Dòng chảy Biển Đông trong gia tộc họ Hồ

Đinh Nam Chủ nhật, ngày 29/01/2017 07:45 AM (GMT+7)
Cha truyền con nối, lớp lớp ngư dân miền Trung vẫn tiếp bước ra Biển Đông để mưu sinh và giữ gìn cương thổ. Hơn cả quyết tâm, họ nguyện gửi tính mạng mình cho con sóng…
Bình luận 0

Cha truyền con nối

Ông cố nội họ Hồ làm thuyền trưởng, rồi đến đời ông nội là tài công, khi thuyền trưởng Hồ Văn Lời (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) giải nghệ, ông truyền nghề biển cho 2 con trai Minh và Tân.

img

  Thuyền trưởng Hồ Văn Minh và con tàu ĐNA 90106 đang sửa chữa để ra khơi.   Ảnh: B.L

Hồ Văn Lời khi 10 tuổi đã lên tàu nấu ăn, học hết ngón nghề làm thuyền trưởng từ cha. Đến tuổi thanh niên, ông đi bộ đội, xuất ngũ lại trở về với biển. Trong lớp thuyền trưởng U70 ở Đà Nẵng bây giờ, ông Lời có lẽ là người mãn nguyện nhất khi có 2 con trai nối nghiệp. Nhà ông Lời, trong mọi sinh hoạt, từ bữa ăn, hội họp..., câu chuyện luôn xoay quanh biển cả. Thật đơn giản, biển là dòng chảy trôi qua từ thế hệ này đến thế hệ khác trong gia tộc họ Hồ.

Con tàu đầu tiên của gia đình ông là ĐNA 1142, chỉ với 33CV nhưng giúp cả một đại gia đình đi từ nghèo khó lên tầng lớp trung lưu tận bây giờ. Ông Lời nói, làm nghề biển mà không nợ nần ngân hàng, đủ sống, đủ sức giữ nghề, trả lương bạn thuyền là điều ông kiêu hãnh nhất.

Ông Hồ Văn Lời có 5 người con, 1 cô con gái và 2 con trai - một cả, một út cùng làm hậu cần nghề biển trên bờ. Còn lại, Hồ Văn Minh (1975) và Hồ Văn Tân (1977) cầm chịch 2 con tàu ra khơi. Từ đời ông nội đến nay, đại gia đình họ Hồ một lòng trung thành với lưới cản, chưa bao giờ bỏ qua nghề khác có thể trúng mánh hơn như câu mực, giã cào, lưới vây, chứ chưa nói đến chuyện bán tàu, bỏ nghề. Từ còn tàu ĐNA 1142 nhỏ bé 33CV, dần dần gia đình ông Lời nâng đời, sắm được cặp tàu 410CV/chiếc, giao cho hai anh em Minh - Tân. Thuyền trường Hồ Văn Minh (tàu ĐNA 90106), giải thích: Trong mấy nghề biển, lưới cản là nghề ổn định nhất, một năm thường đi hơn 10 chuyến, trung bình một chuyến thu 7 – 10 tấn, không lời nhiều nhưng luôn có. Còn lưới vây hoặc giã cào, câu mực, trúng thì lớn, nhưng lỗ cũng tới nơi luôn. Làm lưới cản xác định tính kiên trì, dẫu nguy hiểm cũng bội phần”.

Tàu anh Minh vừa trở về bờ sau chuyến biển không may mắn. Khi trú tránh gió mùa ở Hoàng Sa, tàu ĐNA 90106 bị va bãi cạn, hư hỏng nặng. “Đó là một bài học nhớ đời, đáng lẽ mình phải là người cầm lái, nhưng lúc đó buồn ngủ quá, nhờ lái phụ cầm giúp, xảy ra chuyện liền” – anh Minh kể. Tàu bị nạn, anh Minh lập tức bỏ 350 triệu đầu tư nâng cấp máy, tân trang lại toàn bộ để tiếp tục những chuyến biển dài.

img

Thuyền trưởng Hồ Văn Tân.  Ảnh: B.L

Trẻ nhưng can trường

Hồ Văn Tân (1977) là một trong những thuyền trưởng trẻ của Đà Nẵng. Trẻ nhưng bản lĩnh tuyệt vời.

Cận dịp cuối năm, Hồ Văn Tân cùng 11 thuyền viên trên tàu ĐNA 90341 chuẩn bị nhổ neo rời biển Xuân Hà, thẳng tiến ngư trường Hoàng Sa. 11 thuyền viên có người trẻ, người bằng tuổi Tân, nhưng đa phần lớn hơn anh, vậy mà ai nấy răm rắp nghe sự sắp đặt của Tân. Thấy tôi thắc mắc khi Tân đang lúi húi sửa lại bình ắc quy, anh thủng thẳng: “Làm thuyền trưởng cái chi cũng phải biết, không biết thì gắng mà học. Máy móc toàn tiếng Tây, tiếng Tàu, tui một chữ bẻ đôi không biết, nhưng khoản sửa máy, mấy ông kỹ sư đôi khi còn theo không kịp”.

Hồ Văn Tân - thuyền trưởng trẻ tuổi nhất Đà Nẵng từng bỏ nghiệp biển, cãi lời cha, bỏ lên Tây Nguyên trồng cà phê, rồi quay về Đà Nẵng làm thợ tiện. Cuối cùng anh vẫn không dứt bỏ được nghiệp đi biển. Bởi đó là nghiệp của gia tộc - mà anh là một thành viên...

Tân học hết lớp 7 thì nghỉ bởi quá nghèo, 14 tuổi theo cha lên thuyền, 23 tuổi được chính thức chỉ huy con tàu ĐNA 90341. Tân kể từ ngày bỏ học lên tàu phụ việc, anh được cha cầm tay chỉ việc, phân tích từng hướng gió, ngửi được… mùi bão. Theo anh, kinh nghiệm mấy chục năm đương đầu với sóng gió đem lại cho anh một giác quan thứ 6 – đó là những dự cảm hiểm nguy. “Có nhiều khi mình quyết mà không hiểu được, chỉ tin vào cảm giác, may mắn toàn đúng cả”.

Anh Tân còn nhớ kỷ niệm như in vào năm 2006, về một cơn bão mạnh trên Biển Đông. Hồi đó phương tiện liên lạc không hiện đại như bây giờ, tất cả đều nhờ vào kinh nghiệm. Anh kể: “Bão đi từ hướng Philippines theo hướng Tây - Bắc, loằng ngoằng ở Biển Đông, nhiều người sợ xảy ra một Chan Chu thứ 2. Tôi vẫn quyết rời nơi trú tránh, ra vùng bão vừa đi qua. Lúc đó nhiều người lớn tuổi trên tàu không tin vào quyết định của tôi... Chuyến đó trúng lớn, dù hơi mạo hiểm”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem