Đối tượng đấm dập sống mũi cán bộ cảnh sát có thể phải đối mặt với hình phạt nào?
Đối tượng đấm dập sống mũi cảnh sát ở Lai Châu có thể phải đối mặt với hình phạt nào?
Quang Minh
Thứ hai, ngày 30/10/2023 19:39 PM (GMT+7)
Theo luật sư, hành vi dùng sức mạnh vật chất tác động lên thân thể của người đang thi hành công vụ như đấm, đá, đâm, chém…làm cho người thi hành công vụ không thực hiện được nhiệm vụ của họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bắt giữ đối tượng đấm dập sống mũi cán bộ cảnh sát
Ngày 28/10, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu tiếp nhận đối tượng Giàng A Chư (SN 1986, trú tại bản Lùng Than, Tả Lèng, Tam Đường) ra đầu thú.
Chư là đối tượng hung hãn nhất, đã đấm làm dập sống mũi một cán bộ của tổ công tác 113 trong vụ "Chống người thi hành công vụ" xảy ra ngày 21/10, tại tổ 25, phường Đông Phong, TP Lai Châu.
Sau 6 ngày lẩn trốn, được Cơ quan điều tra và chính quyền địa phương vận động ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, Chư đã ra đầu thú vào ngày 27/10 và giao nộp 1 chiếc mũ Công an mà Chư đã giật trên đầu của cán bộ.
Tại cơ quan điều tra, Giàng A Chư khai nhận khoảng hơn 21h ngày 21/10, Giàng A Hảng gọi điện cho Chư nhờ ra khu vực đối diện phòng Cảnh sát giao thông cùng anh em giúp Hảng vì Hảng đang bị Cảnh sát 113 giữ xe máy. Khi Chư đến nơi đã thấy Giàng A Sinh, Giàng A Dơ, Giàng A Hảng là anh em họ ở cùng bản đang to tiếng với một số cán bộ Công an, Chư cũng chen vào lớn tiếng mắng lực lượng nhiệm vụ.
Sau đó, Chư, Hảng, Sinh, Dơ cùng lao vào đấm đá, vật, dùng mũ bảo hiểm đập những cán bộ Công an đang ở đó. Chư còn giật một chiếc mũ mềm Công an trên đầu một cán bộ rồi đấm vào mặt một cán bộ khác. Khi thấy lực lượng Công an tăng cường đến hiện trường, Chư cầm theo chiếc mũ Công an rồi lên xe máy bỏ chạy.
Đối tượng hành hung cảnh sát có thể bị phạt tù
Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, trong vụ việc trên, các đối tượng đã có hành vi dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Hành vi của các đối tượng trên đã xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội trong các lĩnh vực quản lý hành chính của Nhà nước. Không những vậy, hành vi trên còn thể hiện sự coi thường pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Hành vi dùng sức mạnh vật chất tác động lên thân thể của người đang thi hành công vụ như đấm, đá, đâm, chém…làm cho người thi hành công vụ không thực hiện được nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi mà pháp luật cấm hoặc không thực hiện hành vi mà pháp luật bắt buộc họ phải làm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp, người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến hậu quả gây thương tích cho người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo quy định trên, khung hình phạt thấp nhất đối với hành vi chống người thi hành công vụ gây thương tích là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân theo quy định tại khoản 5 Điều 134 Bộ luật hình sự.
Với tội chống người thi hành công vụ, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự;
Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm được áp dụng khi có các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 330 Bộ luật hình sự 2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.