Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton - người có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên - trong cuộc trả lời phỏng vấn đài ABC của Mỹ đã tuyên bố, Bình Nhưỡng sẽ không được hưởng bất cứ lợi ích gì từ Mỹ trước khi nước này hủy bỏ hoàn toàn tất cả các thành phần của chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Ngoại trưởng Pompeo và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay trong cuộc gặp tại Triều Tiên . Ảnh: AP
Vị cố vấn cho rằng, việc phi hạt nhân hóa phải diễn ra trước khi Triều Tiên được hưởng các lợi ích. Phía Mỹ luôn sẵn sàng để khởi động các hoạt động thương mại và đầu tư với Triều Tiên ngay khi có thể.
Đặc biệt, trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều tại Singapore vào tháng 6 tới, phía Mỹ sẽ đưa ra vấn đề hủy bỏ các trang thiết bị và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cũng như chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí sinh hóa của nước này.
Những tuyên bố có tính kiên quyết của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ có phần làm giảm sự hấp hẫn mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo trước đó.
Trong buổi diện kiến Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Ngoại trưởng Mỹ đã đưa ra một loạt lời hứa hẹn giúp đỡ Triều Tiên, bao gồm việc cho phép các doanh nghiệp đầu tư vào nước này trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà máy điện, nhu cầu thiết yếu về lương thực hay y tế của Triều Tiên. Đặc biệt là sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ sẽ giúp Triều Tiên phát triển “thịnh vượng sánh ngang Hàn Quốc”.
Tất nhiên, khi đó, Ngoại trưởng Mỹ vẫn nhắc tới các khả năng ngoài dỡ bỏ trừng phạt còn là các điều kiện phát triển bậc nhất, trước khi ông Pompeo đề cập đến việc Bình Nhưỡng hay “hành động nhanh chóng để phi hạt nhân hóa” bằng cách chứng tỏ cam kết của mình.
Triều Tiên đã tuyên bố mời các chuyên gia quốc tế và cả báo đài phương Tây để chứng kiến việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri, bước đầu tiên chứng minh họ cam kết phi hạt nhân hóa.
Washington đang chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn nữa của Bình Nhưỡng sau khi họ đưa ra các lợi ích kinh tế thiết thực.
Tuy nhiên, cũng cần phải xét lại, với chính sách bế quan tỏa cảng lâu nay, Triều Tiên đã không hưởng lợi ích từ các quốc gia như Mỹ.
Lời hứa phát triển của Washington chỉ như những chiếc bánh to đẹp, chỉ trao khi Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn các nỗ lực phát triển chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân khổng lồ.
Bình Nhưỡng đã từng không đưa ra bất cứ điều kiện nào cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ- Triều nhưng sau đó, truyền thông Triều Tiên đã dành nhiều sự quan tâm tới việc Mỹ đã đặt hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc cũng như duy trì quân sự.
Bình Nhưỡng chưa có tuyên bố rõ ràng về các điều kiện họ mong muốn Washington thực hiện nhưng với các hành động tích cực mà chính quyền ông Kim Jong-un thể hiện thì Bình Nhưỡng cũng muốn thấy sự chân thành hơn trong các phát ngôn của Mỹ.
Washington muốn là "kẻ cầm đằng chuôi" ở bán đảo Triều Tiên thay vì để Bình Nhưỡng chìa tay liên hợp với Hàn Quốc. Khó có thể thấy tương lai Triều Tiên chấp nhận là "người nắm đằng lưỡi".
Kim Hoa (Báo Đất Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.