Dịch virus corona: Kêu gọi không bán khẩu trang có thể bị xử lý hình sự?

Đình Việt Thứ ba, ngày 04/02/2020 07:37 AM (GMT+7)
Luật sư đã có những phân tích pháp lý xung quanh vụ việc trên một số diễn đàn chợ thuốc, xuất hiện hiện thông tin kêu gọi các hiệu thuốc đồng loạt ngừng nhập và bán khẩu trang để "nhà nước lo".
Bình luận 0

Như đã thông tin, trên nhóm Facebook của chợ thuốc Hapulico Hà Nội đã xuất hiện lời kêu gọi các cửa hàng đồng loạt không bán khẩu tra, nước rửa tay để "nhà nước lo".

Cụ thể, tài khoản có tên N.K.D kêu gọi: “Tất cả nhà thuốc chúng ta liên kết đoàn kết, không nhập khẩu trang và cũng không bán khẩu trang nữa. Việc đó giờ nhà nước lo, miễn phí hay bán giá như trước thì nhà em không làm được rồi...

img

Dòng trạng thái kêu gọi không bán khẩu trang khiến nhiều người dân bức xúc

Sân bay bán 350k/10 cái khẩu trang y tế 4 lớp mà chẳng quản lý thị trường nào vào đập, cứ nhà thuốc nhỏ lẻ bị úp. Vậy nên chúng ta chung sức không nhập, không bán nhé. Hiện tại cũng 70% các nhà không nhập, 10% không bán, 10% phát free (miễn phí)”.

Sau khi xuất hiện thông tin trên, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết đã kiểm tra, song tài khoản trên đã gỡ thông tin nên chưa xác định được cụ thể chủ tài khoản là ai, chủ quầy thuốc nào. Hiện quản lý thị trường và công an đang vào cuộc xác minh, xử lý.

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định, khẩu trang y tế được coi là thiết bị y tế và phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia số TCVN 8389-1:2010 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Đối với sản phẩm khẩu trang y tế thường được bày bán chủ yếu tại các cơ sở kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế và được sử dụng nhiều trong hoạt động y tế, khám chữa bệnh, phòng bệnh.

Tuy nhiên hiện nay, lợi dụng tình trạng dịch virus corona đang bùng phát tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhiều cơ sở kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế đã ngừng cung cấp mặt hàng này để đáp trả việc không được tăng giá bán sản phẩm.

Dưới góc độ xã hội, luật sư Cường cho rằng hành vi này là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Khi dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát, trách nhiệm phòng bệnh phải đặt lên hàng đầu, trách nhiệm này không chỉ thuộc về nhà nước, của ngành y tế mà là của chung toàn xã hội. Chúng ta cần chung tay bảo vệ mình và cộng đồng để đẩy lùi dịch bệnh chứ không phải bỏ mặc người dân như các cơ sở này.

Trong khi rất nhiều đơn vị phát khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng bệnh, tránh nguy cơ lây lan cho cộng đồng, một bộ phận cơ sở kinh doanh lại kêu gọi găm hàng, không nhập hàng, không bán hàng, đây là hành vi phi đạo đức, thể hiện sự ích kỷ, trục lợi trên nỗi sợ hãi của người khác.

“Không thể chỉ vì việc nhà nước cấm tăng giá sản phẩm mà các cơ sở này lại đối đầu, đáp trả bằng hành vi không bán, không cung cấp sản phẩm. Trong khi cả cộng đồng đang lo lắng, hoang mang vì dịch bệnh họ lại dửng dưng, thờ ơ, vô trách nhiệm” – vị luật sư nhấn mạnh.

Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Cường, Điều 31 Luật Dược đã quy định rõ nghĩa vụ của người hành nghề dược là tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược; Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa.

Do đó, trong trường hợp có đủ cở sở chứng minh các của hàng kinh doanh ở chợ thuốc Hapulico găm hàng, đầu cơ, không bán hàng, không chấp hành quyết định nhà nước trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật.

img

Không khó để bắt gặp hình ảnh này tại chợ thuốc được mệnh danh là lớn nhất miền Bắc. Ảnh: ĐV

Trong trường hợp này, Bộ Y tế, Sở Y tế tại các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý thị trường thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế. Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý thật nghiêm để tránh tình trạng trục lợi, gây hỗn loạn, gây hoang mang cho người dân.

Trong trường hợp phát hiện nhóm cơ sở này có hành vi đầu cơ, găm hàng hoặc buôn bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không niêm yết giá phải xử lý thật nghiêm theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Với hành vi đầu cơ mà chưa đến mức xử lý hình sự, mức xử phạt hành chính có thể từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng với cá nhân và từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với tổ chức vi phạm. Ngoài ra người vi phạm còn bị tịch thu sung công quĩ nhà nước tiền thu lợi bất chính.

Đối với hành vi không chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm phải xử phạt ngay theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, đối với các trường hợp vi phạm trên thì có thể áp dụng chế tài thu hồi chứng chỉ hành nghề dược của người vi phạm theo quy định tại Điều 26 Luật dược.

Còn nếu có căn cứ xác định nhóm người, nhóm cơ sở kinh doanh này có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm…để thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500.000.000 đồng trở lên sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015. Mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể lên đến 15 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem