Độc đáo nghề gốm Thanh Hà đất Quảng

Dũ Tuấn Chủ nhật, ngày 07/06/2015 06:29 AM (GMT+7)
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An, Quảng Nam) vẫn mang vẻ trầm mặc, rêu phong vốn có. Tồn tại ngót 500 năm, nhờ vào đôi tay khéo léo và điêu luyện của các nghệ nhân trong làng, nghề gốm Thanh Hà vẫn lưu giữ sản phẩm gốm độc đáo, mộc mạc của hồn quê đất Quảng.
Bình luận 0

Giữa cái nắng gắt của miền Trung, con đường dẫn chúng tôi vào làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An) vẫn không hề thưa bóng những sản phẩm gốm phơi nắng dọc hai bên đường. Ánh nắng gắt soi rọi xuyên qua tán cây ven đường, ngõ xóm, nhưng đi tới đâu cũng thấy người nhào đất, nung gốm.

Với tuổi đời tồn tại 500 năm, hiện nay làng gốm Thanh Hà vẫn đang thu hút rất nhiều khách tham quan bởi những sản phẩm gốm độc đáo, sáng tạo và hồn quê được lưu giữ trong từng con ngõ, nếp nhà của làng.

img
Ông Lê Văn Xê (59 tuổi) cho biết: “Cái nghề làm gốm là của cha ông để lại từ bao đời nay rồi. Tôi làm nghề cũng hơn 40 năm và chỉ duy nhất 1 nghề gốm để làm kế sinh nhai và nuôi con ăn học”.
img
Theo ông Xê, nguyên liệu chủ yếu để làm gốm là đất sét được mua từ sông Thu Bồn với giá 750 ngàn đồng/ khối đất.
img
Sau đó, người thợ Thanh Hà phải nhặt những rác, chất phế thải ra khỏi đất rồi thực hiện công đoạn trộn, xéo, nề, ủ đất cho đến khi đất nhuyễn mịn rồi mới tiến hành nắn thành sản phẩm.
img
“Sản phẩm đẹp hay xấu phải dựa vào kinh nghiệm và óc sáng tạo khéo léo của người thợ. Từ khâu làm đất, tạo hình cho đến nung, hoàn thiện sản phẩm... bắt buộc người thợ phải tỉ mỉ trong từng công đoạn. Mỗi ngày, bình quân lò nung của tôi với 6 nhân công làm việc liên tục, xuất khoảng 300 sản phẩm cung ứng cho thị trường”. - Ông Xê chia sẻ.
img
Nhào nặn đất, tạo hình cho sản phẩm.
img
Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong phải để cho se lại, sờ tay vào không thấy dính thì mới mang ra ngoài trời phơi khô, sau đó đem nung. Lò nung được xếp thật khéo để các sản phẩm vừa đảm bảo không bị đè ép, vừa tiết kiệm diện tích. Tùy vào kích thước, số lượng sản phẩm và công suất lò mà người thợ có thể nung từ một đến vài ba ngày.
img

img
Với kinh nghiệm vốn có và bàn tay khéo léo, bà Bùi Thị Thời (61 tuổi) là một trong những thợ lành nghề tại làng gốm Thanh Hà. Vì không có vốn mở lò nung nên bà đi làm thuê cho các lò gốm trong làng để kiếm sống. “Thù lao mỗi ngày tôi kiếm khoảng 100 ngàn, số tiền đó không nhiều nhưng tôi làm quen rồi, chuyển nghề dù lương cao hơn nhưng mình không vui vẻ lắm. Sản phẩm ở đây chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như tò hoe, chậu cảnh... mang nhiều kiểu dáng, màu sắc rất phong phú. Sự lựa chọn của khách du lịch và cung ứng cho thị trường khắp nơi sẽ quyết định đến nhu cầu sản xuất”. - Bà Thời cho hay.
img

img
Trải qua hàng trăm năm sóng gió, lúc suy, lúc thịnh, cũng có lúc làng gốm Thanh Hà như vùi sâu vào dĩ vãng. Với tâm huyết của một số nghệ nhân làng gốm, thương hiệu gốm Thanh Hà đang dần được phục hồi và có chỗ đứng trên thị trường. Chính họ là nhân tố “cứu tinh” và vực dậy làng nghề truyền thống này.
img
Tháng 12.2014, nghề gốm và làng nghề gốm Thanh Hà được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là nghề và làng nghề truyền thống.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem