Dòng sông quê và bến nước tuổi thơ

Bài, ảnh: Phúc Lộc Thứ ba, ngày 17/11/2015 06:03 AM (GMT+7)
Tuổi thơ của tôi đã từng gắn chặt với dòng sông, bến nước. Mỗi con kinh con rạch, mỗi ngọn xẻo dòng sông đối với tôi đều có sức quyến rũ diệu kỳ. Nhất là những lúc đi xa, dòng sông quê và bến nước tuổi thơ lại là nơi để thương, để nhớ và để hoài niệm.
Bình luận 0

Tự ngàn xưa, những con sông bao giờ cũng dịu hiền, êm ái, cần mẫn và chở che. Mỗi dòng sông quê và bến nước tuổi thơ đều để lại trong lòng chúng ta nhiều kỷ niệm vui buồn của một thời đã xa. Và chính những kỷ niệm đó đã theo ta suốt cả cuộc đời nầy.

Sau bao năm tháng xa quê, dù sống ở góc bể chân trời, ắt có ngày chúng ta cũng sẽ quay về đất mẹ, nơi có dòng sông quê, nước sông xanh mát lặng lờ trôi để tìm lại chút dư vị của những năm tháng đầu đời.            

Ai đã đi xa mà không nhớ, không bồi hồi vì mỗi dòng sông, mỗi con kinh, con rạch đều gắn liền với những sự tích ly kỳ như sông Ông Đốc, sông Đầm Dơi, rạch Cái Tàu ỏ Cà Mau); kinh Vĩnh Tế (An Giang); rạch Tham Tướng (Cần Thơ)… chẳng hạn.

img

Có những dòng sông quê êm đềm và thơ mộng.

Dòng sông đã mang đến cho con người bao niềm ước mơ và hy vọng. Sông mang phù sa về tưới tắm cho những cánh đồng lúa xanh tươi, cho vườn cây thêm trĩu quả. Trong ký ức của tôi, dòng sông quê bao giờ cũng lượn lờ, ôm ấp như mẹ hiền. Vào những ngày hè oi ả, trẻ con tha hồ nhảy xuống nước ngâm mình một cách say mê thích thú. Vào những con nước rong, tôi thường theo ba tôi đi vãi chài. Còn mùa nước kém thì bọn trẻ lại rủ nhau đi xúc tép hoặc mò tôm, tát cá. Có những buổi chiều, tôi xách cái nồi đất xuống sông thả cho nổi lềnh bềnh, chị tôi hì hụp mò hến, được con nào cho vào nồi con nấy. Vậy mà chị tôi vẫn cười và mắng yêu “giỡn hoài, coi chừng chị đánh đòn đó!”. Cuộc sống thật hồn nhiên, êm ả giống như một bức tranh quê mộc mạc quá đỗi thân thương.           

Bây giờ lớn lên tôi mới hiểu chính những dòng sông quê và bến nước tuổi thơ đã nuôi dưỡng con người về thể chất cả tâm hồn. Mỗi khi nghĩ về tình yêu đôi lứa người ta hay mượn hình ảnh của dòng sông, bến nước, con đò để gợi lên niềm thương nỗi nhớ “Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”. Môi trường sông nước còn là cái nôi êm ái để cho các chàng trai cô gái giải bày, thề thốt, nhớ nhung.

Nếu như cây đa, giếng nước, sân đình là cái nôi của ca dao Bắc Bộ thì ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi dòng sông, bến nước, mỗi hàng dừa nghiêng bóng hoặc cây bần đều gắn liền với những câu ca, câu hát mượt mà đầy chất trữ tình lãng mạn: “Bần gie đóm đậu sáng ngời/ Lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên”. Cố nhà văn Sơn Nam sau khi rời khỏi vùng sông nước U Minh lúc nào cũng hướng về nơi chôn nhau cắt rốn:“Hơi vọng cổ những bờ tre bay vút. Điệu hò … ơ nước chảy chan hòa”.           

Ai cũng biết sông ngòi, ao rạch, kinh mương, suối nước có chức năng tưới tiêu, mang nguồn sống đến cho con người và điều hòa môi trường, vạn vật. Vậy mà giờ đây, con người lại đối xử tệ bạc với “bà mẹ nuôi sống mình”, khiến cho nhiều dòng sông phải oằn lưng gánh chịu vì ô nhiễm nặng nề. Nhiều bến nước xưa, thì nay chỉ còn trong ký ức.          

Cho dù thế nào, tôi vẫn yêu những dòng sông quê và bến nước tuổi thơ, yêu tiếng bìm bịp kêu nước lớn nước ròng, yêu màu hoa tím lục bình man mác lững lờ trôi, yêu những buổi chiều hoàng hôn ngồi trên xuồng câu nhìn chim trời sải cánh bay về tổ ấm.

img

Có những dòng sông suốt ngày cưu mang những chiếc ghe tàu ngược xuôi.

img

Những dòng sông luôn gắn liền với cuộc sống của ngư dân.

img

Một trong những con sông quê yên ả và thanh bình.

img

Cây cầu ký ức bắt ngang con sông quê thuở nào.                                                           

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem