Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024: Thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm xanh
Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024: Thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm xanh
Minh Huệ
Thứ ba, ngày 24/09/2024 16:05 PM (GMT+7)
Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024) diễn ra tại TP.HCM tới đây sẽ có khoảng 200 gian hàng, thảo luận về 10 chủ đề "hot" với sự tham gia của các quan chức cấp cao đến từ châu Âu và Việt Nam, cùng với lãnh đạo cấp cao đến từ các doanh nghiệp lớn sản xuất xanh.
Sáng 24/9, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade - Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức họp báo công bố chi tiết về Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh năm 2024 (GEFE 2024), diễn ra từ ngày 21 - 23/10 tại TP. Hồ Chí Minh.
Nhu cầu cấp thiết chuyển đổi xanh, phát triển bền vững
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Bruno Jaspaert – tân Chủ tịch EuroCham, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C (Đình Vũ, Hải Phòng) cho biết: "Tôi sống ở Hải Phòng và lần đầu tiên chứng kiến cơn bão Yagi đi qua thật khủng khiếp. Cơn bão nhắc nhở chúng ta rằng biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa xa vời, mà là một cuộc khủng hoảng cấp bách đòi hỏi hành động chung tay tức thời. Đó cũng là lý do chúng tôi nhận thấy cần tiếp tục theo đuổi sản xuất xanh, phát triển bền vững cũng như cùng các đối tác tổ chức GEFE 2024 với chủ đề Kiến tạo tương lai xanh".
Là doanh nhân gốc Bỉ, ông Bruno Jaspaert phụ trách thị trường Việt Nam từ năm 2018 và với tư cách nhà đầu tư đến từ châu Âu, ông Bruno cho biết doanh nghiệp không chỉ đầu tư, kiếm lợi nhuận ở Việt Nam mà phải mang lại lợi ích bền vững cho cộng đồng. Đó cũng là lí do trong khuôn khổ GEFE 2024 sẽ tổ chức ngày hội sinh viên với sự tham gia của 2.000 người.
"GEFE mong muốn gửi gắm những thông điệp về kinh tế xanh cho các em sinh viên - thế hệ tương lai của đất nước, để họ nhận thức rõ hơn về vai trò, cũng như nhận định rõ tương lai, thách thức về biến đổi khí hậu… GEFE 2024 được kỳ vọng mang lại sự khác biệt, cùng cộng đồng doanh nghiệp EU tìm cách hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững bằng nhiều cách thay vì chỉ có quan hệ song phương" - ông Bruno Jaspaert.
Đại sứ phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Julian Guerrier cho rằng, GEFE 2024 sẽ là cơ hội tuyệt vời để các đại diện cấp cao của cộng đồng doanh nghiệp EU và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp châu Âu đang được hỗ trợ đầu tư, sản xuất kinh doanh bởi các hiệp định thương mại, điển hình là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) không chỉ đem lại sự tăng trưởng khoảng 4% cho cả doanh nghiệp hai bên, mà các doanh nghiệp châu Âu cũng đã và đang mang đến việc làm, công nghệ, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường...
"Các doanh nghiệp châu Âu có nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế và đang tiếp tục đi đầu thế giới nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, cắt giảm khí thải cho châu Âu tới năm 2050. Chúng ta cùng nhận thức rằng, chuyển đổi xanh là thách thức của toàn cầu, vì vậy EU sẽ đồng hành cùng các đối tác thương mại trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam để đạt mục tiêu giảm phát thải bằng 0 như đã cam kết tại COP 26, cũng như hỗ trợ Việt Nam trong định hướng trở thành nước phát triển vào năm 2045 - ông Julian Guerrier khẳng định.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam và EU đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu; vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, cũng như giáo dục, khoa học công nghệ... Tính đến tháng 8/2024, EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN.
Đặc biệt, theo ông Phú, Hiệp định EVFTA đã thúc đẩy, tạo động lực để các nhà đầu tư EU tiếp cận và mở rộng đầu tư ở Việt Nam, góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 2.450 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ euro.
Đại diện Vietrade khẳng định sẽ cùng các doanh nghiệp Việt Nam đồng hành với doanh nghiệp EU trong tiến trình xanh hoá nền kinh tế. Theo đó, tại diễn đàn sẽ có khoảng 10 sự kiện, với sự tham gia sâu của các chuyên gia Bộ Công Thương trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiêu dùng, thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, góp ý về dự thảo nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà quy mô lớn…
"GEFE 2024 sẽ có 1 khu gian hàng của Việt Nam, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tiêu biểu đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm hữu cơ, sản phẩm xanh nhằm thể hiện sự sẵn sàng của mình trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp EU trong sản xuất xanh. Bên cạnh đó, đồng hành cùng doanh nghiệp, chúng tôi cũng tổ chức nhiều phiên xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp" - ông Phú thông tin.
Ông Nguyễn Phan Đính, Phó Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh của EuroCham kiêm Trưởng ban Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng cho biết: Dự kiến sẽ có hơn 200 doanh nghiệp, nhà triển lãm tham gia, trong đó, Việt Nam có 24 doanh nghiệp, riêng Hà Lan là 50 doanh nghiệp, cùng với 13 gian hàng quốc gia và các gian hàng của doanh nghiệp Starup.
Về phần diễn đàn, sẽ có một phiên toàn thể cùng khoảng 30 hội nghị, hội thảo với 150 diễn giả, xoay quanh 10 chủ đề tham luận: Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; Tài chính bền vững; Khử carbon trong sản xuất và thương mại; Xây dựng và công trình xanh; Kinh tế tuần hoàn; Giải pháp thoát khỏi khủng hoảng nước; Thực phẩm và nông nghiệp bền vững; Du lịch bền vững; Số hoá và công nghệ mới…
Cũng tại buổi họp báo, ông Christoph Prommersberger, Phó Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho biết, Hà Lan đang là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam với số vốn lên tới hơn 14 tỷ USD. Do đó, Hà Lan có mối quan tâm đặc biệt đến thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa EU và Việt Nam, đảm bảo tương lai tăng trưởng và phát triển bền vững.
"EU là châu lục đang dẫn đầu toàn cầu trong chuyển đổi xanh, với những quy định mới đòi hỏi phải sản xuất xanh hơn, sạch hơn, phát thải thấp.
Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang EU sẽ phải đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và để làm được điều đó thì việc đầu tư vào giảm phát thải, nông nghiệp xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn mới là điều kiện tiên quyết. Kể cả các doanh nghiệp thứ cấp cũng phải thực hiện yêu cầu này. Do đó, chúng tôi kỳ vọng GEFE 2024 sẽ mang đến các giải pháp sản xuất xanh, sạch, bền vững cho doanh nghiệp" - Phó Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, ông Vũ Bá Phú cho biết: "Từ vài năm trước chúng tôi đã nhận thức được rằng, nếu không chuyển đổi xanh, chú trọng phát triển bền vững thì chỉ vài năm nữa, đến năm 2027-2028 dù có hàng hoá tốt thì chúng ta sẽ không thể xuất khẩu được vào các thị trường tốt có giá trị cao như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ...".
Ông Phú cho biết, phía Bộ Công Thương đã đặt ra yêu cầu phải nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; Hoàn thiện thể chế, chính sách về kiểm soát phát thải, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp thực hành, triển khai các kế hoạch chuyển đổi xanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội. Việc này sẽ được diễn ra thường xuyên, liên tục cho tới cả tương lai.
Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh năm 2024 (GEFE 2024) nhằm thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững, kế hoạch quốc gia về chuyển đổi năng lượng, quản lý rủi ro khí hậu nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Sự kiện diễn ra từ ngày 21-23/10 tại Trung tâm Hội nghị Sala's THISO Skyhall, TP. Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.