Công an làm việc với đối tượng mạo danh cô giáo chiếm đoạt tài sản của học sinh
Trong tháng 11 và 12/2024 nhiều phụ huynh của 5 Trường tiểu học trên địa bàn huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) hoang mang khi con em của họ bị đối tượng lạ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi Công an vào cuộc điều tra, Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1991, ở thôn Xuân La, xã Thanh Sơn, Kiến Thụy, Hải Phòng đã đến Công an huyện Kiến Thuỵ đầu thú.
Hoà cho biết, sáng ngày 2/12/2024 đã điều khiển xe mô tô Vison màu trắng mang BKS: 15F1 – 147.35 đi đến trường Tiểu học Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cháu học sinh nữ đang học tại trường.
Đối tượng Nguyễn Thị Hòa cùng tang vật. Ảnh: CACC.
Khi đến nơi, Hòa nói chuyện với các cháu học sinh của Trường tiểu học Hòa là cô giáo mới đến hôm nay có đoàn kiểm tra đề nghị các con ăn mặc gọn gàng, nhớ mang mặc trang phục, đi dép quai hậu, không được đeo khuyên tai và yêu cầu các cháu học sinh tháo khuyên tai (bằng vàng), bạn nào không tháo được để Hòa tháo giúp.
Tại cơ quan Công an, Hòa khai nhận ngoài vụ việc nêu trên, Nguyễn Thị Hòa còn gây ra hơn 10 vụ lừa đảo các cháu học sinh khác trên địa bàn các huyện/quận: Kiến Thuỵ, Dương Kinh, Đồ Sơn. Đã có khoảng 16-17 cháu học sinh Tiểu học "dính" chiêu lừa của Hòa, tổng giá trị tài sản Hoà chiếm đoạt được lên đến trên 100 triệu đồng.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Kiến Thuỵ đang tiếp tục thu thập tài liệu, củng cố hồ sơ mở rộng vụ án để đưa đối tượng ra xử lý nghiêm trước pháp luật.
Đối tượng chiếm đoạt tài sản của học sinh có thể phải chịu hình phạt nghiêm khắc
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho hay, hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Theo luật sư Sơn, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.