Đội văn nghệ bản Tông: 45 năm duy trì và gìn giữ bản sắc dân tộc Thái ở Sơn La

Mùa Xuân Thứ hai, ngày 21/11/2022 14:14 PM (GMT+7)
Những lời ca, tiếng hát, điệu múa của Đội văn nghệ bản Tông (Chiềng Xôm, TP. Sơn La) đã góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Thái ở Sơn La...
Bình luận 0

Clip: Những điệu múa mền mại đắm say lòng người của Đội văn nghệ bản Tông, xã Chiềng Xôm (Sơn La).

Đội văn nghệ bản Tông hơn 45 năm duy trì và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Bà Lò Thị Ỏn, nguyên là Đội trưởng Đội văn nghệ bản Tông cũng là một trong những hạt nhân tiêu biểu, nòng cốt gây dựng nên tên, tuổi Đội văn nghệ của bản Tông như ngày hôm nay. Bà Ỏn năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng giọng vẫn lưu loát khi kể cho chúng tôi nghe về Đội văn nghệ quần chúng của bản từng một thời vượt khó bứt phá vươn lên.

Bà Ỏn, nhớ lại: Năm 1976, Đội văn nghệ bản Tông được thành lập, với 12 thành viên tham gia, khi đó tôi mới 21 tuổi. Các thành viên là những người dân của bản có năng khiếu múa, hát và luôn đam mê văn hóa, văn nghệ. Hơn 30 năm dẫn dắt gắn bó với Đội văn nghệ bản Tông, do tuổi cao sức yếu năm 2008 tôi thôi không tham gia Đội văn nghệ nữa để nhường cho lớp trẻ tiếp tục duy trì.

Đội văn nghệ bản Tông: Có những điệu múa say đắm lòng người  - Ảnh 2.

Đội văn nghệ bản Tông luôn là hạt nhân nòng cốt và đạt nhiều giải cao trong các đợt hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng các cấp. Ảnh: Hà Vân.

Theo bà Ỏn, trong suốt thời gian ở Đội văn nghệ bà cũng không nhớ đã đi tham gia biểu diễn văn nghệ từ Nam ra Bắc và cả nước ngoài bao nhiêu lần nữa. Nhưng đều nhớ nhất trong cuộc đời của bà đó là được bạn bè, du khách trên khắp mọi miền đất nước đánh giá cao và ấn tượng sâu sắc về những điệu múa của đồng bào dân tộc Thái Sơn La.

Đội văn nghệ bản Tông: Có những điệu múa say đắm lòng người  - Ảnh 3.

Để kế thừa và duy trì phong trào văn nghệ của bản, các thành viên trong đội văn nghệ còn tuyên truyền vận động, chú trọng bồi dưỡng nhân tố kế cận tham gia. Ảnh: Hà Kim.

“Thế hệ chúng tôi trước đây cuộc sống khó khăn lắm, những thành viên trong Đội văn nghệ vốn quen với việc đồng áng nên cũng khá bận rộn. Mỗi lần có Hội thi biểu diễn văn nghệ quần chúng hay ngày lễ, tết… để huy động mọi thành viên đi tập luyện tôi phải đến từng gia đình của các thành viên vận động cũng như giải thích cho người thân các thành viên hiểu về mục đích, ý nghĩa khi tham gia biểu diễn văn nghệ. Bên cạnh đó, ngoài những điệu múa truyền thống của dân tộc Thái để tập hát được những bài hát mang chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước chúng tôi chỉ nghe qua đài phát thanh thôi”- bà Ỏn cho hay.

Qua các chương trình nghệ thuật văn nghệ do những diễn viên quần chúng của Đội văn nghệ bản Tông thể hiện mọi người biết đến mảnh đất và con người Sơn La, tạo nên ấn tượng riêng. Những lời ca tiếng hát, điệu múa của Đội văn nghệ bản Tông luôn gần gũi với đời sống, mộc mạc, mang đậm bản sắc dân tộc đã gây dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của quần chúng nhân dân.

Đội văn nghệ bản Tông có lớp kế cận xứng đáng đầy tiềm năng

Chị Hà Thị Kim, Đội trưởng Đội văn nghệ bản Tông, cho biết: Tôi là người tiếp nối và được tín nhiệm bầu giữ chức Đội trưởng Đội văn nghệ của bản. Hiện nay, Đội văn nghệ có 13 thành viên, trong đó, có 11 nữ, 2 nam. Đây đều là những diễn viên quần chúng không chuyên nhưng họ luôn đam mê văn hóa, văn nghệ. Đội văn nghệ của bản đã tham gia Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Đà Nẵng, TP HCM, hội thi khu vực Tây Bắc... để lại nhiều ấn tượng với ban tổ chức và người xem. Đặc biệt trong các cuộc thi văn nghệ quần chúng do thành phố, tỉnh Sơn La tổ chức đều đạt giải cao.

Các thành viên của Đội văn nghệ bản Tông hiện cũng đang là những hạt nhân quan trọng của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Sơn La, với những bài hát dân ca dân tộc Thái cùng những bài múa khăn, múa nón, múa quạt hay những điệu xòe cổ như muốn xoay nghiêng trời đất làm say lòng du khách, để rồi sau đó họ cùng nhau tay trong tay trong nhịp xòe đoàn kết, bên ánh lửa bập bùng như muốn níu giữ chân du khách ở lại lâu hơn.

Đội văn nghệ bản Tông: Có những điệu múa say đắm lòng người  - Ảnh 4.

Những chàng trai, cô gái tham gia vào đội văn nghệ bản không những được thoải mái tinh thần, thỏa niềm đam mê múa hát, có thêm thu nhập và cùng nhau chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, mà còn được gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè ở các tỉnh bạn. Ảnh: Hà Vân.

Từ phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của bản Tông đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản không nghe theo kẻ xấu, luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Đồng thời, cổ vũ, động viên mọi người hăng hái thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Chị Hà Thị Vân, thành viên Đội văn nghệ bản Tông, chia sẻ: Năm 2017, tôi tham gia đội văn nghệ của bản, với chúng tôi được góp một phần công sức trong việc bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình, tôi tự hào lắm. Bên cạnh đó, mỗi lần tôi tham gia cùng đội văn nghệ đi biểu diễn trong và ngoài tỉnh chúng tôi đã được giao lưu, học hỏi văn hóa giữa các vùng miền. Từ đó, giúp chúng tôi có những điệu múa mềm mại, đẹp hơn.

Đội văn nghệ bản Tông: Có những điệu múa say đắm lòng người  - Ảnh 5.

Những điệu múa mền mại, uyển chuyển của những cô gái Thái Đội văn nghệ bản Tông đã tạo sức hút cho du khách mỗi lần đến với vùng đất Sơn La. Ảnh: Hà Vân.

Du khách đến với miền đất hứa thành phố Sơn La không chỉ được chìm đắm trong điệu múa, giọng ca của những cô gái Thái của Đội văn nghệ bản Tông như một món ăn văn hóa tinh thần mà còn được thưởng thức ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái. Như mọi người hay nói vui "Sơn La cao, Sơn La thấp" đã tạo nên ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách mỗi khi về với bà con bản Tông.

Những người phụ nữ Thái không chỉ múa hay, hát giỏi, các thành viên trong Đội văn nghệ còn là những đầu bếp khéo léo trong việc chế biến những món ẩm thực của người Thái và giới thiệu với du khách như: Pà pỉng tộp (cá nướng), khảu lam (cơm lam), nhứa giảng (thịt trâu hun khói)... được làm rất kỳ công từ khâu chọn thực phẩm, chế biến, ướp gia vị cho đến khi món ăn được bày ra bàn tiệc, khiến người ăn nhớ mãi không quên.

Đội văn nghệ bản Tông: Có những điệu múa say đắm lòng người  - Ảnh 6.

Đội văn nghệ bản Tông, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, lưu giữ, bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương. Ảnh: Hà Kim.

Chị Hà Thị Kim, cho biết thêm: Trước đây, mọi du khách đến Sơn La đều đến bản Tông để vừa xem Đội văn nghệ biểu diễn vừa thưởng thức ẩm thực do chính các chị em trong bản nấu. Nhưng sau một thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19 lượng khách cũng giảm hẳn. Hiện tại Đội văn nghệ cũng thường xuyên được mời đi biểu diễn ở các nhà hàng, các đám cưới... Những điệu múa chủ yếu là của 12 dân tộc anh em của Sơn La, như múa xòe Thái, gieo hạt của dân tộc Xinh Mun và điệu múa "Ong eo - múa lắc eo" của dân tộc Khơ Mú...

Trong đời sống thường nhật, văn nghệ quần chúng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La. Những đội văn nghệ tại các tổ, bản, tiểu khu được thành lập đã khai thác những giá trị văn hóa truyền thống phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem