Điều gì khiến hai ĐBQH tranh luận "nảy lửa" về dự án khai thác vàng ở Phú Yên?

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 15/06/2020 14:50 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Hồng Vân đã có những tranh luận "nảy lửa" trước diễn đàn Quốc hội về dự án khai thác, chế biến vàng ở hòn Mò O, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.
Bình luận 0

Ngày 15/6, phát biểu trước Quốc hội khi thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã đề nghị Chính phủ tìm mọi biện pháp hỗ trợ tối đa, nới lỏng các "dây buộc" cho các doanh nghiệp (DN) khốn khổ hơn 10 năm nay.

Hai đại biểu Quốc hội tranh luận về dự án khai thác vàng ở Phú Yên - Ảnh 1.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - đoàn Bến Tre. (ảnh: quochoi.vn)

"Đề nghị Chính phủ phải tìm cách để giải thoát cho người ta, tránh tình trạng có những âm mưu nọ, âm mưu kia làm cho DN này rơi vào tình trạng khốn khổ. Đầu tư xong bây giờ đứng chết nhăn răng ở giữa đường'" – ông Nhưỡng nói.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lấy ví dụ trường hợp Công ty Hồng Phát ở Long An. Ông cho biết khi theo dõi trường hợp này, đến bây giờ quả thật "họ rất đau lòng". Hay trường hợp Công ty khoáng sản Duy Tân ở Phú Yên, trong tâm dịch vị ĐB này leo lên tận đỉnh núi Mò O để xem xét hầm vàng tặc người ta đào như thế nào.

"Nhưng tôi thấy báo cáo của UBND tỉnh với Thủ tướng Chính phủ không chuẩn xác" – ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói và cho rằng "ở đây có vấn đề". Ông Nhưỡng đề nghị phải xem xét trách nhiệm hơn 10 năm nay không cấp phép cho các DN hoạt động. "Làm như thế này thì nền kinh tế chúng ta chỉ có lao đao, toàn có chủ nghĩa âm mưu nọ kia" – ông Nhưỡng nhìn nhận.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh đến bài học về phòng, chống tham nhũng và đề nghị "các cán bộ công chức nào có tính xấu, lên kế hoạch tham nhũng thì phải dừng lại ngay". "Trong cả thời Covid-19 cũng còn tham nhũng thì dân không thể chấp nhận được".

Tranh luận với ĐB Lưu Bình Nhưỡng về dự án khai thác, chế biến vàng ở hòn Mò O, xã Đức Bình Tây (Sông Hinh, Phú Yên), ĐB Nguyễn Hồng Vân (đoàn Phú Yên) cho biết, dự án này được xúc tiến từ năm 2007.

Lúc đầu DN Duy Tân làm đơn phương, xét về trình độ, năng lực kinh nghiệm không đảm bảo. Đến tháng 10/2007 liên doanh với một DN của nước ngoài, cụ thể là một DN của Trung Quốc để xin cấp giấy phép. Tháng 12/2007 tỉnh Phú Yên đã cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, đến năm 2011 thì DN liên doanh nước ngoài rút vốn và phải xin phép lập lại hồ sơ dự án với 100% vốn trong nước.

Hai đại biểu Quốc hội tranh luận về dự án khai thác vàng ở Phú Yên - Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Hồng Vân - đoàn Phú Yên (ảnh: quochoi.vn)

"Trong quá trình triển khai dự án ứng dụng về công nghệ, lúc đầu là ứng dụng công nghệ Cyanua gây độc hại về môi trường thì tỉnh Phú Yên không đồng ý, sau đó chuyển sang hồ sơ đánh giá tác động môi trường về tuyển quặng. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt" – ĐB Nguyễn Hồng Vân nói.

Vẫn theo ĐB Nguyễn Hồng Vân, trong quá trình thực hiện, đến tháng 7/2016 tỉnh Phú Yên chấm dứt dự án này.  Tháng 11/2016 tiếp tục đăng ký lại hồ sơ của DN Duy Tân. Tuy nhiên, lúc này thực hiện theo Luật Tài nguyên Môi trường (TNMT) mới và Luật Đầu tư, thẩm quyền thuộc Bộ TNMT cấp giấy phép.

Theo Nghị định số 158 của Chính phủ thì khu vực này không đáp ứng các tiêu chí khoanh định khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Mặt khác, UBND tỉnh Phú Yên xét thấy đây là khu vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự, ảnh hưởng đến môi trường, hiệu quả kinh tế không cao nên đã báo cáo cấp có thẩm quyền không chấp thuận tiếp tục đầu tư dự án.

"Rất tiếc là ĐB về giám sát cá nhân theo yêu cầu của DN không liên hệ phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cũng như chính quyền địa phương để nắm toàn diện hơn về dự án. Tỉnh Phú Yên hoàn toàn không có âm mưu gì hay thủ đoạn gì như ĐB Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu" – ĐB Nguyễn Hồng Vân nói và kết thúc phần tranh luận.

Tranh luận lại, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết, từ năm 2017 khi tiếp cận với DN - một người mà 5 lần là dũng sĩ diệt Mỹ, 81 ngày đêm chiến đấu tại Mặt trận Quảng Trị, là thương binh.

"Ông ấy ngồi khóc tại phòng tôi và tôi đã nghiên cứu rất kỹ vụ này, không có cơ chế gì biện minh được đâu. Tôi nói thẳng là tôi vào tận nơi rồi, tôi gặp cả bà con, gặp cả cán bộ ở đó, người ta ước ao là DN về, dùng công nghệ của Đức để tuyển khoáng sản, để phục vụ cho địa phương.

Chất thải được sử dụng để đóng gạch không nung để phục vụ cho bà con, gia đình người có công mang lại kinh tế cho địa phương và cho đất nước. Nhưng mà người ta đầu tư khoảng 60 tỷ trong vòng 12 năm nay mà để DN như thế thì chúng ta suy nghĩ thế nào?" – ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho hay.

Liên quan đến câu chuyện quốc phòng an ninh, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng: "Người ta tốt là người ta đã mua lại toàn bộ cổ phần của nước ngoài, các anh còn có ý kiến gì nữa, nhạy cảm gì? Bộ TNMT báo cáo Thủ tướng là phải đề nghị địa phương cấp phép, Bộ cũng đang nghiên cứu kỹ, Bộ Công Thương có ý kiến đồng ý. Bây giờ một mình địa phương "một mình một ngựa" bảo là không.

Tôi cho rằng như thế là không công bằng, làm như thế chỉ có giết DN. Đây không phải là âm mưu thì là cái gì nữa? Tôi nói thẳng vấn đề như vậy. Các đồng chí muốn bao biện thế nào thì bao biện nhưng thực tế nó vẫn tồn tại. Chúng ta phải tôn trọng thực tế" – ĐB Lưu Bình Nhưỡng kết lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem