Kiểm tra tình hình sinh trưởng của kiệu
Kiệu được trồng từ tháng 7 âm lịch đến tháng 12 âm lịch là thu hoạch phục vụ nhu cầu thực phẩm tết. Với gần 10ha đất được bà con địa phương sử dụng để trồng kiệu, đem lại thu nhập chính cho người dân địa phương vào dịp tết. Ngoài ra, còn tạo điều kiện cho hàng trăm lao động nữ lúc nông nhàn có thêm thu nhập khi năm hết tết đến.
Gia đình anh Lĩnh, chị Thuần - một trong những hộ trồng kiệu lâu năm và có diện tích trồng lớn trong xã chia sẻ: Khoảng 5 năm đầu gia đình chỉ trồng diện tích ít. Nhưng sau đó anh nhận thấy kiệu là loại cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, ít phải đầu tư, nhanh cho thu hoạch và đem lại giá trị kinh tế khá cao nên 3 năm nay mở rộng diện tích trồng lên gần 7 sào.
Để có được một mùa kiệu bội thu, theo anh Lĩnh, ngoài điều kiện đất đai người trồng phải chú trọng 2 yếu tố cơ bản, đó là nguồn giống và cách chăm sóc. Giống phải chọn củ chắc, đều đặn, không to, không nhỏ. Khâu đầu tư chăm sóc cho cây phải đặc biệt chú ý, bởi lẽ "công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn".
Đất trồng kiệu phải được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, bón đủ lượng phân lót rồi lên luống rộng 0,8 - 1m, cao 25 - 30cm, rãnh rộng 30cm. Kỹ thuật trồng kiệu cũng khá đơn giản. Dùng một đoạn thân gỗ, tre có đường kính 2 - 3cm chọc lỗ rồi đặt củ giống xuống sâu 5 - 6cm.
Có thể trồng thành các hàng dọc hoặc hàng ngang trên mặt luống với khoảng cách hàng 20 - 25cm, cây cách cây 10 - 12cm. Không được lấp đất vào lỗ mà chỉ rải một lớp đất mỏng trên mặt luống rồi dùng rơm rạ phủ kín và tưới nước đủ ấm.
Người trồng phải thường xuyên làm sạch cỏ trên mặt luống, tưới đủ ẩm cho kiệu mọc nhanh và khoẻ, củ to. Khi trồng một tháng, tiến hành dỡ rơm rạ ra rồi xới xáo, vun gốc kết hợp với bón phân thúc cho kiệu, sau đó phủ rạ trở lại như cũ nhằm hạn chế cỏ dại mọc, vừa giữ cho đất tơi xốp giúp cho kiệu đẻ nhánh và hình thành củ dễ dàng.
Ngoài lượng phân bón lót cần phải bón thúc cho kiệu 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 12 - 15 ngày, bằng cách hoà nước tưới vào gốc hoặc kết hợp làm cỏ, rắc phân giữa các hàng rồi vun gốc.
Anh Trần Văn Hánh là một chủ hộ trồng kiệu đạt năng suất cao, vui mừng nói: Trồng kiệu bán được cả củ và lá, lại có thương lái thu mua tận nơi nên bà con ở đây năm nào cũng trồng, diện tích ngày càng nhiều. Giá bán dao động từ 13.000 - 15.000 đ/kg, dịp giáp tết có khi bán được 25.000 đ/kg đối với kiệu loại 1 có củ đều, đẹp, to. Bình quân mỗi sào thu được từ 14 - 15 triệu đồng.
Ông Trần Xuân Lộc, trưởng thôn Đồng Trụ Đông tự hào nói: “Kiệu là cây trồng truyền thống của người dân nơi đây. Nhà ông có 3 đời trồng loại cây này. Trong thôn, nhà nào cũng trồng kiệu (nhiều thì 5 - 7 sào, ít thì vài chục mét vuông). Cây kiệu đã trở thành hàng hoá, người dân quý trọng chăm chút. Tuy số tiền thu từ cây kiệu không nhiều nhưng cũng giúp họ đủ trang trải mua sắm cho ngày tết và lo được một phần học phí cho con cái”.
Anh Trần Văn Nhẫn, cán bộ khuyến nông xã Kỳ Đồng chia sẻ: “Với mục đích tập hợp nông dân theo hướng sản xuất tập trung và hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, vừa qua Hội Nông dân xã đã ra mắt thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng kiệu và rau màu Đồng Trụ Đông”.
Tổ hội có 18 thành viên, chủ yếu trồng kiệu và các loại rau màu khác với phương châm cùng nhau học tập trao đổi kinh nghiệm và đồng bộ trong chăm sóc, sản xuất. Việc thành lập tổ hội đã giúp bà con trong thôn ổn định về đầu ra sản phẩm, yên tâm sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và hướng tới tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm kiệu Đồng Trụ Đông".
Thanh Hà (NNVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.