Điều ít biết về ngôi đình nghìn tuổi "độc nhất vô nhị" ở Thủ đô

Duy Huy Thứ sáu, ngày 06/01/2023 16:53 PM (GMT+7)
Đình Quán Giá (Yên Sở, Hoài Đức, TP.Hà Nội) thờ tướng quân Lý Phục Man giúp vua Lý Nam Đế đánh giặc, giữ nước. Hiện nay, trong đình còn lưu giữ nhiều cổ vật quý.
Bình luận 0


Clip ngôi đình cổ Quán Giá. Thực hiện: Duy Huy.

Dấu ấn thời kỳ dựng nước

Đình Quán Giá thờ Lý Phục Man, một danh tướng của Lý Bí, sống ở thế kỷ thứ VI, quê ông ở làng Cổ Sở (huyện Hoài Đức). Tương truyền ông giỏi võ nghệ, theo Lý Bí khởi nghĩa chống quân Lương (Trung Hoa) xâm chiếm nước ta, lập nhiều chiến công. Nhà Tiền Lý (544-555) thành lập, ông được cử trông coi vùng đất phía Nam, đánh tan cuộc xâm lấn của Chăm pa.

Điều ít biết về ngôi đình nghìn tuổi "độc nhất vô nhị" ở Thủ đô - Ảnh 1.

Tam quan bên ngoài đình Quán Giá. Ảnh: Duy Huy.

Khi nhà Lương đưa quân sang xâm lược nước Vạn Xuân, ông chỉ huy quân sĩ đánh giặc và hy sinh ở chiến trường. Thương nhớ và biết ơn ông, nhân dân ở nhiều nơi như Yên Sở (Hoài Đức), Xuân Đỉnh (Từ Liêm)… dựng đền, đình thờ Lý Phục Man. 

Ông Nguyễn Thế Biện - Thủ từ đình Quán Giá cho biết: "Trải qua 17 lần trùng tu và tôn tạo, đình Quán Giá đã trở thành một địa chỉ văn hóa tâm linh và du lịch với cảnh quan đẹp có tiếng. Nói đến đình Giá, không ai là không biết đến câu: "Đền Kẻ Giá cái lá cũng thiêng".

Năm 1947, giặc Pháp đã đốt phá gần hết Quán Giá, chỉ còn lại hai tam quan, ba bức tường và hậu cung. Sau này, trên nền cũ, nhân dân địa phương đã dựng lại cả ba nhà đại đình, trung đình và thượng điện, tuy có nhỏ hơn trước song vẫn bảo đảm sự thờ cúng trang nghiêm.

Tòa thượng điện vẫn còn bức tường hồi xây từ thời Nguyễn có các ô hình trang trí và cột trụ phía trước có đắp nghê trên đỉnh cột như một sự kiểm soát người vào quán lễ thánh.

Điều ít biết về ngôi đình nghìn tuổi "độc nhất vô nhị" ở Thủ đô - Ảnh 3.

Tòa thượng điện. Ảnh: Duy Huy.

Ngôi đình hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, phần chính bao gồm ba tòa nhà: đại đình, trung đình và thượng điện, nằm trong khuôn viên khá lớn.

Từ cổng nghi môn du khách đi qua sân trước đến một tam quan hoành tráng. Hai bên sân trong là nhà tả, hữu mạc rất dài, mỗi dãy nhà ngang đó chia thành 11 gian dành cho những nhóm người dự hội. Nhà ngang cũng là nơi để các bậc chức sắc, cao niên trong xã gặp nhau bàn bạc vào dịp diễn ra các lễ hội hoặc sự kiện lớn.

Kiến trúc tam quan độc nhất vô nhị và những cổ vật còn sót lại

Ông Nguyễn Thế Vượng - Thành viên Ban Quản lý di tích đình Quán Giá cho hay: "Riêng về hai tam quan, cái ngoài cách cái trong 20 mét, được các nhà nghiên cứu coi là trường hợp duy nhất trong cấu trúc đình đền ở nước ta. Trên tam quan thứ hai có gắn 49 mảnh đất nung được trang trí".

Điều ít biết về ngôi đình nghìn tuổi "độc nhất vô nhị" ở Thủ đô - Ảnh 4.

Những viên gạch được chạm nổi tinh tế. Ảnh: Duy Huy.

Ở hai bức tường liền với hai cột trụ lớn có những viên gạch rất đặc biệt. Tường phía đông có 23 viên, tường phía tây có 26 viên. Đó là những viên gạch nung, vuông, có đường chỉ viền xung quanh, giữa là những hình nổi, không hình nào giống hình nào, tạo thành một bức tranh sống động.

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian coi đó là những cảnh sinh hoạt: người đang dong trâu cày ruộng, cô gái tắm ở ao sen, người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, người gánh củi, hai người đánh cờ, người bơi thuyền đánh cá, mấy chú bé chăn trâu đùa nghịch…

Điều ít biết về ngôi đình nghìn tuổi "độc nhất vô nhị" ở Thủ đô - Ảnh 5.

Cảnh sinh hoạt xưa được tái hiện trên cổng của di tích. Ảnh: Duy Huy.

Trong đình Quán Giá may mắn còn tượng Lý Phục Man không bị giặc Pháp phá hủy ở giữa và tượng hai bà Phương Dung và Ả Nương ở hai bên, cùng bốn pho tượng đứng là các thị nữ, hộ sĩ.

Ba pho tượng chính được tạo tác rất cẩn thận, ứng với ba ngai thờ, được chạm khắc tỉ mỉ, tỉa tót kỹ lưỡng. Cũng trang trọng như ngai thờ là hai hương án và một cỗ kiệu, lại có một con ngựa to bằng đồng, bên ngoài phủ lớp sơn.

"Các công trình kiến trúc cổ và các hiện vật được chính quyền, nhân dân làng Giá lưu giữ có giá trị tư liệu về lịch sử, văn hoá cao. Đình được xây dựng theo hình chữ "Công" cổ, có lối kiến trúc của cung điện nhà vua, rất hiếm có ngôi đình nào có được kiến trúc này. Đình Quán giá bao gồm đền Thượng, đền Trung và đền Hạ", ông Nguyễn Thế Biện chia sẻ.

Điều ít biết về ngôi đình nghìn tuổi "độc nhất vô nhị" ở Thủ đô - Ảnh 6.

Nhà bia của đình. Ảnh: Duy Huy.

Trong số các hiện vật quý còn lưu giữ năm tấm bia đá niên đại thuộc các năm 1620, 1671, 1681, 1728 và 1803, trên bia lưu giữ các tư liệu lịch sử, văn hoá quan trọng về bối cảnh đời sống, xã hội đương thời. Kiến trúc đình phản ánh rõ nét về không gian sống thường nhật, những phong tục tập quán của người dân ở vùng đất này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem