Dự án Cát Linh – Hà Đông: Trách nhiệm của Bộ GTVT đến đâu?

Vương Hà Thứ sáu, ngày 16/08/2019 10:10 AM (GMT+7)
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục chậm tiến độ, đội vốn, thất bại ở nhiều góc độ, từ kinh tế, xã hội đến dư luận mất niềm tin vào chủ đầu tư, và cũng là bài học đắt giá cho Dự án cao tốc Bắc Nam.
Bình luận 0

Mới đây, Bộ GTVT có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri TP Hà Nội về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thi công chậm trễ, đội vốn. Đây là lần đầu tiên Bộ GTVT có những đánh giá một cách tổng quan nhất về những nguyên nhân thất bại của dự án này trước dư luận.

Trong công văn này, cách đánh giá, nhận xét khá rõ ràng, tách bạch trách nhiệm từng khâu, trong đó có 7 nguyên nhân chủ quan và 5 nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, đánh giá của Bộ GTVT lại chưa lột tả được nguồn gốc sâu xa của vụ việc. Và có những nguyên nhân được coi là khách quan, nhưng đúng ra nó mang yếu tố chủ quan là chính. Đặc biệt, qua vụ việc này, Bộ GTVT phải nhận ra bài học rất quan trọng cho công tác chuẩn bị đấu thầu quốc tế đường cao tốc Bắc Nam.

img

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã trễ hẹn tới 8 lần.

Dư luận có thể nhất trí với đánh giá của Bộ GTVT về nguyên nhân chủ quan, ngoài trách nhiệm chính của Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (tổng thầu EPC), thì việc dự án này kéo dài miên man và đội vốn khủng có trách nhiệm rất lớn của Bộ GTVT. Cụ thể, nguyên nhân đầu tiên được Bộ GTVT đưa ra là “thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật”. Thông tin này khiến dư luận quá ngỡ ngàng. Một dự án quan trọng, nhạy cảm như vậy lại có thể “sơ sài”, chưa “lường hết” về công năng, kỹ thuật. Quả thật là không còn gì để nói với chủ đầu tư.

Hoặc như nguyên nhân “cách thức triển khai thực hiện dự án ở mỗi nước có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập hồ sơ thiết kế, hồ sơ nghiệm thu thanh toán”. Sự khác biệt giữa các nước là tất nhiên, nhưng chính vì vậy, nó cũng là điều phải khắc phục đầu tiên trong các hợp đồng kinh tế với nước ngoài. Vậy mà phải đến khi triển khai dự án, khi thanh quyết toán mới biết “sự khác biệt” thì không thể hình dung nổi.

img

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông vận hành thử toàn tuyến hôm 22/9/2018, đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.

Thậm chí, trong đó có cả nguyên nhân “các quy định và chế tài xử lý đối với hợp đồng EPC còn chưa đầy đủ”. Đến đây, dư luận mới hiểu phần nào, dù chậm tiến độ do những nguyên nhân từ phía Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, nhưng hầu như chúng ta chẳng thể phạt họ và phải chấp nhận "con rắn thô kệch khổng lồ" bò qua nhiều tuyến phố chính của Thủ đô hết ngày dài đến đêm thâu. Vậy kẽ hở pháp lý này là vô tình hay cố ý?

Nguyên nhân khách quan do Bộ GTVT đưa ra, trong đó có “do yếu tố khác biệt về quy định giữa hai quốc gia về các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong bước thiết kế, thi công và dự toán gây khó khăn trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện”. Về nội dung này, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Đây có thể coi là nguyên nhân khách quan được không?

Theo tôi, đây hoàn toàn là nguyên nhân chủ quan, mà chịu trách nhiệm chính là chủ đầu tư - Bộ GTVT. Bởi lẽ, cũng như phần trên đã trình bày, sự “khác biệt về quy định” giữa các quốc gia là chuyện tất nhiên. Nó tất nhiên giống như việc Bộ GTVT hiển nhiên phải thống nhất về sử dụng tiêu chuẩn, quy trình nào ngay trong đầu bài khi đấu thầu (hay chỉ định thầu) và trước khi đặt bút ký kết hợp đồng, những quy định này phải cụ thể, rõ ràng.

Nếu làm tròn trách nhiệm, chắc chắn nguyên nhân này không thể tồn tại và chúng ta hoàn toàn có thể phạt tổng thầu hoặc chấm dứt hợp đồng như Malaysia từng hủy nhiều dự án tỷ USD với Trung Quốc. Do đó, lỗi này hoàn toàn là lỗi chủ quan của Bộ GTVT – điều này cần làm rõ, không thể lảng tránh.

img

Thêm nữa, Bộ GTVT cho rằng, “sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5/2014 ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện dự án (mất hơn 1 năm hạn chế các hoạt động xây dựng của tổng thầu)”. Đây đúng là nguyên nhân khách quan mà cả chủ đầu tư lẫn tổng thầu Trung Quốc đều không thể hình dung nổi.

Với thông tin này, việc chuẩn bị đấu thầu quốc tế Dự án cao tốc Bắc Nam, trong đó các nhà thầu Trung Quốc (hoặc liên doanh với Việt Nam) tham gia ở tất cả các gói thầu, đặc biệt khả năng trúng thầu cao, khiến dư luận càng lo lắng. Do đó, cần đặt ra giả thiết,trong tình hình diễn biến cực kỳ phức tạp, khó lường ở bãi Tư Chính hiện nay, nếu các doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu những gói Dự án cao tốc Bắc Nam thì điều gì sẽ xảy ra? Nếu dự án đang diễn ra, vụ bãi Tư Chính hoặc vụ việc nào đó ở Biển Đông xảy ra, sẽ có thể lại dẫn đến dở dang, chậm tiến độ, đội vốn với hậu quả về kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia sẽ là khôn lường.

Đây là câu hỏi rất lớn mà Bộ GTVT phải đặt ra, phải giải bằng được trước khi tổ chức đấu thầu quốc tế Dự án cao tốc Bắc Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem