Đồng bằng sông cửu long: Tranh mua mía nguyên liệu

Thứ bảy, ngày 30/10/2010 08:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những ngày qua, nông dân trồng mía ở các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang... bắt đầu vào vụ thu hoạch thì cũng là lúc các thương lái ùn ùn đổ về tranh mua với các nhà máy đã ký hợp đồng với dân.
Bình luận 0
img
Nông dân huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang thu hoạch mía (chụp ngày 28-10). Ảnh: h\Hoàng Mai

Thương lái hớt tay trên

Tại vùng mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang mấy ngày qua xảy ra tình trạng “bát nháo” giữa các thương lái tranh mua với những nhà máy đã ký hợp đồng với nông dân. Đáng báo động là Nhà máy đường NIVL- Ấn Độ (ở Long An, 100% vốn nước ngoài) đã “thả” nhiều thương lái xuống mua mía làm cho tình hình thêm rối...

Theo ghi nhận của NTNN, tại vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp mỗi ngày nông dân thu hoạch khoảng 12.000 tấn. Tuy nhiên 2 nhà máy đường của Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) đã xây dựng vùng nguyên liệu chỉ thu mua được khoảng 4.500 tấn và hoạt động chưa hết công suất.

img Việc cạnh tranh không lành mạnh sẽ làm xấu đi tập quán sản xuất mía, cách mua mía của nông dân và các nhà máy trong vùng. Sắp tới hiệp hội sẽ có những biện pháp liên kết, bảo vệ quyền lợi các thành viên để giữ vững vùng nguyên liệu… img

Ông Nguyễn Thành Long-Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam

Lượng mía còn lại khoảng 7.500 tấn được các thương lái thu mua, vận chuyển về nhà máy đường ở Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh… Trong khi 9 nhà máy đường thuộc Hiệp hội Mía đường Việt Nam mua đúng theo nguyên tắc “chia sẻ” vùng nguyên liệu ở mức giá sàn mía 9 chữ đường (CCS) tại Nhà máy đường Phụng Hiệp là 1.100 đồng/kg thì Nhà máy NIVL - Ấn Độ lại mua mía xô, mua mía kém chất lượng với giá cao hơn.

Ông Võ Văn Sơn- Phó Tổng Giám đốc CASUCO cho biết: “Do địa bàn ở ĐBSCL có nhiều kênh rạch nên những ngày qua cả trăm thương lái đi mua mía khắp nơi mà không ai quản lý được”.

Theo thống kê mỗi ngày chỉ riêng vùng nguyên liệu mía Phụng Hiệp, thương lái mua mía chở về Nhà máy đường NIVL - Ấn Độ khoảng 2.500 tấn mà không tốn bất cứ chi phí nào để đầu tư vào vùng nguyên liệu. Lúc đầu vụ, trong cuộc họp với các nhà máy đường trong khu vực tại Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc Nhà máy NIVL cho rằng: “Nhà máy sẽ không mua mía non, không phá giá khi đến “chia sẻ” với vùng nguyên liệu của nhà máy khác…”.

Tuy nhiên, những ngày qua thương lái của nhà máy đường này đến tận rẫy mía của dân mua mía xô, mía non, mía có tạp chất không cần đo chữ đường với giá từ 1.150 đồng đến 1.200 đồng/kg.

img
 

Sẽ khó khăn cho những vụ mía sau

Việc cạnh tranh không lành mạnh của NIVL - Ấn Độ làm cho giá mía trong vùng liên tục tăng. Và điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho việc xây dựng vùng mía nguyên liệu ở những vụ kế tiếp. Ông Võ Văn Sơn – Phó Tổng Giám đốc CASUCO cho rằng: “Việc làm như thế chỉ đem cái lợi trước mắt cho nông dân nhưng về lâu và dài sẽ không có lợi cho ngành mía đường và cả nông dân.

Ngành nông nghiệp, Hiệp hội Mía đường cần có giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này…”. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho rằng: “Để tránh tình trạng này thì các ngành, các cấp cần có giải pháp thật quyết liệt.

Về lâu về dài các nhà máy ngoài tỉnh muốn thu mua nguyên liệu trong tỉnh thì phải đăng ký và phải có chính sách đầu tư, bao tiêu trong vùng nguyên liệu để tránh tình trạng nhà máy trong tỉnh đầu tư, nhà máy ngoài tỉnh thâu tóm nguyên liệu như hiện nay”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem