Dịch tả lợn châu Phi - ẩn họa từ sự thiếu ý thức

Anh Thơ Thứ năm, ngày 07/03/2019 07:35 AM (GMT+7)
Nếu vẫn còn những chuyến xe nhập lậu hàng gia súc tuồn sâu vào nội địa, vẫn còn những xác lợn chết vứt ngoài môi trường, vẫn còn những con lợn được bán ra ngoài vùng dịch, thì chắc chắn cơn bão dịch tả lợn châu Phi sẽ không chỉ quét qua 9 tỉnh, thành phố như hiện nay.
Bình luận 0

Khi dịch tả lợn châu Phi đang có những diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan rộng ở nhiều tỉnh phía Bắc, thì hình ảnh những con lợn chết không rõ nguyên nhân bị vứt ngay dưới sông thuộc địa bàn huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đủ khiến người ta lo ngại về mầm bệnh sẽ theo dòng nước phát tán đi muôn ngả.

Rõ ràng, mọi quy định, mọi chính sách sẽ không hiệu quả nếu người dân không nâng cao ý thức phòng chống dịch, và hiểm họa đôi khi lại đến từ những hành động vô tình.

Sau gần 1 tháng ngành chức năng chính thức công bố đã xuất hiện những ổ dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam, tính đến thời điểm ngày 6/3, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan tới 9 tỉnh, thành phố, gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Điện Biên và Hòa Bình. Đã có 331 hộ, 49 xã, 20 huyện của 9 tỉnh, thành phố xuất hiện ổ dịch; tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 6.471 con.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng. 

Điều người ta không khỏi băn khoăn, thắc mắc là, tại sao ở những địa phương giáp biên giới Trung Quốc – nơi dịch tả lợn châu Phi đã hoành hành tại 28 tỉnh với 110 ổ dịch và gần 1 triệu con lợn bị tiêu hủy – ổ dịch không xuất hiện mà dịch lại vào sâu trong nội địa. Thực tế này cho thấy, đường đi của virus dịch tả lợn châu Phi là rất khó lường và những loài chim di cư không phải là thủ phạm chính mang mầm bệnh phát tán khắp nơi.

Mầm bệnh có thể theo bàn chân của những khách du lịch, của những chuyến hàng ngược xuôi hai bên biên giới, đặc biệt trong cả những thùng hàng gia súc, sản phẩm gia súc nhập lậu bằng cách nào đó vẫn được tuồn sâu vào nội địa. Ngay từ cuối tháng 12/2018, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Trung Quốc, Chính phủ, ngành chức năng đã nghiêm cấm tuyệt đối việc vận chuyển, kinh doanh lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới. Vậy nhưng vẫn có những vụ vận chuyển sản phẩm từ lợn (nầm, nội tạng) được phát hiện trên đường đưa đi tiêu thụ.

Gần đây nhất, ngày 18/1/2019, một chiếc xe ô tô vận chuyển nầm lợn nhập lậu bốc mùi hôi thối từ Lạng Sơn về Bắc Giang đã bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ, hơn 1 tấn nầm lợn bị tiêu hủy. Trong những tháng cuối năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển nầm lợn trên địa bàn. Và mầm bệnh rất có thể đã theo những chuyến xe này phát tán.

img

Cán bộ thú y Thái Bình chuẩn bị tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Trần Quang.

Bài học nhãn tiền về sự lây lan quá nhanh của dịch lở mồm long móng trên đàn lợn cuối năm 2018 bắt nguồn từ sự vô ý thức của một số người vẫn còn nóng hổi. Chỉ bắt đầu từ một ổ dịch nhỏ ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội), người dân vì ham lợi, tiếc của, đã cố tình tuồn lợn bệnh, lợn mang mầm dịch ra ngoài, một số người khác thì vứt thẳng lợn chết ra ngoài môi trường một cách không thương tiếc. Vậy là mầm bệnh theo gió, theo nguồn nước, theo những bàn chân vô tình gieo đi khắp nơi. Đã có hàng trăm con lợn buộc phải tiêu hủy.

Hẳn nhiều người sẽ lý giải cho hành động bán tháo lợn ốm ra ngoài bằng lập luận phí hỗ trợ tiêu hủy lợn bị bệnh hiện nay quá thấp (38.000 đồng/kg lợn hơi), quy trình, thu tục nhận được tiền lại quá rườm rà mà lại không hiểu (hoặc cố tình không hiểu) những hành vi đó đã vi phạm quy định của Luật Thú y.

Không phải là điều đơn giản khi đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải chủ trì hội nghị bàn giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Những chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi để giảm thiệt hại và chủ động khai báo dịch cũng đã được bàn thảo và sắp triển khai. Nhưng điều cần thực hiện là làm sao để người dân hiểu việc khai báo khi có dịch, tiêu hủy động vật bị bệnh là một yêu cầu bắt buộc, là trách nhiệm của người chăn nuôi theo quy định của pháp luật thì chưa mấy ai tính đến. Ở nhiều địa phương, người dân vẫn nghĩ, việc phòng chống dịch là của cán bộ thú y.

Thực tế, ngay khi có dự thảo chính sách mới, nhiều người đã lo ngại, mức phí hỗ trợ mới có thể khiến nông dân thiệt thòi hơn so với kiểu cào bằng đang áp dụng. Vậy thì ai dám đảm bảo những con lợn bệnh sẽ không bị tuồn ra ngoài, ai dám đảm bảo người dân cố tình che giấu dịch để tiêu thụ lợn nhằm thu hồi vốn?

Câu chuyện hỗ trợ sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực khi tự bản thân người chăn nuôi không nhận thức được rằng, khai báo dịch, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch (gồm cả tiêu hủy động vật bị bệnh) là việc bắt buộc phải làm, đã được quy định cụ thể theo điều, khoản trong Luật Thú y.

img

Chốt kiểm dịch động vật được lập ở xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Cho đến thời điểm này, không ai dám chắc bao giờ cơn bão dịch tả lợn châu Phi sẽ qua, trả lại sự bình yên cho những chuồng trại chăn nuôi vốn đã chịu khá nhiều sóng gió bởi dịch bệnh và thị trường trong suốt 2-3 năm qua, cũng không ai dám đảm bảo địa phương mình sẽ an toàn trong vùng dịch.

Nhưng có thể khẳng định, nếu vẫn còn những chuyến xe hàng nhập lậu bằng cách nào đó tuồn sâu vào nội địa, vẫn còn những xác lợn chết vứt ngoài môi trường, vẫn còn những con lợn được bán ra ngoài vùng dịch, thì chắc chắn cơn bão đó sẽ không chỉ quét qua 9 tỉnh, thành phố, mà có thể sẽ khiến ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam thêm nhiều bất ổn, lao đao.

Rõ ràng, bên cạnh những giải pháp cấp bách trước mắt, về lâu dài, việc quy hoạch một ngành chăn nuôi quy mô lớn, có hệ thống và tập trung, thay vì những hộ nhỏ lẻ, cá thể hiện nay là điều cần phải tính đến. Việc chấp hành nghiêm pháp luật về chăn nuôi, thú y phải được thực hiện mạnh mẽ hơn. Hãy nhớ, sự thiếu ý thức của con người có thể là bắt đầu cho nhiều ẩn họa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem