Dịch tay chân miệng "quay lại" Hà Nội

Chủ nhật, ngày 25/03/2012 13:18 PM (GMT+7)
Trong khi ngành y tế đang phải gồng mình lên để chống chọi với dịch bệnh thì hàng ngày vẫn có hàng nghìn trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM). Tại Hà Nội, dịch bệnh nguy hiểm này đã “quay lại”, diễn biến ngày càng phức tạp hơn.
Bình luận 0

Gia đình hoang mang

Mầm non Dịch Vọng đã trở thành ngôi trường ở Hà Nội có học sinh nhiễm bệnh TCM. Trong hai ngày 14-15.3, rất nhiều trẻ đã nghỉ học vì gia đình sợ con tới lớp sẽ bị lây bệnh. Ngày 16.3, nhà trường đã hoàn thành việc khử khuẩn, sát trùng 100% phòng học. Đến thời điểm này, tuy chưa ghi nhận thêm ca mắc mới TCM nào nhưng nhiều gia đình PHHS vẫn lo lắng.

img
Khi có biểu hiện bệnh điển hình người nhà cần phải đưa con đi khám ngay. Ảnh minh họa

Một điểm nóng khác về dịch TCM ở khu vực Hà Nội là BV Nhi Trung ương. Trong 3 tháng đầu năm, tình hình dịch TCM đã bùng phát và có diễn biến phức tạp hơn nhiều so với trước đó. Mỗi ngày có 10-20 trẻ nhập viện điều trị vì bệnh TCM, chiếm khoảng 10% số trẻ đến khám. Tính đến giữa tháng 3, bệnh viện đã ghi nhận 320 trẻ nhập viện do mắc bệnh TCM. Phần lớn trẻ có biểu hiện sốt, ăn uống kém, phân loại thuộc độ 2a. Trong đó, có một trường hợp nặng hơn thuộc độ 2b, chưa có ca nào tử vong, nhưng một số trẻ phải lọc máu để cứu sống.

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cũng cho thấy: Ngay từ đầu tháng 1 đã có 113 trẻ mắc TCM, đến tháng 2 số ca mắc đã tăng gấp 3 lần. Đặc biệt, trong 9 ngày đầu tháng 3 đã có thêm 160 trẻ mắc bệnh. Tổng số ca cộng dồn từ đầu năm đến nay, trên toàn khu vực đã có gần 500 trẻ dương tính với virus gây bệnh TCM.

Người lớn có thể mang virus gây bệnh

Ông Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Điều tra dịch tễ tại khu vực miền bắc cho thấy chủng virus gây bệnh TCM chưa có biến chủng mới. Tuýp virus có độc lực mạnh, nguy cơ gây tử vong cao vẫn là chủng EV 71. Tuy nhiên, vì cơ chế lây lan bệnh rất phức tạp nên việc phòng chống dịch bệnh này gặp rất nhiều khó khăn”.

Ông Hiển cũng khẳng định: Chỉ khoảng 25-27% bệnh nhi mắc TCM có tiếp xúc với nguồn bệnh trước đó như có người nhà, trẻ cùng trường học, lớp học bị bệnh, số còn lại có tới hơn 70% bệnh nhi không tiếp xúc trực tiếp với nguồn virus gây bệnh. Vậy thì nguồn bệnh cũng có thể ở chính người lớn mà lâu nay ta không để ý. - Tiến sĩ Hiển khẳng định.

Điều cần lưu ý là bệnh do nhiều tuýp virus gây ra, phần lớn trẻ có các dấu hiệu điển hình của bệnh như xuất hiện các tổn thương phỏng nước ở niêm mạc miệng, tay, chân- những trường hợp này dễ nhận diện. Tuy nhiên, có những trẻ bệnh có biểu hiện ở hệ tuần hoàn, tiêu hoá, thần kinh, triệu chứng rất kín đáo. Chẳng hạn nếu trẻ nhiễm virus EV71 thì không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng ngay từ đầu, đến khi có các biểu hiện điển hình của bệnh thì đã muộn. Thậm chí có ca tử vong khi chưa có biểu hiện bệnh, mà phải nhờ xét nghiệm mới xác định được.

Do vậy, nếu trẻ sốt, xuất hiện nốt phỏng ở tay chân miệng thì cần theo dõi chặt chẽ. Nếu trẻ dù sốt nhưng vẫn ăn, chơi ngoan thì không nên quá lo lắng, bởi như vậy trẻ có sức đề kháng, bệnh nhẹ sẽ tự khỏi. Nhưng nếu trẻ sốt cao trên 39-40 độ C, nôn mửa, tiêu chảy, ngủ kém, ngủ hay giật mình, mệt, chậm chạp thì cha mẹ cần đưa đến bệnh viện ngay. Đó có thể là những dấu hiệu bệnh đã diễn biến nặng.

Theo Phụ nữ Thủ đô

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem