Doanh nghiệp điều trong nước giẫm đạp lên nhau để tự... hại nhau

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 17/08/2019 10:42 AM (GMT+7)
Tín hiệu đáng mừng nhất nửa đầu năm 2019 là các doanh nghiệp chế biến điều bớt cạnh tranh bừa bãi, giẫm đạp lên nhau mà chuyên tâm hơn vào chế biến và phân tích cặn kẽ thị trường.
Bình luận 0

Ông Trần Văn Hiệp – Trưởng ban Xúc tiến thương mại Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đưa ra nhận định như thế tại hội nghị sơ kết sản xuất kinh doanh điều 8 tháng đầu năm 2019, tổ chức tại TP.HCM chiều 16/8.

img

Doanh nghiệp chế biến điều bớt cạnh tranh và đoàn kết hơn.

Sở dĩ nhấn mạnh điểm tích cực này vì Vinacas đánh giá các yếu tố tiêu cực trong năm 2018 tạo thành “cơn bão lớn” tác động rất mạnh đến doanh nghiệp điều trong nước.

Niên vụ trước, việc cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua nguyên liệu đã tạo ra cơn sốt khi giá nguyên liệu tăng cao. Cộng đồng doanh nghiệp ít nhiều đều bị thấm đòn. Thực tế đã có rất nhiều nhà máy phải đóng cửa. Đến nay, các doanh nghiệp đã tập trung phân tích thị trường cặn kẽ hơn để phục vụ cho bài toán kinh doanh.

Theo ông Hiệp, sau “cơn bão lớn” năm 2018, năm nay số lượng doanh nghiệp chủ yếu làm về thương mại hạt điều thô trên thị trường đã giảm. Những doanh nghiệp chế biến lớn đã tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực chính, thay vì tham gia thị trường nguyên liệu quốc tế như thời gian trước đó.

Điều này đã tạo nên sự gắn kết tốt hơn trên thị trường. Giá điều nhân có cú hích lớn khi từ tháng 4, 5 giá thấp nhưng đến giờ đã cao hơn. Và đặc biệt là không tạo ra thêm đột biến lên giá điều thô.

img

Số lượng doanh nghiệp chủ yếu làm về thương mại hạt điều thô trên thị trường đã giảm.

Một tín hiệu tích cực khác là một số tập đoàn lớn của Việt Nam đã mạnh mẽ tham gia vào thị trường điều thế giới. Cụ thể là tập đoàn Tân Long mới đây thu mua 176.000 tấn điều thô từ Tanzania đã tháo gỡ “quả bom nổ chậm” điều tồn kho từ nước này.

Tập đoàn này cũng đồng ý cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy trong nước để chế biến. Sự kiện này có ý nghĩa lớn vì giảm rủi ro do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Các doanh nghiệp vì thế cùng bớt cạnh tranh nhau. Giá nguyên liệu cũng ổn định hơn, và doanh nghiệp dễ tính toán hơn trong việc mua sản xuất và định giá điều nhân.

Một thông tin khác được quan tâm là giá điều nhân và thô từ nay đến cuối năm. Vinacas tin rằng đến cuối năm sẽ có nhiều bước tiến trong giá điều nhân.

Tuy nhiên ông Hiệp cũng lưu ý, giá nhân điều trong tương lai bị tác nhiều bỡi nhiều yếu tố, nhất phụ thuộc vào giá điều thô. Việc mua bán điều thô trên thế giới không chỉ thuần túy thương mại còn yếu tố chính trị, khó dự đoán. Chủ trương từ các nước châu Phi đều muốn giữ lại để tự sản xuất.

img

Giá điều nhân được dự báo sẽ tăng đến cuối năm.

“Sắp tới châu Phi tự sản xuất bao nhiêu % và nguyên liệu còn bao nhiêu % thì chúng ta có khá ít thông tin. Vì thế, giá nhân điều nhân, có thể tăng nhưng tăng bao nhiêu thì chưa biết chắc. Các doanh nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng bài toán kinh doan”, ông Hiệp lưu ý.

Nhìn chung, Vinacas đánh giá đến nay, các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn đầu mùa. Tuy nhiên sản xuất và cạnh tranh điều nhân càng ngày càng khó khăn hơn. Hiệp hội điều khuyến cáo chung, cần tăng cường chế biến sâu để có thị trường và giá cả ổn định hơn.

Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại gay gắt, ngành hạt quả khô thế giới vẫn có những dự báo lạc quan nửa cuối năm 2019 với doanh số chung ở mức 200 tỷ USD, trong đó hạt điều khoảng 7 tỷ USD.

Vinacas kỳ vọng hướng tới chỉ tiêu tăng 10%, đạt mức 450.000 tấn điều nhân thay vì 430.000 tấn. Sang năm 2020, hi vọng đạt mức tăng trưởng 8%.

img

Vinacas kỳ vọng hướng tới chỉ tiêu tăng 10%, đạt mức 450.000 tấn điều nhân

Tổng sản lượng điều thô đưa vào chế biến niên vụ 2019 – 2020 khoảng hơn 4 triệu tấn, cao hơn năm 2018 khoảng 428.000 tấn điều thô. Với cam kết thu mua 100% điều thô do nông dân trong nước sản xuất, tổng sản lượng dự kiến đưa vào chế biến 6 tháng đầu năm hơn 1 triệu tấn điều thô, tương đương 240.000 tấn điều nhân.

Theo Tổng Cục Hải Quan, 6 tháng đầu năm, cả nước nhập hơn 722.000 tấn điều thô, tăng 70% so cùng kỳ năm 2018. Giá điều thô nhập khẩu bình quân đạt 1.450 USD/tấn; giảm 30% so cùng kỳ năm ngoái.

6 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu gần 200.000 tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,5 tỷ USD; tăng nhẹ 7,36% về lượng nhưng giảm 16,6% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Giá điều nhân xuất khẩu bình quân đạt 7,801 USD/tấn, giảm 21,34% so cùng kỳ năm ngoái.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem