Đọc sách cùng bạn: Những câu thơ viết mực

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 11/06/2021 11:35 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến bạn tập thơ "Chiều không tên như vết mực giữa đời" của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Những câu thơ viết mực - Ảnh 1.

Câu thơ làm tên sách đã như một dấu điểm chỉ cho tập thơ. Đó là thơ của một thời sinh viên. Nguyễn Tiến Thanh học K30 khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (tên cũ của trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội hiện nay). Các bài trong tập được tác giả viết ra ở nửa sau thập niên tám mươi thế kỷ trước, trong mấy năm đầu đại học. Sự so sánh trong câu thơ là một nỗi bâng khuâng mơ hồ của người trai mới lớn. "Chiều không tên như vết mực giữa đời" vì/để/cho "em ngắt nắng xem hoàng hôn rớm máu", tuổi sinh viên ai mà chẳng lạ kỳ đến thế. (Câu này tác giả lấy làm đề từ nhưng nhầm Em sang Anh, chắc bối rối khi đọc lại thơ xưa.)

CHIỀU KHÔNG TÊN NHƯ VẾT MỰC GIỮA ĐỜI

Tác giả: Nguyễn Tiến Thanh

Nhà xuất bản Văn Học, 2021

Số trang: 104

Số lượng: 8000 (khổ 18,2x26cm)

Giá bán: 129.000

Thơ sinh viên thường chất ngất, bùng nổ ở cảm xúc, tâm trạng, ở hình ảnh, cách nói đặc trưng của lớp người trẻ trong môi trường đại học. Sinh viên khoa Văn càng đẩy cao hơn nữa sự chất ngất ấy trong thơ. Và sinh viên "Văn khoa Tổng Hợp Hà Nội" thì thơ chất ngất đã thành thơ ngất ngư. Thế nên mới có những dị nhân và giai thoại về họ ở trường này như trong hai bài viết Nguyễn Tiến Thanh để ở cuối sách. Viết về những "dị nhân" đồng khoa đồng khóa đó Thanh cũng đã phác họa ra cả chân dung mình và bạn bè một thuở sinh viên "Nước mắt trong và rượu cũng trong veo/ Men rượu đắng nhưng ấm lòng tê tái" (tr. 49).

Tôi đồng môn với Thanh nhưng học trước mười khóa. Khoảng cách đó không xa lắm về tuổi tác nhưng đã khá xa về nhịp sống. K20 của chúng tôi lành hơn, và như thế có vẻ cũng nhạt hơn, so với các khóa sau. Ngay K24 tôi về học nốt năm cuối sau khi xuất ngũ thì đời sống sinh viên đã sôi động, mạnh bạo hơn. Cho đến K30 của Thanh và mấy khóa sau nữa thì, có thơ làm chứng, nó náo hoạt tưng bừng không chỉ ở Khoa Văn, không chỉ trường Tổng Hợp, mà lan ra cả giới đại học ở Thủ đô. 

Bây giờ Thanh vẫn mơ về thời đó, cái thời "rượu say chất ngất, vĩ cuồng trên mây, cả ngày không làm gì, chỉ làm mỗi… thơ và bàn toàn những chuyện viển vông, xa rời thế sự." (tr. 82) Thơ sinh viên viết bừng bừng, đọc bừng bừng, cùng với rượu uống bừng bừng. Đó là những bài thơ "còn đôi chỗ vụng dại nhưng tinh khôi với rất nhiều đại ngôn" như tác giả nói trong lời phi lộ. Thơ ấy "ra đời trong những cuộc rượu "luận anh hùng" bất tận ở ký túc xá Mễ Trì – "tuyệt tình cốc" của sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội." (tr. 8). 

Hồi ấy bài thơ tuyệt hay "Gửi Trương Tửu" của Nguyễn Vỹ đang trong vòng cấm đoán, lứa chúng tôi còn chưa được biết được đọc, không biết lứa Thanh đã có đọc trộm đâu đó không. Nhưng đọc hay chưa thì cái chất ngang tàng lãng tử của giống văn nhân thi sĩ vẫn âm thầm len lỏi chảy ngấm vào huyết mạch cảm xúc tâm trạng của những ai có nòi, nói như Chu Mạnh Trinh "ta cũng nòi tình thương người đồng điệu". 

Nếu đã biết bài thơ đó rồi thì chắc Nguyễn Tiến Thanh và các bạn anh thời sinh viên sẽ rất khoái chí với khẩu khí ngông nghênh của hai bậc tiền nhân: "Thuở ấy chúng mình nghèo xơ xác/ Mà coi đồng tiền như cỏ rác/ Kiếm được đồng nào đem tiêu hoang/ Rù nhau chè chén nói huênh hoang/ Xáo lộn văn chương với chả cá". Hẳn là cánh sinh viên Văn khoa Tổng hợp làm thơ tự bản năng mình đã thử kiểu sống như thế, tuy khi vào thơ khí chất có khác tiền nhân vì thời thế đã khác. Nói vậy để thấy cái không khí môi trường sinh viên thời K30 của Nguyễn Tiến Thanh đã cho anh có những vần thơ để từ đó danh xưng "lãng tử" được gắn cho anh: "Đêm phố xá nhớ về cư xá/ Anh bụi đời đi nhớ một người dưng." (tr. 56)

Thơ tình, đương nhiên rồi. Hiệp sĩ phải có một tình nhân. Thơ sinh viên chủ yếu là thơ tình, trong đó Anh luôn là người tình si tội nghiệp và cao thượng, là người hùng ngạo nghễ và bất cần bên Em. Nguyễn Tiến Thanh cũng thế, hay là chính thế. "Em có biết rằng em là gió lạ/ Thổi rạp đời anh – ngọn cỏ mùa thu" (tr. 9); "Áo em mỏng thế mà vương gió lại/ Đủ cho môi ta tan rã nụ cười" (tr. 14); "Anh đã xây những lâu đài trên cát/ Vỡ tan tành hạnh phúc từng mong" (tr. 16). Những "thổi rạp", "tan rã", "tan tành" nghe ghê gớm, đại ngôn, cũng chỉ để nói rất thật cảm nhận của người trai trẻ tuổi chưa tròn hai mươi về những tình cảm đầu đời. 

Khi đó chỉ một thất vọng, chứ chưa phải tuyệt vọng, cũng khiến người ta tưởng cả thế giới sụp đổ. Nói quá lên cũng là cách vượt qua chính mình để trưởng thành. Ở tuổi 18 Nguyễn Tiến Thanh đã có một bản "tự kiểm" kỳ lạ đầy chua chát, hoài nghi về chặng đường tuổi 20 đang đến.

Quá khứ trôi dạt về đâu trong men rượu

Ảo ảnh đời tôi mờ mờ khói thuốc như sương.

Tôi là kẻ đã đi qua một chặng đường

Ôi chặng đường của tôi – u ám một thời trai trẻ

Chặng đường thê lương, chặng đường không lối rẽ

Tôi đi hoài chỉ thấy đớn đau thôi. (tr. 45)

Không biết bài thơ được viết ra trong tâm trạng nào của tác giả mà có cái giọng u uất, chán nản như vậy. "Để một ngày như lá rụng bên thềm/ Hai mươi tuổi ném thân vào cô độc." Tôi chợt nhớ câu thơ Huy Cận "Tuổi hai mươi không phải hai mươi tuổi." Mỗi người một thời của mình, ai cũng phải gánh lấy cái sống thời mình sống. Sau này Nguyễn Tiến Thanh ở lại trường đại học giảng dạy một thời gian rồi chuyển đi làm báo. Nghề báo đã cho anh cả vinh quang và cay đắng. Bài thơ viết năm 1986 như một tiên liệu chăng, khi đọc lại bây giờ tác giả đang qua cái tuổi "tri thiên mệnh".

Nhưng Thanh ở tuổi hai mươi cũng đã sống như câu thơ Huy Cận. Anh không chỉ đắm riêng vào mình mà còn mở thơ ra với cuộc đời. Trong tập thơ sinh viên này Thanh đã có lời buồn cho những em bé Khâm Thiên chết trong trận bom B52 tháng 12/1972 và tự hiểu mình "Anh đâu dám nói mình từng trải/ Bởi chưa từng đi hết nỗi đau…" (tr. 22). 

Anh đã cầu xin cơn mưa chiều đừng trút nữa xuống sân ga làm "ướt áo run vai gầy của mẹ" (tr. 41). Trước hình ảnh mẹ trên sân ga chiều mưa nhà thơ đã xé đi những bài thơ tình tuổi dại của mình vì biết thơ phải viết khác. Anh đã gửi lòng mình ra với bạn Trường Sa: "Con sóng vỗ một miền tim thao thức/ Giọt máu loang trên cột mốc chủ quyền" (tr. 60). Bài thơ viết năm 1988 sau sự kiện Cô Lin – Gạc Ma, khi đó tác giả đang học năm thứ ba. Hai chữ "miền tim" sáng tạo của nhà thơ mang chứa được tình cảm của người dân Việt đối với những hòn đảo-giọt máu ngoài biển khơi tổ quốc đến hôm nay và mai sau.

"Những câu thơ như vết mực giữa đời", và đó là những câu thơ viết mực. Cuối sách tác giả có chụp lại những trang bản thảo thơ viết trong sổ tay bằng mực bút bi hơn ba mươi năm trước. Tập thơ vì thế cũng được thiết kế bìa với chữ "vết mực" màu đen và hình vết mực từ bìa loang ra các trang in bên trái. Sách khổ to, giấy kiểu cổ, trình bày trang nhã gợi cho người đọc cảm giác trở lại một thời xưa cũ với những kỷ niệm không phai. Thời ấy có một mùa mà giờ đây ngoảnh lại Nguyễn Tiến Thanh gọi đó là "mùa mây trắng". 

Mây trắng trong cảm thức bao đời của thi nhân là biến dịch và hư vô. Thời gian đã một đi không trở lại. Mùa mây trắng có thể không thực, Thanh nói thế. Nhưng cái thời sinh viên trong trẻo hồn nhiên vẫn luôn đọng lại trong tâm trí con người như mây trắng luôn có giữa bầu trời xanh. Tôi đọc tập thơ như được sống lại thời sinh viên của mình và thầm tiếc đã không sống hết các cung bậc đời sinh viên như có thể. 

Song mà "đọc câu thơ bạn tưởng câu thơ mình", tôi đã có thơ Nguyễn Tiến Thanh và nhiều bạn khác để được trở về một thời đã sống trong khung trời đại học. Hơn thế nữa, dịp này Nguyễn Tiến Thanh cho ra liền một lúc ba cuốn sách: ngoài "Những câu thơ như vết mực giữa đời" còn một tập thơ nữa "Loạn bút hành", và một tập tiểu luận về nghề báo "Thời của tạp chí". Cả ba cuốn in cùng một khổ. Đọc cả hai cuốn thơ, và chung cả ba cuốn, bạn đọc thấy ra một Nguyễn Tiến Thanh "Ta vốn chẳng thèm kiêng gió cát/ Đầu trần đi giữa nắng nhân gian".

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 11/6/2021


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem