Doãn Dũng: Văn chương của tôi vẫn còn nhiều đất để cạp...

Thứ sáu, ngày 09/11/2012 09:09 AM (GMT+7)
Dân Việt - Là ông chủ thương hiệu thời trang nổi tiếng IVY, đùng một lúc ra hai cuốn sách kiểu "vừa giải trí lại vừa chính chuyên", đọc Không Lạ (tạp văn), Bóng Anh Hùng (truyện ngắn), chợt băn khoăn: Doãn Dũng đã sáng tác từ khi nào?
Bình luận 0

“Bóng anh hùng” và “Không lạ” là hai tác phẩm ra mắt cùng một lúc nhưng lại có hai phong cách khác nhau. Nếu “Không lạ” mang đậm tính giải trí với những câu chuyện vui chọc cười độc giả thì “Bóng anh hùng” lại mang nhiều thông điệp có ý nghĩa sâu sắc. Vậy đâu mới là sở trường của anh? Tại sao anh có thể “biến hóa” dễ dàng như thế?

- Cả hai đều là sở trường của tôi. Thực ra không có gì gọi là “biến hóa” cả. Không lạ mang tính giải trí với người đọc mà còn cả với người viết. Tôi viết giữa những lúc công việc bộn bề để thư giãn chính bản thân mình. Bóng Anh Hùng thường viết ở trại sáng tác, có thời gian suy nghĩ và dụng công hơn để gửi gắm những thông điệp trong cuộc sống. Mỗi cuốn cho một lớp độc giả khác nhau.

img
Tác giả Doãn Dũng ra mắt hai tác phẩm văn học gây chú ý.

Cuốn tạp văn có tên "Không lạ", nhưng độc giả khi đọc vẫn cảm thấy rất lạ. Phải chăng cách đặt nhan đề như thế là một chiêu để thu hút độc giả?

- Chị nghĩ thế cũng đúng. Cái tên sách Không lạ cũng gợi trí tò mò của độc giả đấy chứ. Hơn nữa, xuyên suốt cuốn Không lạ là những câu chuyện cũng chẳng có gì lạ, được viết bằng giọng kể không lạ khiến cho độc giả bật cười thì cũng không có gì lạ cả.

Trong cuốn Không lạ có nhiều nhân vật rất thú vị, đem đến tiếng cười sảng khoái cho độc giả, được biết họ là những nhân vật ngoài đời được anh "đưa tuốt" vào Không lạ để cùng nhau cười nghiêng ngả?

- Đấy đấy, các nhân vật đều không lạ. Được bóp méo biến dạng dưới ngòi bút của tôi cũng chẳng có gì lạ. Bạn đọc và nhân vật tò mò muốn xem hình hài thế nào vội đi mua sách cũng chẳng có gì lạ. (Cười)

Ẩn dưới những câu chữ dí dỏm, tinh nghịch, những câu chuyện trong Không lạ vẫn có những thông điệp ngầm đọng lại trong lòng độc giả. Theo anh như vậy đã là một thành công?

- Ở cuốn Không lạ, mục đích đầu tiên là cho độc giả thư giãn. Sau tiếng cười khoái trí có đọng lại thông điệp nào còn tùy vào nhận thức của độc giả. Nhưng dù sao, với mục đích ban đầu chỉ như thế, thì độc giả cười được đã là thành công rồi.

Trong truyện của anh, chạm đến hình ảnh nước Nga rất nhiều. Hình ảnh chua xót về người cựu binh Liên xô bán chiếc huân chương vì được giá, những người Việt xa xứ lăn lộn mưu sinh nghiệt ngã với bao tình huống khóc cười. Khi đọc văn của anh, tôi chợt thấy một dòng văn học dành cho người xa xứ, với những ngã rẽ đầy số phận?

- Tôi xa xứ có mấy năm thôi, nhưng đấy lại là một giai đoạn đặc biệt của cá nhân tôi và cả thế giới. Đầu những năm 90, Liên Xô tan vỡ, “nước Nga mới” hình thành sau biến cố lịch sử. Nước Nga tôi biết, tận mắt nhìn thấy và hít thở nó khác xa với những hình dung trước đây thông qua sách vở.

Cũng vào thời điểm đó, tôi là một chàng trai hai mươi tuổi mới rời làng quê đói nghèo đã không bỏ lỡ cơ hội cùng với hàng vạn người Việt xa xứ khác lao vào cuộc kiếm tiền trên đất khách quê người. Đấy là một giai đoạn đáng nhớ trong cuộc đời và bây giờ tôi đang khai thác dần những vỉa trải nghiệm của mình để viết.

Trong tập truyện Bóng anh hùng có khá nhiều câu chuyện viết về thời chiến tranh với những chi tiết sống động, chân thực. Từ nguồn cảm hứng ở đâu mà anh có thể viết về chiến tranh sống động như thế?

- Tôi sinh ra khi chiến tranh chưa kết thúc, cả tuổi thơ sống với những bản tin thời chiến, với những tác phẩm văn học chiến tranh, với những con người xung quanh ra trận rồi không về. Khi tôi trưởng thành và nhập ngũ, đâu đóvùng biên viễn tiếng súng vẫn chưa tắt. Một đất nước trải dài qua nhiều cuộc chiến với nhiều thương tích như thế đã tạo cho tôi một sự say mê khi dấn thân vào đề tài này.

Đề tài chiến tranh có phải là một thế mạnh của anh?

- So với các nhà văn đàn anh thì kiến thức, kinh nghiệm viết về chiến tranh của tôi chỉ là cái mắt muỗi. Như thế cũng không phải hoàn toàn tệ lắm, dưới góc độ nào đó thì đấy lại là một điểm mạnh, khiến cho mình không dễ bị sa đà vào thể loại văn chương tả trận, và có cái nhìn về chiến tranh khách quan hơn.

Đối với lớp nhà văn trẻ, đây là một thể loại đề tài khô khan và khó viết. Khó viết trước hết là họ không đủ độ say mê, sau là nhìn thấy các bậc cha chú như những cây tùng cây bách rợp bóng trước mặt nên họ sợ. Tôi hơn họ ở cái lòng say mê về đề tài này, còn có viết được gì không thì chưa thể nói. Hiện tại mới đang lần mò với một số truyện ngắn cũng chưa nói lên được gì.

img
Hai cuốn sách Không lạ (tạp văn), Bóng anh hùng (truyện ngắn) do Đinh Tị Books liên kết với Nhà xuất bản Thời Đại ấn hành.

Trong thời gian tới anh có định tiếp tục khai thác những đề tài mà anh đã khá thành công trong tập truyện Bóng anh hùng?

- Tất nhiên là tôi vẫn viết những đề tài tôi thích và mở rộng thêm về đề tài đương đại, cuộc sống đô thị như truyện ngắn: “Chuyện vỉa hè” trong tập Bóng anh hùng chẳng hạn. Dù sao đi chăng nữa tôi vẫn còn nhiều đất để cạp chị ạ.

Điều tôi tò mò nhất là anh viết khi nào để có thể cho ra mắt một lúc hai tác phẩm Văn học như thế? Trong khi anh còn mải mê với kinh doanh thời trang nữa?

- Như trên kia tôi đã nói. Tạp văn tôi viết giữa lúc bận bịu để chính mình giải trí cho mình. Một công đôi việc chị ạ. Bận nhiều thì viết nhiều, viết đến lúc tập hợp được thành sách để in. Đáng nhẽ cuốn Không lạ tôi có thể in từ 2 năm trước, nhưng tôi đợi Bóng anh hùng để in luôn một thể. Đằng nào cũng mất một công làm sách thì làm luôn. Hai cuốn cùng một lúc ở đây chỉ có ý nghĩa về việc tiết kiệm thời gian thôi chứ không có gì khác. Chắc về sau tôi cũng sẽ duy trì cách làm này, bia kèm đậu phụ, một tạp văn kèm tập truyện hay tiểu thuyết.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem