Đồng Nai sẽ xử lý hình sự việc đưa heo bị dịch tả vào lò mổ

Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 27/05/2019 18:06 PM (GMT+7)
Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai cho biết sẽ nghiên cứu các quy định để hình sự hóa việc giết mổ lậu đối với lợn bệnh nếu hành vi làm lây lan dịch bệnh gây nguy hại cho thị trường và xã hội.
Bình luận 0

Ông Trần Văn Quang, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết cùng với việc sử dụng thức ăn thừa, hành vi giết mổ lậu là nguyên nhân chính làm xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Theo thống kê, từ tháng 4/2019 đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 10 cơ sở giết mổ lợn trái phép, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn hàng tấn thịt heo bẩn tràn ra thị trường.

img

Một cơ sở giết mổ lợn lậu bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý. Ảnh: Trọng Hiếu

Hầu hết các vụ bắt quả tang các lò mổ lợn lậu đều được thực hiện từ 12 giờ đêm đến rạng sáng hôm sau. Các cơ sở này được ngụy trang, che chắn kỹ trong các khu dân cư đông đúc. Công tác trinh sát để bắt quả tang các cơ sở giết mổ lợn lậu vì thế không đơn giản.

Việc kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng không thể thực hiện liên tục, thường xuyên. Nhiều đối tượng đã lợi dụng lúc đoàn kiểm tra xong lại tiếp tục vi phạm.

Để ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng này cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền cấp huyện, xã cùng với các cơ quan chức năng. Khi chính quyền địa phương thực sự phát huy vai trò của mình thì các lò mổ lậu sẽ rất khó tồn tại, góp phần ngăn chặn dịch bệnh dễ dàng hơn.

Việc xử phạt hiện chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính cũng là nguyên nhân khiến tình trạng này chưa được xử lý triệt để vì tính răn đe chưa đủ mạnh. “Cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu các quy định để hình sự hóa việc này nếu xác định giết mổ lợn bệnh, lợn chết dẫn đến nguy cơ làm lây dịch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho thị trường và xã hội” - ông Quang nhấn mạnh.

img

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy số thịt lợn bị nhiễm DTLCP. Ảnh: Tố Tâm

Tính đến nay, Đồng Nai đã phát hiện có 9 xã ở 4 huyện dương tính với dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy hơn 2.100 con. Trong đó có 3 xã sau 30 ngày không xuất hiện ca bệnh mới. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết đang làm thủ tục để công bố hết dịch ở những xã này.

Tuy nhiên, Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi có tổng đàn lớn, mật độ chăn nuôi cao. Nếu không có giải pháp quyết liệt và linh động thì sẽ thiệt hại rất lớn. Tỉnh Đồng Nai kiến nghị nếu trong vùng dịch mà lợn an toàn vẫn cho lưu thông sau khi kiểm tra huyết thanh thấy âm tính với dịch.

Như tại xã Phước Thiền (huyện Trảng Bom), 1 con lợn nái bị dịch thì mấy chục ngàn con khác phải nằm lại trong chuồng. Không tiêu thụ được, lợn sẽ quá lứa, khó đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, lại tiếp tục gây ra nguy cơ nhiễm dịch.

img

Đồng Nai đang xây dựng dự thảo về việc giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ thịt sạch, an toàn trong vùng dịch nhằm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi. Ảnh: Nguyên Vỹ

Để giảm thiệt hại thì giải pháp vận chuyển tiêu thụ sản phẩm tươi, an toàn cùng với giết mổ cấp đông thịt đảm bảo đủ điều kiện cũng là giải pháp mà tỉnh này đang tính đến.

Chi phí giết mổ cấp đông có thể sẽ cao hơn chi phí nhập thịt đông lạnh về. Nhưng hiện tổng đàn còn nhiều, nếu không tính đến giải pháp này, khi dịch lan rộng, để xử lý hết thì thiệt hại có khi còn lớn hơn. Việc cấp đông thịt, một mặt góp phần giảm bớt mật độ đàn vừa giảm bớt thiệt hại do xử lý tiêu hủy và hỗ trợ số lượng lớn.

“Dù rất nỗ lực nhưng xem ra việc khống chế dịch còn nhiều khó khăn. Trước khi có giải pháp vaccine thì hiện nay tất cả các biện pháp đều mang tính thế”, ông Quang chia sẻ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem