Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗi lo mía đắng

Thứ sáu, ngày 24/02/2012 12:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giá nhân công, giá gốc, vật tư nông nghiệp... đều tăng từ 30 – 50% so với năm ngoái trong khi hệ thống đê ngăn lũ vẫn chưa hoàn thiện khiến bà con trồng mía ở ĐBSCL lo phải tiếp tục “ngậm” mía đắng trong vụ mới này.
Bình luận 0

Chi phí tăng cao

Bà Nguyễn Thị Đậu (ấp Tân Phước A 1, xã Long Hùng, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) cho biết, gia đình bà có 4 công đất trồng mía. Năm rồi, thu hoạch xong, sau khi trừ các chi phí như mía gốc, phân bón, thuốc trừ sâu… bà còn dư được 8 triệu đồng. Tuy nhiên, bước vào vụ mới, nhiều chi phí tăng cao khiến bà lo sẽ khó thu được mức lãi như năm trước.

img
Bà Nguyễn Thị Đậu chăm sóc ruộng mía hơn 1 tháng tuổi.

Bà Đậu cho biết, ngay từ đầu vụ, chỉ riêng giá nhân công đào hộc đã tăng từ 30 – 50%. Theo đó, nếu vụ trước, tiền công đào hộc chỉ khoảng 3.000/hộc có chiều dài gần 6m thì nay nông dân phải chi từ 4.000 – 5.000 đồng/hộc. Trung bình, nông dân tốn 7 – 10 triệu đồng/ha cho việc thuê nhân công đào hộc.

Bên cạnh ruộng mía nhà bà Đậu, ông Châu Minh Hồ cũng đang dốc sức chăm sóc ruộng mía giống ROC 13 với hy vọng thu tăng năng suất, bù vào phần chi phí cao trong vụ năm nay. Ông Hồ cho biết, giá mía giống năm nay vẫn “treo” ở mức cao, từ 1,7 – 1,9 triệu đồng/tấn khiến ông băn khoăn, muốn tìm cây trồng khác thay thế. Tuy nhiên, do đất ở đây dễ ngập nước trong mùa lũ, phèn nhiều, khó canh tác nên ông Hồ cũng chỉ biết bám vào cây mía.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phụng (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cũng cho biết, những năm trước, gia đình ông thu hoạch mía xong còn có thể xuống giống một vụ lúa liếp. Tuy nhiên, năm rồi do lũ lớn, nước ngập sâu, việc xuống giống lúa không thực hiện được, gia đình ông ngoài việc phải bán mía giá thấp còn mất thêm một khoản thu từ vụ lúa này.

“Cái gì cũng tăng nên tôi không phun thuốc mà huy động cả 6 nhân khẩu trong gia đình ra làm cỏ để giảm bớt chi phí. Mình làm nông chủ yếu lấy công làm lời” -ông Phụng tâm sự.

Lo chống ngập úng

Thời điểm này, nông dân trồng mía khu vực ĐBSCL đã cơ bản hoàn thành việc xuống mía giống. Tuy nhiên, bà con vẫn lo một vụ mía không suôn sẻ khi hệ thống đê bao chống ngập trong khu vực chưa đảm bảo.

Ông Châu Minh Hồ cho biết, để tránh nguy cơ mía bị ngập trong mùa lũ sắp tới, năm nay không chỉ ông mà bà con xung quanh vùng đều chọn các giống mía ngắn ngày để trồng, chủ yếu là ROC 13, ROC 16. Đây là những giống mía của Trung Quốc, chín sớm, có chữ đường cao, được trồng trên 80% diện tích mía toàn vùng.

Ngoài ra, năm nay ông Hồ cũng không ký hợp đồng bao tiêu với các nhà máy đường như những năm trước. “Năm ngoái ký hợp đồng bao tiêu nhưng vào chính vụ nhà máy không sắp lịch kịp, mía ngập chết hơn nửa ruộng, năng suất mía giảm, chữ đường cũng giảm” - ông Hồ nói.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2011 – 2012, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội cam kết thu mua mía đảm bảo cho nông dân có lãi ít nhất 30 triệu đồng/ha, giá thu mua bảo hiểm ở mức 900 đồng/kg. Ngoài ra, doanh nghiệp mua mía theo chất lượng, không mua mía xô, bao tạp chất…

Trước những lo lắng của nông dân, ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT Hậu Giang cho biết, tỉnh đang xúc tiến triển khai dự án đê bao khép kín, ngăn lũ cho khoảng 5.000ha đất trồng mía tại Phụng Hiệp. Dự khiến, công trình sẽ được khởi công vào đầu tháng 3 và kết thúc trước mùa lũ năm nay.

“Sau khi hoàn thành, công trình sẽ giúp người dân chủ động nguồn nước, góp phần giúp vùng mía nguyên liệu lớn này phát triển bền vững. Tuy vậy, vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp vẫn còn nhiều khu vực có nguy cơ bị ngập lũ cao, đe dọa tới sản xuất của bà con nông dân” - ông Đồng lo lắng.

Ngoài ra, để chống ngập cho mía, Công ty CP Mía đường Cần Thơ đầu tư hơn 100 chiếc máy bơm hút nước cho các hộ trồng mía trong khu vực dễ bị ngập lụt. Với những hoạt động này, người trồng mía các tỉnh ĐBSCL hy vọng sẽ có mùa mía ngọt trong năm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem