Đọc sách: Mình nói gì khi mình nói Raymond Caver

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 27/04/2021 10:06 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến bạn tập truyện ngắn "Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình" của nhà văn Mỹ Raymond Carver (1938 – 1988) qua bản dịch từ tiếng Anh của hai dịch giả Dương Tường và Phá Hiếu (tên dịch giả này ngoài bìa sách đề vậy nhưng dưới các truyện trong sách ghi tên thật là Nguyễn Hạnh Quyên).
Bình luận 0
Đọc sách: Mình nói gì khi mình nói Raymond Caver - Ảnh 1.

Raymond Carver là nhà văn viết truyện ngắn và nhà thơ người Mỹ. Ông được coi là một trong những tác gia lớn của văn học Mỹ vào cuối thế kỷ XX với một kiểu truyện ngắn riêng của ông thường được gọi là kiểu viết truyện "tối giản". Hay như dịch giả Dương Tường trong bài viết để ở cuối tập truyện đã nói "Raymond Carver – một Chekhov của nước Mỹ hậu hiện đại." Ông mất sớm nhưng ảnh hưởng văn chương của ông còn tác động mạnh đến các nhà văn viết truyện ngắn về sau. Các tập truyện nổi tiếng của ông là Will You Please Be Quiet, Please? (1976), What We Talk About When We Talk About Love (1981). Cathedral (1983). Tập truyện tôi giới thiệu đây là sự tái bản và bổ sung của tập "Mình nói gì khi mình nói chuyện tình" in lần đầu ở nước ta. Sau đó Raymond Carver lại xuất hiện trong tập "Em làm ơi im đi được không" (2012).

MÌNH NÓI CHUYỆN GÌ KHI MÌNH NÓI CHUYỆN TÌNH

Tác giả: Ray mond Carver

Dịch giả: Dương Tường, Phá Hiếu (từ tiếng Anh)

Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020

Số trang: 218 (khổ 13x20,5cm)

Số lượng: 1500

Giá bán: 95.000

Theo một nhà nghiên cứu Mỹ, gần như tất cả những gì viết về Raymond Carver đều bắt đầu với hai nhận xét: ông là một nhà văn tối giản, và ông viết về những người thuộc tầng lớp lao động. Ngay cả khi nhà phê bình có thiện cảm thì cách phân loại kép này vẫn có xu hướng bêu xấu Carver như một nghệ sĩ nhỏ viết những câu chuyện nhỏ về những người nhỏ bé. Mặc dù đúng là hầu hết các nhân vật của Carver đều thuộc về tầng lớp lao động, nhưng vấn đề của họ là phổ quát. Carver viết về ly hôn, sự không chung thủy, sự cô đơn tinh thần, thói nghiện rượu, sự phá sản, sự mất gốc, và nỗi lo âu hiện sinh; không có chuyện đau khổ nào là riêng của tầng lớp lao động, và trên thực tế, tất cả đều phổ biến hơn đối với các thành viên của các tầng lớp xã hội cao hơn.

Tên gọi "nhà văn tối giản" (minimalist) gắn với Raymond Carver khi tập truyện "What We Talk About When We Talk About Love" ("Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình") được xuất bản. Bởi các truyện của ông đều ngắn hoặc rất ngắn, nội dung thường mơ hồ, rút gọn tối đa các mạch nối câu chuyện để người đọc tự suy nghĩ, liên tưởng. Nhưng Carver không bao giờ chấp nhận nhãn hiệu đó và tuyên bố rằng ông thậm chí không hiểu ý nghĩa của nó. Ông rất ngờ vực các nhà phê bình cứ tìm cách gán cho nhà văn những định ngữ như vậy. Có vẻ như ông đã nhận ra sự phản đối của họ và thấy họ làm thế là đang tìm cách "giảm thiểu" ông với tư cách một tác giả. Một người bạn của Carver nói rằng ông nghĩ nhà tối giản là người "đánh ra" chứ không phải là người "ném vào". Theo nghĩa đó, Carver là một người tối giản. Ông đã thực hành viết đi viết lại các truyện của mình bằng cách cố gắng xóa đi tất cả những từ thừa và thậm chí cả những dấu câu thừa. Ông nói rằng ông biết đã viết xong một truyện khi ông thấy mình đặt lại các dấu câu mà ông đã xóa trước đó. Sẽ chính xác hơn nếu gọi Carver là một người cầu toàn hơn là một người tối giản.

Một trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất, "đậm chất carver" nhất trong tất cả các truyện ngắn của Carver là truyện "Sao không nhảy đi?" ("Why Don't You Dance?"). Truyện kể một người đàn ông không bao giờ được nêu tên đã mang tất cả đồ đạc và tài sản cá nhân của mình ra ngoài sân cỏ trước nhà và sắp xếp chúng một cách kỳ quái như thể chúng vẫn ở trong nhà. Ông ta đã nối điện từ nhà vào bóng đèn, tivi và máy nghe nhạc. Sau đó ông ta ngồi bên ngoài uống rượu whisky, hoàn toàn không quan tâm đến sự ngạc nhiên và tò mò của những người hàng xóm. Người ta cảm thấy như thể điều tồi tệ nhất đã ập đến và trôi qua ông. Ông như là người sống sót sau một thảm họa lớn nào đó, như là một thủy thủ trơ trọi trên biển đang cố gắng vớt những đồ vật trôi nổi sau một vụ đắm tàu hay máy bay rơi.

Một cặp vợ chồng trẻ, được gọi trong suốt câu truyện là "chàng trai" và "cô gái", lái xe ngang qua và nghĩ là trong sân nhà này đang có một cuộc bán tháo đồ đạc. Họ dừng lại và hỏi về giá cả. Người đàn ông mời họ uống rượu. Chàng trai và cô gái nhập cuộc cùng ông. Họ đặt những đĩa nhạc cũ lên máy hát và bắt đầu nhảy cùng nhau trên lối đậu xe. Người đàn ông háo hức muốn loại bỏ tài sản của mình và chấp nhận mọi sự trả giá của hai người trẻ. Ông thậm chí còn bắt họ nói ra những điều mà họ không thực sự muốn nói. Mấy tuần sau cô gái vẫn còn nói chuyện về người đàn ông ấy, nhưng cô không thể tìm được từ ngữ để diễn đạt điều cô thực sự cảm thấy về cuộc gặp tình cờ đó. Có lẽ phải nhiều năm về sau nữa, khi đã trải qua những tháng ngày thay đổi chỗ ở, tìm kiếm việc làm, cô và chàng trai của mình mới có thể hiểu được người đàn ông họ đã gặp tình cờ và đoán ra vì sao ông ta lại bán hết đồ đạc trong nhà đi.

Truyện "Sao không nhảy đi?" là một cách xử lý hài hước về một chủ đề nghiêm túc, theo phong cách đặc trưng của Raymond Carver. Bi kịch của người đàn ông không bao giờ được viết ra, nhưng người đọc có thể ghép các mảnh truyện lại với nhau một cách khá dễ dàng từ các manh mối. Rõ ràng là đã có một cuộc ly hôn hoặc ly thân. Rõ ràng là có những vấn đề tài chính, thường liên quan đến ly hôn, và người đàn ông đã bị đuổi ra khỏi nhà. Xét trên thực tế là ông ta uống quá nhiều nên việc nghiện rượu có thể là nguyên nhân hoặc hậu quả của các vấn đề khác của anh ta. Người đàn ông đã từ bỏ mọi hy vọng và giờ chỉ còn thấy hy vọng ở những người khác, đại diện là cặp vợ chồng trẻ này, những người mới bắt đầu cuộc sống và cố gắng thu thập một vài món đồ nội thất cho căn hộ thuê của họ.

Ly hôn, sự không chung thủy, sự xung đột trong gia đình, sự lo lắng về tài chính, sự phá sản, chứng nghiện rượu, bệnh vô cảm, sự mất gốc, chủ nghĩa tiêu dùng thay thế cho sự gần gũi và sự vỡ mộng với "giấc mơ Mỹ" là những chủ đề phổ biến xuyên suốt các câu chuyện của Carver. Biểu tượng người đàn ông ngồi ngoài bãi cỏ trước nhà uống rượu whisky, với tất cả tài sản trần thế đặt xung quanh mình nhưng sớm tan thành mây gió, là một biểu tượng nổi bật của con người hiện đại. Dễ dàng có được tài sản nhưng gần như không thể giữ được một ngôi nhà thực sự.

Theo giới nghiên cứu Mỹ, xét ở một cấp độ khác, truyện "Sao không nhảy đi?" cũng phản ánh sự trưởng thành của Carver ở tư cách con người và tác giả. Trách nhiệm của bậc làm cha mẹ cũng như kinh nghiệm dạy các sinh viên trẻ đã cho ông biết một sự thật là những vấn đề cá nhân của ông có thể có ích lợi giáo dục cho những người khác. Là một người dạy viết văn, ngày càng trở nên nổi tiếng, được tiếp xúc với các nhà văn, biên tập viên, giáo sư và những người phỏng vấn, ông đã phải có tín điều nghệ thuật của riêng mình. Người đàn ông lớn tuổi trong câu chuyện nhìn thấy chính mình trong hai người trẻ tuổi hỏi mua hàng ở sân nhà mình và muốn giúp đỡ họ trong cuộc sống; đây rõ ràng là sự phản ánh thái độ của chính tác giả. Do đó, bản thân câu truyện không chỉ đơn thuần có tính tự truyện thể hiện sự phản đối hay than thở như một số tác phẩm trước đó của Carver mà được thiết kế để đưa ra một thông điệp - có lẽ là một lời cảnh báo – có ích cho những người khác. Sự minh triết buồn bã của nhân vật chính trong truyện này của Carver phản ánh sự chín chắn của chính nhà văn khi ông bắt đầu hiểu ra bản chất hiện sinh bi thảm mang tính phổ biến của kiếp người.

Dịch giả Dương Tường đã hé lộ cho ta một cách đọc Raymond Carver trong bài viết mà tôi đã nhắc trên: "Truyện ngắn của Carver tựa như những mẩu giáo khoa về phân hủy. Làm thế nào để đánh hỏng đời mình và đời người khác, làm thế nào để nảy sinh hằn thù, điên loạn và tội ác? Carver đã tạo một thế giới thiếu vắng tình yêu, thiếu vắng đến độ dã man. "Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình" là đầu đề một kiệt tác ngắn của ông. Thật là lạ, từ lâu lắm rồi, người ta đã quên hẳn không còn biết nói gì, nói thế nào về tình yêu. Trái tim bị xâm thực bởi quá nhiều tham vọng nhỏ nhoi, đã trở nên khô héo, không còn biết đến nhịp đập yêu thương." (tr. 215-216) Nội dung này trong các truyện ngắn của Raymond Carver đã được hai dịch giả cố gắng truyền đạt tối đa đến độc giả trong bản dịch Việt ngữ của mình.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 26.4.2021

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem