Điều đặc biệt của nguyên Thống đốc Lê Minh Hưng

Trần Giang Thứ sáu, ngày 13/11/2020 07:30 AM (GMT+7)
Có lẽ ông Lê Minh Hưng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước duy nhất đến thời điểm này chưa chính thức trả lời phỏng vấn báo chí lần nào, vì ông từng nói "Anh không biết nói gì, những gì cần làm thì anh đã hành động rồi".
Bình luận 0

5 năm làm trưởng ngành một lĩnh vực luôn "nóng" và là tâm điểm của thị trường khi xã hội, kinh tế phát sinh những vấn đề như bệnh dịch, lũ lụt, lạm phát, giảm phát, doanh nghiệp "khó ở"… nhưng ông Lê Minh Hưng luôn "lạnh". Ông luôn quyết một vấn đề vừa phát sinh rất nhanh, vì theo ông "như vậy mới kịp giúp những người đang cần lúc này".

Điều đặc biệt của nguyên Thống đốc Lê Minh Hưng  - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Hưng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Thống đốc với ông Lê Minh Hưng và bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng thay thế. Nhìn lại nhiệm kỳ của Thống đốc Lê Minh Hưng để thấy ông không "ồn ào" nhưng kết quả thì rất đáng nể.

Con số 1,1 triệu tỷ nợ xấu và Nghị quyết 42

Điều đầu tiên khi nói đến dấu ấn nhiệm kỳ 5 năm của Thống đốc Lê Minh Hưng đó là xử lý nợ xấu. Theo báo cáo của NHNN gửi tới kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% (tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 7/2020 ở mức 1,92%, ước tính đến cuối tháng 8/2020 ở mức 1,96%).

Nếu tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý được hơn 1,1 triệu tỷ đồng nợ xấu.

Dấu ấn của ông Lê Minh Hưng trong xử lý nợ xấu chính là Nghị quyết 42. Để VAMC hoạt động hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 (NQ42) ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017; ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 về việc thực hiện Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Thông tư số 09/2017/TT-NHNN ngày 14/8/2017 về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC…

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 42, luỹ kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 7/2020, cả hệ thống TCTD đã xử lý được 303.100 tỷ đồng nợ xấu xác định theo nghị quyết này.

Điều đặc biệt của nguyên Thống đốc Lê Minh Hưng  - Ảnh 2.

Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cũng "nhờ" Nghị quyết 42 mà thuận lợi hơn trong hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường, cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan tới TSĐB tại tòa án, quy định nghĩa vụ thuế, phí khi chuyển nhượng TSĐB, phương thức phân bổ lãi dự thu, khoản chênh lệch khi bán nợ xấu của TCTD và VAMC…

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD ước tính đến cuối tháng 8/2020 ở mức 4,49%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.

Lũy kế từ khi thành lập năm 2013 đến 31/8/2020, VAMC đã thực hiện mua nợ với 337.348 tỷ đồng giá mua nợ (tăng 91.424 tỷ đồng, tương ứng tăng 37% so với tổng lũy kế giá mua nợ giai đoạn 2013 đến 31/12/2016). Bên cạnh đó, VAMC đã thực hiện thu hồi nợ đạt 155.674 tỷ đồng (tăng 104.658 tỷ đồng, tương ứng tăng 205% so với tổng thu hồi nợ giai đoạn 2013 đến 31/12/2016).

Sau 3 năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, nợ xấu nội bảng các TCTD giảm liên tục qua từng năm. Tính đến cuối 8/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các TCTD là 1,96%, tăng so với cuối năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giảm mạnh so với thời điểm trước khi có Nghị quyết 42.

Cần phải nói, trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ còn chưa cao.

Nghị quyết 42 ra đời đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là việc khẳng định quyền thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo của các TCTD và VAMC.

Mặc dù vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới nhưng có thể nói Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Đây chính là dấu ấn đậm nét nhất trong nhiệm kỳ ông Lê Minh Hưng làm Thống đốc.

Dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức kỷ lục

Một dấu ấn của Thống đốc Lê Minh Hưng nữa là dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục là 92 tỷ USD, cao hơn 13 tỷ USD so với cuối năm 2019. Có được thành quả này là nhờ sự kế thừa linh hoạt chính sách của người tiền nhiệm. 

Điều đặc biệt của nguyên Thống đốc Lê Minh Hưng  - Ảnh 4.

Từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu điều hành tỷ giá thông qua cơ chế tỷ giá trung tâm. Và với sự linh hoạt trong điều hành, tỷ giá trung tâm đã từng bước tăng lên, cân đối hơn vứoi các tỷ giá trên thị trường thay vì nằm quá sâu so với trước kia. Đây chính là lý do mà trong thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được đẩy lên cao trào, FED là phải điều chỉnh lãi suất USD nhưng tỷ giá trong nước vẫn ổn định, không "nhảy" sóng và có sự chênh lệch giữa giá chợ đen và thị trường chính thức nữa.

6 lần giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng

Sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước dưới thời ông Lê Minh Hưng cũng được thể hiện khá rõ nét. Vào 3 tháng cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành. Cụ thể, ngày 16/9/2019 giảm 0,25 điểm phần trăm đối với một loạt lãi suất điều hành, bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng và lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở. Ngày 19/11/2019, NHNN tiếp tục phát đi thông báo về việc ban hành 2 quyết định về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Cuối tháng 11/2019, để hỗ trợ thanh khoản không còn quá dồi dào, NHNN lãi suất điền hành giảm còn 4%/năm.

Điều đặc biệt của nguyên Thống đốc Lê Minh Hưng  - Ảnh 5.

Sang năm 2020, do khó khăn vì đại dịch Covid-19 hoành hành, Ngân hàng Nhà nước cũng đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành một cách linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, trong giai đoạn 2016 -2020, Thống đốc Lê Minh Hưng có tổng cộng 6 lần ra quyết định thay đổi lãi suất điều hành và đều giữ xu hướng giảm, 3 trong đó đến từ đầu năm 2020 này. 

Với quyết định giảm lãi suất liên tục của  Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong hệ thống ngân hàng giảm sâu. Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống thấp, thậm chí có nơi lãi suất chỉ còn còn 5%. Điều này đã kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và các ngành nghề đang lao đao vì đại dịch Covid-19.

Nâng quản trị ngân hàng tiệm cận thông lệ quốc tế

Một điểm nhấn của ông Lê Minh Hưng thời làm Thống đốc NHNN chính là nâng quản trị NHTM tiệm cận thông lệ quốc tế thông qua Thông tư số 41/2016/TT-NHNN. Hiện tại, hầu hết TCTD đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo, phương pháp tiêu chuẩn của Basel II.

Tuy vậy, tái cơ cấu các TCTD trong nhiệm kỳ của Thống đốc Lê Minh Hưng chưa đạt được như kỳ vọng. Theo đánh giá của NHNN thì quá trình này gặp nhiều khó khăn.

"Với thực trạng tài chính hiện nay của các NHTM mua bắt buộc, việc tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực tài chính và năng lực quản trị tham gia xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc triển khai cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc là một quá trình lâu dài, phức tạp, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan", NHNN đánh giá.

Cơ quan này cho biết thêm, tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Có thể điểm lại một cách ngắn gọn những gì ông Lê Minh Hưng đã làm được trong 5 năm làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đó là điều hành ổn định được kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh cả trong nước và ngoài nước nhiều biến động; tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức kỷ lục mới; nâng chuẩn quản trị của NHTM thêm một bước gần với thông lệ quốc tế (ban hành Thông tư 41 và Thông tư 13 về Basel 2) và giữ vực ổn định an toàn hệ thống TCTD. Để làm được điều này, ông Lê Minh Hưng đã kế thừa và phát triển linh hoạt chính sách và thành quả của người tiền nhiệm. 

Điều đặc biệt của nguyên Thống đốc Lê Minh Hưng  - Ảnh 7.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem