Làng rèn nghìn năm tuổi dưới chân núi đá ở Cao Bằng, nhiều người ao ước một lần đến xem

Gia Tưởng Thứ bảy, ngày 04/06/2022 05:54 AM (GMT+7)
Ẩn dưới những chân núi đá bản Pác Rằng là nơi định cư của những người dân tộc Nùng An (xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Với 160 lò rèn, suốt từ sáng sớm đến chiều tối, tiếng quai búa, gõ đe, nơi đây cho ra đời những sản phẩm dân dụng được rèn độc nhất vô nhị, tốt bền nổi tiếng cả nghìn năm qua.
Bình luận 0

Clip: Ông Nông Khánh Hồng (xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) nói về nghề rèn nghìn đời của làng mình. 

Làng nghề cả nghìn năm tuổi

Cho đến bây giờ, những người già nhất trong làng Phúc Sen cũng chỉ biết là mình học nghề rèn từ ông cha mình.

Họ chỉ nhớ một giai thoại truyền miệng qua nhiều đời rằng, thời xa xưa lắm thế kỷ XI, vùng đất Phúc Sen, bà con chỉ biết làm nghề nông, dựa cả vào thời tiết. Lúc mưa thuận gió hòa, được mùa thì dân no cái bụng, còn không thì đa số rơi vào cảnh thiếu đói.

Bỗng một hôm xuất hiện người đàn ông lạ, đầu tóc bù xù, nhưng người đàn ông đó có một đôi mắt sáng rực, nhìn như đốt cháy được người đối diện. Ông thấy người dân Phúc Sen chịu thương chịu khó, nên đã dạy người dân đi lấy quặng sắt từ những vỉa quặng ở trong núi. Rồi dùng than củi đốt để luyện ra những thỏi sắt.

Từ những thỏi sắt nguyên sơ, vị tổ nghề rèn của Phúc Sen đã dạy người dân chế ra những vật dụng hằng ngày như lưỡi cày, lưỡi cuốc, liềm, hái và đặc biệt các loại dao dùng trong đời sống hàng ngày.

Có được nghề rèn đồ kim khí trong tay, cộng với sự cần cù chăm chỉ vốn là bản tính của người Nùng An, sản phẩm từ những lò rèn ở Phúc Sen chỉ mất thời gian ngắn đã rất được ưa chuộng bởi rất sắc, cứng mà không giòn, độ bền vượt trội so với những sản phẩm khác cùng loại. 

Từ sự thông thương trao đổi hàng hóa, mà người Phúc Sen cũng khá giả lên từ đó, có của ăn của để sau nhiều đời cần mẫn quay bễ đập đe.

Làng rèn nghìn năm tuổi dưới chân núi Cao Bằng  - Ảnh 2.

Những chiếc dao Phúc Sen mới ra lò, sẵn sàng phục vụ bà con. Ảnh: Gia Tưởng

Cũng theo những người già ở Phúc Sen này, từ làng nghề rèn nghìn tuổi này không chỉ cho ra đời những sản phẩm gia dụng phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất hằng ngày, mà làng nghề còn đóng góp rất lớn vào sản xuất binh khí giúp triều đình khi xưa chống giặc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều đội du kích cũng đã sử dụng sản phẩm của làng nghề Phúc Sen để phục vụ chiến đấu bảo vệ làng bản.

Dù đã trải cả nghìn năm, những bếp lò ở Phúc Sen vẫn đỏ lửa và được người dân truyền từ đời này qua đời khác.

Sản phẩm làng rèn đi khắp thế giới

Ở Phúc Sen, rất nhiều thanh niên chỉ khoảng 30 tuổi nhưng đã là những thợ rèn lành nghề. Không ít công chức, cán bộ ở huyện, khi hết giờ làm việc, họ lại về với công việc quai búa, cho ra lò những sản phẩm đáp ứng những yêu cầu của thị trường.

Chúng tôi được giới thiệu tới lò rèn nhà ông Nông Khánh Hồng (54 tuổi), một trong những người thợ rèn lành nghề nhất ở Phúc Sen. Ông Hồng tuy còn trẻ nhưng đã thừa hưởng những kinh nghiệm rèn đồ, tôi thép của gia đình hàng trăm năm qua.

Ông Hồng cho biết, để có được một con dao hoàn chỉnh gồm rất nhiều công đoạn, nhưng có bốn công đoạn chính: Cắt thép và dùng búa đập thành hình định trước, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm.

Trong đó, tôi thép và ram thép là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Phúc Sen nổi tiếng. Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm mục đích nâng cao độ cứng, tính mài mòn, độ bền cho dao.

Điều đặc biệt chính là nước để tôi thép ở đây bao gồm rất nhiều thành phần và đó chính là bí quyết thành công của làng nghề nơi đây.

Ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi dưới nhiệt độ giới hạn. Chỉ những người thợ giỏi và lành nghề mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào màu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội.

Làng rèn nghìn năm tuổi dưới chân núi Cao Bằng  - Ảnh 3.

Công đoạn quai búa để rèn lưỡi dao. Ảnh: Gia Tưởng

Ông Hồng cũng cho biết thêm: "Cái lò đốt bằng than củi cũng là một thứ tạo ra linh hồn của chất thép Phúc Sen, vì điều chỉnh nhiệt lượng lò sao cho phù hợp để tôi sắt mới là quan trọng. Nếu lò nhiệt lượng cao quá, sẽ làm thép cứng và giòn, sử dụng sản phẩm để chặt đồ cứng sẽ bị mẻ. Còn nếu nhiệt lượng thấp quá sẽ làm thép mềm, khi đó lưỡi của sản phẩm sẽ bị mềm quằn lại."

Có thể nói không ngoa rằng, mọi thứ ở Phúc Sen dường như có sẵn, từ than củi, nước suối để tôi thép, và tính cách nhẫn lại, cần mẫn của người Nùng An, để rèn ra những sản phẩm "chém đinh chặt sắt."

Vừa giới thiệu những sản phẩm vừa mới ra lò, còn ánh lên màu thép, ông Hồng vừa cho biết: "Trước kia làm rèn vất vả lắm, phải quay bễ bằng, quai búa bằng tay. Nhưng giờ nhàn hơn nhiều rồi. Đã có quạt điện, đôi khi dùng cả máy móc đập thay tay mình. Bởi vậy, thợ rèn ở Phúc Sen cũng có thời gian hơn để cho ra đời nhiều mẫu mã dao, kéo đẹp, hiện đại không thua kém nước ngoài, nhưng chất lượng vẫn tốt đúng với thương hiệu Phúc Sen quê mình."

Ông Hồng cũng cho biết, tuy nghề rèn không giàu nhanh được, nhưng vợ chồng ông cũng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn bằng nghề mà tổ tiên mình truyền lại.

Làng rèn nghìn năm tuổi dưới chân núi Cao Bằng  - Ảnh 4.

Ông Hồng gói chiếc dao Phúc Sen để bán cho du khách. Ảnh: Gia Tưởng

Nói về những sản phẩm của làng nghề rèn Phúc Sen, bà Đàm Thị Chiến - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng cho biết: Hiện sản phẩm của làng nghề đã theo chân bà con người Cao Bằng đi khắp các địa phương cả nước, từ các tỉnh miền Nam như Tiền Giang, Bến Tre, đến các tỉnh Tây Bắc như Điện Biên, Lào Cai. Ở đâu cũng nhận được sự phản hồi rất tốt.

Đặc biệt, làng nghề Phúc Sen lại nằm ngay Quốc lộ 3 trên đường đi thác Bản Giốc, có rất nhiều du khách quốc tế đến tham quan. Họ đã dừng lại để xem thực tế và trải nghiệm sản xuất nghề rèn. 

Rất nhiều du khách đã mua sản phẩm dao kéo của Phúc Sen mang về đất nước họ sử dụng và làm quà kỉ niệm. Chính vì thế, bà con làm nghề rèn cũng ngày càng chịu khó, học hỏi, nâng cao tay nghề rèn của mình hơn theo mỗi ngày, làm ra những sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn, cũng bền hơn nữa.

"Trước kia các mẫu dao của Phúc Sen chỉ là chuôi sắt, bà con làm chưa đẹp, nhưng bây giờ dao chuôi gỗ Cẩm Chỉ, đủ các kích cỡ, các loại có thể cạnh tranh với bất cứ mặt hàng dao nhập ngoại nào có mặt ở thị trường hiện nay. Ai đã sử dụng dao của Phúc Sen một lần là nhớ mãi. Sản phẩm của đồng bào chúng tôi, từ bà con trong nước đến du khách quốc tế đều tin tưởng và có phản hồi rất tốt về sản phẩm của làng nghề rèn nghìn năm tuổi này," bà Chiến chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem