Đồng bằng sông Cửu Long: Mặn bao vây ruộng đồng

Thứ sáu, ngày 18/02/2011 11:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nông dân nhiều địa phương ở ĐBSCL đang đối mặt nỗi lo mặn xâm ngập và hạn hán! Ngành nông nghiệp đang ráo riết tập trung cho công tác phòng chống mặn, cứu lúa và hoa màu.
Bình luận 0

Ở Sóc Trăng, tính đến ngày 17.2, đã có gần 60ha lúa xuân hè ở huyện Long Phú bị thiệt hại do ảnh hưởng mặn xâm nhập. Độ mặn tại nhiều vùng mà Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh đo được vào trung tuần tháng 2.2011 khá cao.

Như tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, độ mặn đo được là 6,3‰, cao hơn cùng kỳ từ 3-6‰; trên sông Mỹ Thanh độ mặn đã lên 4‰, cao hơn cùng kỳ 0,8-1‰. Và ngay tại TP. Sóc Trăng, trên kênh Maspero, độ mặn đo được cũng là 3‰. Ông Dương Quốc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Độ mặn được các nơi đo được đều tăng hơn gấp đôi cùng kỳ".

Còn ở Bến Tre, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, so với năm ngoái thì nước mặn năm nay xâm nhập sớm hơn một tháng. Những ngày vừa qua triều cường đã đẩy mực nước mặn 4‰ vào các con sông lớn ở địa phương cách cửa sông khoảng 35 km. Dự báo năm nay, nước mặn sẽ tràn vào hệ thống sông rạch cách cửa sông 70km, sâu hơn các năm trước 20km.

Tại Hậu Giang, theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, hiện nay một số xã của huyện Long Mỹ, Vị Thủy, TP. Vị Thanh đã bắt đầu bị nhiễm mặn với nồng độ mặn đo được ở các kênh từ 0,5 đến 0,6‰. Trong đó, độ mặn cao nhất là ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ vừa đo được là 2,8‰.

Ở Long An, theo ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT, năm 2010 vùng Đồng Tháp Mười lũ về muộn, thấp so với năm 2009. Và hồi khoảng tháng 11.2010, mưa nhiều, tập trung trên diện rộng và kéo dài trong nhiều ngày khiến việc gieo sạ ở nhiều địa phương bị chậm hơn mọi năm. Vì vậy, cuối vụ đông xuân này sẽ thiếu nước ngọt do hạn ở vùng thượng nguồn và mặn xâm nhập sâu hơn ở vùng hạ…

Theo dự báo tình hình nước mặn năm nay sẽ diễn ra gay gắt và kéo dài hơn các năm trước, cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: "Năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước lũ thấp nên tình hình hạn mặn rất gay gắt. Nước mặn chắc chắn sẽ thâm nhập sâu vào nội đồng ảnh hưởng đến sản xuất lúa của bà con".

Ngành thủy lợi hiện đang khuyến cáo nhân dân trữ nước ngọt trong các ao, hồ và bằng các phương tiện sẵn có đảm bảo đủ nước ngọt sinh hoạt trong thời gian mặn xâm nhập. Theo ông Đức, vấn đề đáng lo nhất hiện nay là tình trạng thiếu điện để bơm tưới. "Tôi cho rằng cần phải ưu tiên điện sản xuất cho nhà nông. Đối phó với tình trạng hạn mặn sắp tới nếu các trạm bơm mà thiếu điện thì hậu quả sẽ rất lớn" - ông Đức nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem