Khó có thể xác định nguyên nhân
Ngày 14-1 vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã điều trị thành công cho một bệnh nhân ở Thanh Oai (Hà Nội) bị nhiễm trùng đường huyết có sốc nhiễm trùng gây suy gan, suy thận nặng do liên cầu lợn.
|
Bệnh nhân mắc liên cầu lợn được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. |
Tuy bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng vẫn phải chuyển sang khoa Ngoại Bệnh viện Bạch Mai để cắt cụt bàn chân vì di chứng hoại tử. Trước đó, một số bệnh nhân khác cũng phải phẫu thuật cắt chi vì nhiễm liên cầu lợn (NTNN số 11/2011).
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thực tế các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn là không nhiều. Trong năm 2010, bệnh viện chỉ tiếp nhận hơn 50 ca bị bệnh do liên cầu lợn. Tuy nhiên, tất cả các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng bệnh nặng hoặc đã bị biến chứng. Trong số đó có nhiều ca viêm màng não nặng, sốc, hoại tử, suy đa phủ tạng, có trường hợp tử vong ngay trên đường đi cấp cứu.
Trong số hơn 50 ca nhập viện được kết luận là bị bệnh do liên cầu lợn, có tới 50- 60% số bệnh nhân được khai thác đã có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, lợn bệnh hoặc ăn phải thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Số còn lại không nhớ mình có tiếp xúc với lợn hay không.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu-Điều trị tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho hay: “Điều này không chỉ gây khó khăn cho các cán bộ y tế ở địa phương trong việc khoanh vùng cách ly những con lợn bị bệnh, mà còn là một thách thức với các bác sĩ ở bệnh viện khi chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân”.
Đặc biệt, do tập tục chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến ở nhiều vùng quê, hầu hết các gia đình đều nuôi một vài con lợn nên nếu không cẩn trọng thì chính chủ nhân là người có nguy cơ mắc bệnh liên cầu lợn cao nhất.
Người dân cần chủ động, cảnh giác bệnh
Hiện nay, bệnh do liên cầu lợn còn chưa phổ biến nên đa số người dân chưa có những kiến thức cơ bản về nhận dạng, phòng tránh bệnh. Số khác thì chủ quan, có khi mắc bệnh rồi vẫn không hay biết là mình bị bệnh do liên cầu lợn mà cứ nghĩ là các bệnh cúm thông thường.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh liên cầu lợn thường có hai dạng chính: Thể viêm màng não mủ và thể nhiễm khuẩn huyết.
Thể viêm màng não mủ có biểu hiện tương tự thể viêm màng não mủ do các vi khuẩn khác gây ra. Với dạng này, bệnh nhân thường có biểu hiện như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, lơ mơ, nếu nặng có thể gây co giật, hôn mê sâu.
Thể bệnh thứ 2 là nhiễm trùng huyết. Ở thể bệnh này, bệnh nhân sốt cao, có biểu hiện của tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc; có thể còn nổi ban hoại tử trên da mặt, chân, tay, đầu mũi, vành tai, hoại tử đầu ngón chân, ngón tay. Nhiều trường hợp còn dẫn đến suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, tỉ lệ tử vong rất cao.
Bác sĩ Cấp khẳng định: “Tuy các nghiên cứu hiện nay chưa đưa ra một kết luận nào khẳng định bệnh có thể bùng phát do thời tiết rét hay có sự liên quan giữa dịch bệnh tai xanh với bệnh liên cầu lợn, nhưng người dân vẫn cần đề phòng”.
Để phòng bệnh, người dân cần chú ý không lựa chọn thịt lợn ốm, thịt không có tem dấu của thú y, khi sử dụng cần phải đun chín. Trong trường hợp có những biểu hiện của bệnh, người dân cần nhập viện ngay để được khám và điều trị.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.