Trợ lực cho nông dân mở rộng sản xuất
Gia đình chị Vũ Thị Hiền ở thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang, Hà Giang) là một trong những hộ đi đầu trong việc trồng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. “Cuộc sống khá giả của chúng tôi hôm nay cũng từ cây cam sành mà nên. Tuy thu nhập cao, nhưng việc trồng cam đòi hỏi phải có vốn đầu tư khá lớn. Diện tích trồng cam sành an toàn của gia đình tôi có được ngày hôm nay cũng nhờ nguồn vốn 50 triệu đồng của Quỹ HTND” - chị Hiền nói.
Mô hình trồng hoa lan, cây kiểng ở của nông dân thị xã Thủ Dầu Một có vốn Quỹ HTND tỉnh Bình Dương hỗ trợ đầu tư. Ảnh: Nguyễn Công
5 năm qua, với sự hỗ trợ vốn đầu tư từ Quỹ HTND, nhiều hộ có điều kiện về lao động, đất đai đã mạnh dạn vay vốn thêm từ các nguồn khác do Hội ND kết nối, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đã thành công trong việc vươn từ mức nghèo, trung bình lên khá, giàu, không ít hộ đã trở thành triệu phú.
Anh Lê Hoài Khanh ở xã Long Nguyên (huyện Bàu Bàng, Bình Dương) thổ lộ: “Năm 2013, nhà tôi còn chật vật lắm. Hội ND cho vay 30 triệu đồng Quỹ HTND rồi kêu tôi đầu tư nuôi chim bồ câu Pháp, gà thả vườn. Qua 3 năm gây dựng, nay tôi đã có trang trại nuôi bồ câu, nuôi gà thả vườn kết hợp trồng cao su. Hai năm nay, sau khi trừ chi phí, nhà tôi để dư ra được hơn 100 triệu đồng/năm”.
Gây dựng mô hình nông nghiệp hàng hóa
Giúp hội viên, nông dân về vốn đầu tư phát triển sản xuất chỉ là 1 trong nhiều mục tiêu mà Quỹ HTND hướng tới. Ý nghĩa nổi bật trong 5 năm qua mà Quỹ HTND đang từng bước phát huy là thông qua đồng vốn để xây dựng, hình thành các mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn.
Xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) là một trong những xã điển hình cả nước về xây dựng, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND. Hiện, nguồn Quỹ HTND trên địa bàn xã đạt 1,1 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn do Hội ND xã vận động từ ủng hộ là hơn 200 triệu đồng, còn lại là nguồn ủy thác của Hội ND cấp trên. Vốn Quỹ HTND không chỉ giúp Hội ND địa phương tham gia có hiệu quả trong công tác giảm nghèo mà còn trợ lực cho nhiều hộ trở nên khá giả.
Bà Lâm Thị Có - Phó Chủ tịch Hội ND xã này cho biết: “Không chỉ là trợ lực cho nông dân về vốn, Quỹ HTND còn là công cụ hữu hiệu giúp Hội ND tổ chức cho hội viên liên kết sản xuất. Chúng tôi đã thành lập tổ hợp tác nuôi ba ba xuất khẩu, nuôi cá lóc, nuôi bò sinh sản… Mô hình tổ hợp tác liên kết đã giúp công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Hội ND thuận lợi, tạo hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng mô hình sản xuất”.
Quỹ HTND tỉnh Hà Tĩnh hiện đạt quy mô gần 17 tỷ đồng. So với một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Dương, Vĩnh Phúc… con số này còn khiêm tốn. Nhưng mức tăng trưởng Quỹ HTND 5 năm qua đối với Hà Tĩnh là kết quả nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Hội ND các cấp.
Theo ông Trần Đình Gia- Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh, thông qua Quỹ HTND, Hội ND giúp nông dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, liên kết để phát triển nông nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao theo chuỗi sản phẩm. “Mỗi năm Hội thành lập được 20 tổ nhóm, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả. Các tổ hợp tác được Hội kết nối với các doanh nghiệp cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm…”- ông Trần Đình Gia cho biết.
Giúp nông dân hội nhập
'Quỹ HTND là công cụ, phương tiện hữu hiệu để Hội NDVN hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng, hình thành mô hình kinh tế tập thể, các hình thức liên kết trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền nông nghiệp hàng hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế”.
Ông Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN
|
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Xuân Thắng- Trưởng ban Điều hành Quỹ HTND (T.Ư Hội NDVN) cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện mô hình quản lý, điều hành, trong những năm gần đây, Quỹ HTND đổi mới căn bản về phương thức hỗ trợ vốn cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Thay vì cho vay theo hộ hay nhóm hộ nhỏ, lẻ với nhiều loại mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác nhau trong 1 nhóm thì nay Quỹ HTND chuyển sang cho vay theo mô hình dự án.
Nhóm hộ trong dự án sử dụng Quỹ HTND cùng sản xuất 1 mô hình trồng trọt hoặc chăn nuôi hướng tới quy mô nông nghiệp hàng hóa. Thông qua các mô hình, Hội ND các cấp hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết như tổ hợp tác, nhóm hộ trang trại, HTX.
Trong 5 năm qua, Quỹ HTND đã góp phần hình thành hàng ngàn mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, giúp hội viên, nông dân khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa từng vùng như đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng ven biển miền Trung, khu vực đồng bằng sông Hồng cho tới các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc…
Gắn kết nông dân với tổ chức hội
Tính đến nay, quy mô nguồn Quỹ HTND toàn TP. Hà Nội đạt hơn 480,4 tỷ đồng (tăng 336 tỷ đồng so với năm 2010). 5 năm qua, nguồn Quỹ HTND TP.Hà Nội đã giải ngân hơn 668,5 tỷ đồng cho 89.553 lượt hội viên ND vay vốn. Từ năm 2013, bên cạnh giải ngân cho vay theo hộ, Hội ND thành phố còn thực hiện cho vay theo dự án, mô hình nhóm hộ. Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 63 mô hình vay vốn Quỹ HTND phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó có 21 mô hình kinh tế tập thể.
Ông Trịnh Thế Khiết -Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội
Phát huy hiệu quả, tạo lòng tin
Quỹ HTND đã trở thành nguồn vốn xương sống để Hội ND hỗ trợ hội viên, ND phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu, xây dựng các mô hình kinh tế. Đồng vốn phát huy hiệu quả, bảo toàn vốn bền vững đã tạo được lòng tin của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, cá nhân cũng như của nhiều hội viên, ND. Tôi cho rằng, người dân tham gia đóng góp cho quỹ còn vì ý nghĩa nhân văn. Đó là, không chỉ đem lại lợi nhuận trước mắt mà còn giúp ND thay đổi cuộc sống lâu dài về sau. Gần đây, Quỹ HTND càng phát huy hiệu quả hơn nhờ kết hợp với việc dạy nghề cho lao động nông thôn của Hội ND.
Ông Nguyễn Thành - Chủ tịch Hội ND huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa
Mong tăng quy mô nguồn vốn quỹ
Tham gia dự án “Đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản cá nước lợ đảm bảo vệ sinh môi trường”, tôi được vay 20 triệu đồng vốn Quỹ HTND. Với số vốn này tôi đã mở rộng diện tích nuôi cá vược, cá song (từ 0,3ha lên 0,7ha). Tôi rất mong muốn, thời gian tới Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện để Quỹ HTND tăng quy mô nguồn vốn, để ND có tiền đầu tư chuyển đổi, liên kết sản xuất…
Ông Mai Mạnh Khởi - nông dân xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
Phương Đông - Thu Hà (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.