Ngày trước, khi chưa xuất hiện nhiều loại máy tuốt lúa hiện đại như bây giờ, hầu hết những gia đình làm nghề nông nghiệp trồng lúa nước ở xứ Nghệ quê tôi đều phải sử dụng chiếc trục đá làm công cụ tuốt lúa. Khi không sử dụng, chiếc trục đá tuốt lúa được người dân bảo quản, cất giữ cận thận ở trong nhà. Đến khi lúa chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, người dân lại đem chiếc trục đá ấy ra lắp ráp, chỉnh sửa, lau chùi sạch sẽ để chuẩn bị làm phương tiện trục lúa.
Vì trục được làm bằng đá, nặng hàng chục kg, nên người dân quê tôi thường phải sử đến sức trâu bò thay thế sức người khi trục lúa. Ông Nguyễn Đình Vân, thôn 9, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: “So với tuốt lúa bằng máy như bây giờ thì chiếc trục ấy không thể bằng được. Nhưng so với dùng sức người để đập lúa thì dùng trục đá ít mất sức, lại đỡ tốn thời gian. Một sào lúa, nếu một người dùng tay đập ít nhất phải mất một ngày, trong khi đó dùng trục đá thì chỉ mất vài giờ”. Có lẽ vì vậy mà ở vùng quê chúng tôi nhà nào cũng “sắm” chiếc trục cất trong nhà để sử dụng mỗi khi mùa màng đến…”.
Chiếc trục đá tuốt lúa độc đáo của người dân xứ nghệ.
Công việc tuốt lúa bằng trục khá đơn giản. Lúa sau khi thu hoạch về, rải thành lớp mỏng ra sân, người dân chỉ cần dắt trâu (hoặc bò) kéo theo chiếc trục, đi qua đi lại nhiều vòng trên lớp lúa cho đến khi rơm mềm, hạt lúa rơi hết ra khỏi bông là có thể rũ bỏ rơm, hốt lúa đem phơi khô.
Chiếc trục đá tuốt lúa có công dụng hữu ích với người nông dân như vậy, nhưng không phải ai cũng biết cách chế tạo, hầu hết người dân quê tôi phải bỏ tiền ra mua. Theo người dân quê tôi, chỉ có những người thợ khéo léo, tài hoa mới có thể làm ra được chiếc trục đá bởi nó đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, tốn khá nhiều thời gian trong quá trình chế tác. Thông thường một người thợ lành nghề phải mất ít nhất thời gian hai tuần mới làm xong một chiếc trục đá.
Đá để làm trục phải chọn loại đá nèn màu xanh, nguyên khối, không vết rạn nứt, sau đó mới bắt tay vào chế tác. Người thợ dùng búa ghè, đột phá để phác họa, tạo hình khối cho chiếc trục. Tiếp đến là khâu làm nhẵn bề mặt. Khâu này thường chiếm khoảng 2/3 thời gian trong quá trình chế tác. Để làm nhẵn phẳng bề mặt, người thợ phải làm nhẹ nhàng, khéo léo, chú ý từng li từng tí. Nếu không chú ý, làm ẩu, trục đá sẽ rất dễ bị nứt rịa, khiến cho bề mặt chiếc trục sẽ không được nhẵn phẳng, gây nhiều ma sát và giảm tính thẩm mỹ…
Trục đá có hình dạng khối trụ tròn, ở hai đầu trục được đục hai lỗ nhỏ để gắn chốt gỗ. Chốt này được gắn với khung gỗ hình chữ nhật, sao cho khi kéo trục đá có thể lăn đi một cách dễ dàng. Khung được làm bằng các loại gỗ tốt, ít mối mọt, cong vênh. Thông thường người thợ chọn loại gỗ lim, táu, trâm, sến để làm. Ở hai bên đầu khung gỗ người thợ gọt đẽo khấc để làm chỗ buộc dây kéo.
Khi sử dụng, dây kéo được buộc vào hai đầu khấc khung gỗ này và hai bên chiếc ách gắn vào cổ trâu. Khi trâu di chuyển, chiếc trục đá tuốt lúa sẽ lăn đều trên sân, giúp người dân dễ dàng điều khiển trâu đi một cách dễ dàng…
Ngày nay kinh tế thay đổi, đời sống được nâng cao, người dân quê tôi đã có điều kiện để mua sắm nhiều loại máy tuốt lúa hiện đại hơn, hiệu quả hơn nên hầu như không còn nhiều gia đình sử dụng trục đá để tuốt lúa như trước nữa. Chiếc trục đá giờ chỉ còn được người dân quê tôi sử dụng vào mục đích làm nhỏ đất ở những nơi đất đai khô cứng, hay thay chiếc đầm mỗi khi cần phải làm phẳng nền đất…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.