành độc lập, tự do, đồng thời cũng là lời cảnh báo cho bọn xâm lược vốn chỉ tin vào sức mạnh của quân đội và vũ khí. 

Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng: "Kiếp trước tôi là người Ba Lan" - Ảnh 1.

Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng cùng bạn bè. Ảnh Vũ Nga

Với những tác phẩm chuyển ngữ có giá trị, các dịch giả luôn được coi là người đồng sáng tạo cùng nhà văn, là người tạo ra tác phẩm một lần nữa nên nhiều người còn coi dịch giả cũng chính là nhà văn. Với những tác phẩm đã dịch cũng như sự cống hiến to lớn với nhiều tác phẩm văn học lớn của Ba Lan, ông có đồng ý khi mọi người gọi mình là nhà văn hay không?

- Thực ra tôi đã trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1980 nhưng tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình là nhà văn cả. Tôi thấy thường nhà văn là những người phải viết ra những điều mà họ không thể không viết, còn tôi, tôi tự nhận thấy mình chưa đủ phẩm chất để trở thành một nhà văn. Bởi vì như tôi được biết những nhà văn thực thụ thường sẽ cảm thấy day dứt, khó sống, không yên lòng nếu như những điều họ trăn trở, tâm đắc không được viết ra, được truyền tải bằng một thông điệp nghệ thuật rõ ràng. Vì lẽ đó tôi nghĩ mình chỉ là một người dịch cho nên dù có cố gắng đến đâu đi chăng nữa thì thú thực cũng sẽ rất khó có thể trở thành nhà văn.

Tính đến nay bên cạnh việc nghiên cứu khoa học ông cũng đã gắn bó với việc dịch các tác phẩm văn học Ba Lan. Vậy cơ duyên nào đã đưa ông đến với văn hóa, đất nước và con người nơi đây mà không phải một nền văn học nào khác?

- Tôi là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, có lẽ cơ duyên đầu tiên là năm 1954, khi còn là một cậu bé mới 6 tuổi đi lên tàu ra Bắc là một con tàu của Ba Lan. Được đi trên chuyến Tàu đó là coi như là sự khởi đầu cho cơ duyên đầu tiên của cuộc đời tôi với đất nước Ba Lan.

Rồi tới khi tôi học phổ thông ở miền Bắc, cũng như nhiều bạn khác, sau đó chúng tôi chỉ biết đến Ba Lan khi học bài thơ: Em ơi… Ba Lan của nhà thơ Tố Hữu. Điều kỳ lạ là những cái âm "an", vần "an, tan" của bài thơ cất lên khi ấy không hiểu sao cứ đọng mãi trong tâm trí của tôi. Sau này khi được đến Ba Lan làm nghiên cứu sinh tôi mới nhận ra một sợi dây liên kết, một sự gắn bó kỳ lạ giữa mình với đất nước này.

Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng: "Kiếp trước tôi là người Ba Lan" - Ảnh 2.

Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng nhận hoa chúc mừng từ nhà văn Trầm Hương. Ảnh Vũ Nga

Vậy khi đó hình ảnh đất nước Ba Lan hiện lên trong trí tưởng tượng của ông như thế nào?

- Còn nhớ hồi chúng tôi đang học Đại học, học tiếng Ba Lan tại Việt Nam nhưng cũng chưa có thể đến tham quan hay học tập tại nước bạn. Thậm chí vì chiến tranh, thời sinh viên của chúng tôi khi ấy chưa hề biết đến giảng đường đại học là thế nào.

Chúng tôi thường học trong căn hầm trú ẩn hoặc các túp lều đơn sơ, đơn giản tạm thời. Ở Việt Nam vào những năm 1966 – 1971 là giai đoạn mà cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đang diễn ra vô cùng ác liệt, vì vậy phải nói thật là dù yêu mến và trân trọng văn hóa, tiếng nói Ba Lan đến đâu nhưng vì khoảng cách về không gian, lịch sử và sự nhân lên bởi thời gian chiến tranh khiến cho các sinh viên như chúng tôi cảm thấy Ba Lan vẫn còn là một xứ sở, một đất nước rất xa xôi một miền mơ ước mà tâm trí tôi luôn hướng đến.

Với vốn hiểu biết uyên bác về ngôn ngữ, tiếng nói, văn hóa và con người Ba Lan góp phần cho sự thành công của nhiều tác phẩm dịch. Ông có thể kể về một kỷ niệm vui về điều này?

- Khi ngài Tổng thống và đại sứ Ba Lan tới Việt Nam để trao huy chương cho tôi, ông có hỏi tôi rằng, tại sao các nghiên cứu sinh đều không giỏi tiếng nói của đất nước chúng tôi mà sao ông lại giỏi. Tôi mới trả lời vui với họ rằng, thật ra tôi có giỏi gì đâu, chẳng qua là vì kiếp trước tôi là người Ba Lan nên kiếp này mới nhớ như thế. Chính vì đã từng là người Ba Lan nên tôi mới còn nhớ được nhiều điều và dịch sách một cách đơn giản đến như vậy. Nghe thế, ông ấy cười vui lắm, nói rồi tôi giơ hai cánh tay mình ra và nói tiếp: "Đây này, ngài xem đi, vì kiếp trước là một cô gái Ba Lan nên da dẻ tôi còn trắng đẹp như thế này.

Nói thì nói như vậy để mọi người vui, sự thực là tôi học tiếng Ba Lan rất dễ dàng, hầu như tôi chỉ học trên trường, trên lớp. Cô giáo dạy tiếng Ba Lan của tôi, cô Buzanka – một cô giáo dành cả đời mình để học tiếng Ba Lan. Cô  thường cho tôi điểm 6 của thang điểm 5 vì cô bảo không thể nào cho điểm 5 được vì bài này trên điểm 5.

Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng: "Kiếp trước tôi là người Ba Lan" - Ảnh 3.

Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng và các biên tập viên giao lưu cùng độc giả và các bạn văn. Ảnh Vũ Nga

Hiệp sỹ thánh chiến là một tiểu thuyết đồ sộ liên quan đến nhiều mảng kiến thức quan trọng của văn hóa, tôn giáo và lịch sử Ba Lan và dịch giả Nguyễn Hữu Dũng cũng phải mất đến 30 năm nghiên cứu để dịch hoàn thiện. Vậy động lực và niềm yêu thích nào đã khiến ông làm được điều này?

- Thực ra cũng không phải tôi miệt mài dịch trong cả quãng thời gian đó, còn rất nhiều các công việc chuyên môn khác. Tôi là người đã thực hiện công tác giảng dạy từ năm 1971-1984 ở Đại học thủy sản, bây giờ là Đại học Nha Trang sau đó về Bộ làm quản lý khoa học công nghệ cục thủy sản từ 1984 đến năm 2005. Đến năm 1998, tôi lập ra hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Tôi thấy cuộc chiến trong tiểu thuyết Hiệp sỹ thánh chiến có nhiều nét tương đồng với lịch sử chống phong kiến phương Bắc của Việt Nam. Các mô - tuýp nhân vật trong tác phẩm rất đặc trưng cho tinh thần thiện chiến, sự dũng cảm quyết đấu. Tôi thấy dường như cuộc chiến đấu nào cũng là kết tinh cho cả sự đau khổ và niềm tự hào của các dân tộc đó theo chiều dài lịch sử. Như cuộc kháng chiến của chúng ta từ thời Hai Bà Trưng cho đến giai đoạn gần đây cũng luôn có điểm chung. Đó là những nội lực, mạch nguồn và vẻ đẹp dân tộc sự tiếp nối của tinh thần yêu nước.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem