Đọc sách cùng bạn: Để lại gì

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 21/04/2023 16:30 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn cuốn tản văn "Bắt đầu bằng để lại" của nhà báo Dương Thành Truyền.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Để lại gì - Ảnh 1.

Cuốn tản văn "Bắt đầu bằng để lại" của nhà báo Dương Thành Truyền. (Ảnh: ST)

Hai chữ "để lại" ở tên sách đọc vào sách rồi mới thấy nghĩa là gì. Đầu tiên để lại có nghĩa là "gác lại". Gác lại những nỗi buồn, nỗi đau để bắt đầu đi tới và đi tiếp. Như chính tác giả đã vượt qua nghịch cảnh của gia đình mình khi người cha từng có trong tay một đời gây dựng một khối tài sản lớn tính ra "ngót nghét cỡ nghìn cây vàng" hồi những năm 1970, nhưng "đến năm 1982 thì cha tôi trắng tay". Ông bị thu tiền, bị thu đất đai, phải bán nhà cửa, cho đến khi không còn gì để mất. Đối với đứa con, bi kịch của người cha thật khủng khiếp, có thể bẻ gãy cuộc đời mình. Nhưng người con đã biết gác lại quá khứ đau đớn đó của nhà mình nhờ được thừa hưởng gia tài tinh thần của chính cha mình để lại. "Cha tôi đã từng phá sản, đã từng trắng tay. Nhưng của cải đã bị mất không đánh gục được sức mạnh tinh thần của ông. Ông gan lì đối diện với số phận, bình tâm vượt qua nghịch cảnh bằng một sức mạnh nội tâm phi thường! Và đó cũng chính là tài sản vô giá mà ông để dành cho chúng tôi như một giá trị sống được đúc kết không phải bằng lời, mà bằng một chuỗi những tháng ngày sống và làm việc không mệt mỏi, không ngừng nghỉ, không buông tay" (tr. 182). Bài viết này của Dương Thành Truyền có cái tên thật ý nghĩa: "Tài sản của một người bị phá sản".

BẮT ĐẦU BẰNG ĐỂ LẠI

Tác giả: Dương Thành Truyền

Nhà xuất bản Trẻ, 2023

Số trang: 194 (13x20cm)

Số lượng: 1500

Giá bán: 100.000đ

Và đó là nghĩa thứ hai của từ "để lại". Trong cuốn sách ở chương 3 "Chuyện người" tác giả dẫn người đọc gặp gỡ những con người đã để lại cho anh, cho những người khác, thứ tài sản giá trị sống tích cực. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong niềm cảm phục của cô gái Nhật Bản Ueno Miyuki khi biết tin ông qua đời. Đó là chị Yến, một nhân viên đánh máy bình thường ở cơ quan mà khi vào viện được đông mọi người quý mến thăm nom đến mức nhân viên bệnh viện nghĩ "chắc bà này làm lớn lắm" mới được chăm sóc như vậy. Đó là Dadi Janki người phụ nữ Ấn Độ truyền cho mọi người cách sống bình an, là Nguyễn Thị Oanh người phụ nữ Việt Nam viết báo viết sách tư vấn tâm lý cho mọi người. Đó là nhà báo, nhà làm sách Nguyễn Thế Truật "một con người tài hoa và tử tế". Đó là nhà văn Lê Văn Nghĩa "một người Sài Gòn rất Sài Gòn". Những bài viết của Dương Thành Truyền về họ phần lớn được viết ra khi những con người đáng kính đáng quý này nằm xuống như một nén hương anh dâng lên tưởng nhớ họ và xin nhận từ họ những bài học sống để lại. Và tác giả muốn mang tài sản để lại đó của họ đến với bạn đọc.

Nhưng "để lại" trong sách này của Dương Thành Truyền còn có một nghĩa nữa là để nguyên, đừng thay đổi, đừng phá đi. Đừng xoá mất những tên đất tên quê đã bao đời thân thuộc với người dân sở tại, đã đi vào lời ca câu hát. Cái tên Gành Hào thân thương ở quê hương tác giả (Bạc Liêu) sao lại bỏ đi để thay bằng cái tên vô hồn Đông Hải. Tác giả đã phải kêu lên "Ơi Gành Hào" thương cho đất cho người quê mình. Thương cả cho mình. "Sao có những cái tên của mấy trăm năm, của máu thịt, lại bị đánh rớt dễ dàng như trở bàn tay? Hay vì lòng ta cạn, không đủ yêu, không đủ thương, không đủ hãnh diện về cái tiếng quê mình?" (tr. 18). Bài viết này tác giả xếp vào đầu sách nghe như một lời nức nở, trách cứ.

Dương Thành Truyền là người yêu thích khảo cứu ngôn ngữ. Anh thường viết bài về chữ nghĩa đăng trên báo "Tuổi Trẻ" với bút danh nói lái tên mình thành Duyên Trường. Anh đã viết cả một chuyên khảo "Di chúc Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo" (2017) đến nay đã tái bản lần thứ năm. Trong sách "Bắt đầu bằng để lại" anh vẫn có những bài về mảng đề tài này bên cạnh những bài đọc sách trong đó có những sách về ngôn ngữ. Ở bài "Ngữ văn… cập nhật mùa Corona" tác giả ghi lại những cách nói mới, cách cải biên vận dụng thơ ca, khi cả nước căng mình chống đại dịch Covid-19. Đây sẽ là những ngữ liệu cần thiết cho các nhà nghiên cứu sau này. Cái kết của bài vẫn rất cập nhật hôm nay, khi những kẻ táng tận lương tâm trục lợi trên sự đau khổ và chết chóc của đồng bào mình trong nạn dịch đang lần lượt bị điệu ra trước vành móng ngựa: "Trong khi công lý đòi hỏi phải được thực thi, công luận đang dùng sức mạnh ngôn từ để bày tỏ thái độ không dung thứ: Dân ta gọi chúng là bọn Việt ác (theo cách cấu tạo từ như Việt gian), là lũ ăn "kít" (theo cách chơi chữ bằng đồng âm)" (tr. 68). 

Ở bài "Nức lòng hay nhức lòng" anh nói về cách dùng từ ngữ của báo chí, quảng cáo lắm khi như viết lấy được, viết không đúng điều muốn nói, viết theo kiểu chính trị - xã hội. "Vấn đề đáng nói ở đây là những người cầm bút khi ném con chữ xuống trang giấy, có bao giờ tự hỏi mình đã viết những gì và như thế nào không?" (tr. 22). Ở bài "Nghịch lý tiếng mẹ đẻ" tác giả vui mừng bao nhiêu thấy những người Việt trẻ xa nước vẫn giữ lòng yêu tiếng Việt, muốn tìm về cội nguồn tiếng mẹ đẻ, thì lo lắng, đau buồn bấy nhiêu thấy những người trẻ ở ngay quê nhà lại có khi không rành tiếng Việt! Trong khi đó họ và một bộ phận cha mẹ họ, lại lấy làm vui mừng, tự hào khi con cái nói thạo tiếng Anh(!). Đây đúng là một thực tế đáng báo động ở nước ta mà Dương Thành Truyền bằng lòng yêu tiếng Việt và sự quan tâm đến tiếng Việt của mình đã nhận ra và lên tiếng cảnh báo. Tác giả đã từ một hiện tượng đề lên thành một vấn đề lớn tầm quốc gia: "Bởi vì, hồn Việt phải bắt đầu từ tiếng Việt! Và, như có người đã nói, việc bảo đảm cho thế hệ trẻ nắm vững quốc ngữ, quốc văn, quốc sử cũng là một biểu hiện bảo vệ chủ quyền quốc gia trong giáo dục của một đất nước!" (tr. 38).

Cuốn sách "Bắt đầu bằng để lại" mỏng nhưng không nhẹ, những bài viết ngắn theo từng thời điểm, theo tính chất tản văn, nhưng gieo cho người đọc nhiều cảm xúc, suy nghĩ thấm thía. Đây đã là cuốn sách thứ 6 của Dương Thành Truyền ở tuổi ngoài sáu mươi, một người có "2 năm bộ đội, 5 năm dạy văn, 10 năm làm sách, 12 năm làm báo, 25 năm công tác Đoàn Đội, 25 năm huấn luyện phát triển bản thân" như ghi trong tóm tắt tiểu sử tác giả ở bìa gấp 3.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 21/4/2023

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem