Đội kèn nữ nông dân quê lúa

Chu Hồng Châu Thứ năm, ngày 17/07/2014 06:44 AM (GMT+7)
Tại giáo xứ Bồng Tiên (Vũ Thư, Thái Bình), vùng quê nằm ven con sông Hồng có một đội kèn nữ dù mới được thành lập 4 năm nay nhưng tiếng tăm đã vang xa ra nhiều tỉnh...
Bình luận 0

Sau những buổi vất vả “một nắng hai sương” với ruộng đồng, những người phụ nữ quanh năm chân lấm tay bùn lại quây quần, truyền lại cho nhau những nốt bấm, những tiếng kèn mượt mà, trau chuốt, điêu luyện.

Vay tiền mua kèn

Những ngày đầu, được sự ủng hộ của linh mục giáo xứ Trần Xuân Chiêu cùng các nhà hảo tâm như ông Trần Cao Thăng, Trần Văn Phi, bà Trần Thị Thu Trà… đội kèn nữ Bồng Tiên tập hợp được 30 thành viên. Nhớ lại những ngày "vạn sự khởi đầu nan" ấy, cô Trần Thị Bích Nga (50 tuổi) - người giữ nhịp của toàn đội cho biết:

"Trước tiên, những thành viên sáng lập đi tới từng nhà động viên các chị em tham gia, rất may là chị em ủng hộ nhiệt tình. Nhưng còn vấn đề nan giải nữa là vận động các ông xã của chị em đồng ý cho vợ mình đi tập, điều đáng phấn khởi là các vị ấy cũng rất hào hứng, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ bớt việc nhà cho vợ đi tập kèn”.

Đó là những ngày tháng vất vả với chị em bởi họ phải tranh thủ đi chợ bán hàng buổi trưa, đêm về lại tất bật dậy sớm tranh thủ làm bún, làm đậu để sáng sớm chồng con mang ra chợ bán giúp cho các cô, các chị có thời gian tập kèn. Cứ 3 ngày học với thầy, sau đó là 4 ngày tập luyện, liên tục cả sáng, trưa, tối với tinh thần rất khẩn trương.

Từ khi thành lập, các nhà hảo tâm đã giúp chị em trong đội vay tiền mua kèn rồi trả dần, tài trợ tiền học phí tháng đầu, mời thầy bên Hải Hậu (Nam Định) sang dạy. Sau đó, các chị em tự túc bỏ tiền ra sắm lấy nhạc cụ, nhờ các nhạc công có kinh nghiệm mua giúp kèn từ Hà Nội, TP.HCM mang về. Cô Trần Thị Bích Nga giới thiệu cây kèn saxo alto có giá 11 triệu đồng, những cây kèn khác lần lượt có giá từ 6-10 triệu đồng, chưa kể đến cymbal, trống... rất đa dạng, hoành tráng.

Cuối năm 2010, đội kèn nữ bắt đầu đi vào tập luyện tại nhà ông Trần Cao Thăng. Có những gia đình cả 2 mẹ con đều thu xếp việc nhà tham gia tập kèn như mẹ con cô Trần Thị Khanh, cô Trần Thị Thân, cô Trần Thị Bích Nga... Theo bà Thu Trà thì sau 2 ngày học nhạc lý, chị em đã biết nốt nhạc, nhưng đa số là các cô các bà đều đã ở tuổi đeo kính hết cả nên thổi chưa đúng âm, còn "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, tiếng được tiếng chăng rất khôi hài thì nhiều", nhưng mọi người không nản.

Một tuần tập miệt mài, các cô, các chị đã cơ bản nắm được và chơi bắt đầu có sự ăn khớp. 24 ngày liên tục học tập, đội kèn nữ đã ra mắt người dân địa phương, được sự động viên và ủng hộ hết mình của chính quyền và mọi người.

Tre già măng mọc

Hiện nay, đội kèn nữ Bồng Tiên đã có thường xuyên 40 thành viên luân phiên sinh hoạt, bởi các chị còn phải dành thời gian cho thiên chức làm mẹ, có chị lập gia đình tỉnh xa, có chị đi xuất khẩu lao động... nhưng với tinh thần "tre già măng mọc", các thế hệ đi trước vẫn đang dày công đào tạo những tầng lớp kế cận, truyền thụ lại cho con gái, con dâu...



Ông Trần Mạnh Bảo - Bí thư Đảng ủy xã Vũ Tiến
 
Đội kèn nữ Bồng Tiên là nét văn hóa độc đáo của miền quê lúa Thái Bình. Hoạt động của đội thể hiện tinh thần đoàn kết lương-giáo, tạo sự đột phá trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cũng như nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc cho bà con nơi đây".
 
Đội kèn cũng thường xuyên tham dự những buổi lễ lớn của Tòa Giám mục Thái Bình hay tại các nhà thờ trong và ngoài tỉnh mỗi khi tổ chức nghi lễ tôn giáo, những hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc... Ngoài ra để duy trì hoạt động của toàn đội, các cô các chị cũng nhận được lời mời tham gia phục vụ đám hiếu.

 

"Mỗi đám hiếu có khoảng 30 - 40 chị em đi phục vụ, có khi ngày 2 đám, đi về hàng trăm cây số cũng chỉ nhận thù lao 5-6 triệu đồng/đám. Có nơi gia chủ thưởng thêm, có nơi đội bớt lại tiền cho gia chủ bởi hoàn cảnh.

Trừ tiền ăn uống, xăng xe dọc đường, còn lại là sung vào quỹ để duy trì hoạt động"- cô Bích Nga cho biết. Ngoài những chi phí đi lại, quỹ đội được dùng vào việc sửa chữa, mua sắm mới nhạc cụ, thăm hỏi động viên các thành viên và trích một phần làm thiện nguyện.

Thời điểm hiện tại, uy tín của đội kèn nữ Bồng Tiên đã vang xa ra các tỉnh lân cận như Nam Định, Hải Phòng... nên nhận được khá nhiều lời mời, Tuy nhiên theo ban lãnh đạo đội thì họ cũng chỉ nhận những hợp đồng có thể đi về trong ngày bởi cả đội di chuyển bằng xe máy, vả lại các thành viên còn phải tham gia công việc gia đình, nuôi nấng con nhỏ. Nhưng được sự động viên của xóm làng, giáo xứ cũng như sự nhiệt tình của mỗi thành viên, hoạt động của đội kèn nữ quê lúa đang ngày càng phát triển có chiều sâu, chuyên nghiệp hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem