Dự cảm xuân của văn nghệ sĩ “bám trụ” miền Trung

Thứ bảy, ngày 09/02/2013 17:46 PM (GMT+7)
Dân Việt - Đủ tài năng và từng có ý định rời miền Trung để “đầu quân” Hà Nội, TP.HCM. Thế nhưng họ đã ở lại mảnh đất “đòn gánh” đất nước và khẳng định được chỗ đứng của mình. Rất nhiều dự cảm vào thềm Quý Tỵ…
Bình luận 0

Lê Văn Ngăn, sóng vẫn đập vào eo biển

Nhà thơ Lê Văn Ngăn (nguyên Phó chủ tịch Hội VHNT Bình Định, Hội viên Hội Nhà văn VN). Tác phẩm: “Sóng vẫn đập vào eo biển”, “Vào một thời in bóng”, “Trên đồng bằng”, “Viết dưới bóng quê nhà”,…

 img
 img
Nhà thơ Lê Văn Ngăn

“Giáp Tết, mình có về Huế để thăm mẹ già và cố hương. Dịp này, mình rất xúc động khi cùng anh em văn nghệ sĩ Huế tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày mất của nhà thơ, liệt sỹ Ngô Kha (1935-1973) và ra mắt tập sách "Ngô Kha, Hành trình thơ - Hành trình dấn thân và ngôi nhà vĩnh cửu" do Nhóm những người bạn Ngô Kha biên soạn.

Nhớ bạn bè và những dấu ấn tình yêu, trải nghiệm trong đời đang tạo cho mình nhiều trăn trở, chắt lọc. Bây giờ, quỹ thời gian đời mình không còn nhiều nhưng ý tưởng sáng tạo luôn là điều mãi mãi. Ở tuổi bảy mươi, xuân Quý Tỵ đang tạo cho mình một dòng cảm xúc rất lạ, rất đẹp về cuộc đời.

Từ lâu rồi, mình đã cho phép sống trọn những điều mình muốn và thi ca luôn là điểm đến bất tận của đời mình… Bởi khát vọng về những điều tốt đẹp luôn là chân lý cuối cùng của thi sĩ”.

Đào Minh Hiệp, khát vọng đổi đời

Dịch giả Đào Minh Hiệp (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên, Hội viên Hội Nhà văn VN). Người dịch nhiều phim, sách nổi tiếng như “Người giàu cũng khóc”, “Đức mẹ mặc áo choàng lông”, “Khát vọng đổi đời”,…

“Trong lịch sinh hoạt hàng ngày của tôi, một người đã nghỉ hưu, những ngày tết không có gì khác mấy so với ngày thường. Tôi cảm thấy hài lòng vì đã nghỉ hưu mà vẫn có công việc yêu thích để làm hàng ngày. Đối với những người đã có tuổi, tết nhứt là dịp để gia đình, họ hàng quây quần, thăm viếng lẫn nhau. Đây là một trong những yếu tố quan trong để duy trì và phát triển tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.

 img
 img
Dịch giả, nhà văn Đào Minh Hiệp

Nói dự định năm mới hay dự định tương lai, nghe có vẻ to tát quá. Như tôi đã tâm sự trong tập “Ký sự xứ người”, khi đã ở vào cái tuổi xế bóng, những gì làm được thì đã làm, những gì chưa làm được thì đã muộn. Vậy nên, nếu còn sung sức, cả về thể xác lẫn tinh thần, thì hoàn thành nốt những gì dở dang và tâm huyết là quý lắm rồi.

Tôi dự định sau tết sẽ hoàn thành xong tập tiểu thuyết dịch “Cuộc chiến đi qua” của nhà văn Nga Kanta Ibragimov khoảng 900 trang. Tác phẩm được trao Giải thưởng Quốc gia những năm gần đây và đang làm xôn xao dư luận bạn đọc Nga vì lần đầu tiên có một tác phẩm văn học mang tính sử thi về những người Hồi giáo ở Chechnya trong nước Nga vĩ đại với hàng chục dân tộc và tôn giáo khác nhau.

Tập sách đã được Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam và văn học Nga do nhà thơ Thúy Toàn làm giám đốc đưa vào kế hoạch xuất bản. Tháng 12.2012, nhà thơ Thúy Toàn đã trực tiếp gặp nhà văn Ibragimov và nhà xuất bản ở Moskva để thống nhất về quyền tác giả và số lượng in. Nếu không có gì thay đổi, tập sách sẽ ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2013.

Nguyễn Thanh Mừng, nhặt lên cắm lại…

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (Phó giám đốc Sở TTTT Bình Định). Tác phẩm: “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, “Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân”…

Mùa xuân là mùa của sự khởi đầu, nó là điểm nhấn tuần hoàn trong chu trình của tình yêu và cuộc sống. Càng có tuổi, tôi càng nhận thức về nguồn mạch sâu sắc hơn, và điều bất ngờ là càng như vậy càng thấm thía cái nghĩa lý ngọt ngào rằng Mùa Xuân khởi đầu cho mình bằng Nguyên đán của tình yêu, Nguyên đán của thơ ca.

Tết này, tôi viết hàng chục bài thơ và gửi đăng rải rác trên các báo trong Nam ngoài Bắc, và những dòng thơ đều tựa vào hơi ấm của khí dương xuân trong trời đất, trong lịch sử, ở một quê hương nhiều núi nhiều sông và chan hòa biển cả là miền Trung nước Việt. Ở đâu có mùa xuân, có nụ cười, có sự sum họp của gia đình, có niềm sẻ chia của bè bạn là ở đó có thiên đường.

 img
 img
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng

Trong thế giới các nhà thơ, chắc khó có ai nghĩ rằng tuổi trẻ chỉ giới hạn khi tuổi còn trẻ và mùa xuân chỉ giới hạn khi đang là ba tháng xuân. Nhưng mỗi người có cách cầm giữ mùa xuân khác nhau, đó như một bí ẩn thơm ngát khi ta biết lắng nghe từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim trong mỗi hừng đông của ngày, trong mỗi nguyên đán của năm.

Tôi có mấy vần tiễn mùa đông, khai bút trước giao thừa:

Bài lục bát Đại bàng núi: “Ngày xuân tóc đã hoa râm - về nghe thao thiết thâm trầm triền non- chập chùng chót vót chon von- một con người ngắm một con đại bàng- Quắp bờm bão dại mưa hoang- một đôi cánh cõng hợp tan đất trời- dìu cơn cuồng loạn tơi bời- chìm vào vũ điệu đầy vơi ngọt ngào- Chút bình thản giữa rú gào- chút nghiêm nghị giữa lao nhao đớn hèn - chút rành mạch giữa rối ren - chút phớt tỉnh giữa bon chen nhập nhằng” . Bài tứ tuyệt Thực đơn của gió: “Chim trời rậm bóng cá thưa tăm - Nhạt lòng cây cải đậm rau răm- Giang hồ râu rụng trên sóng bể- Nhặt lên cắm lại đỡ trơn cằm”.

Chúc độc giả báo Dân ViệtNông thôn Ngày nay một năm mới thăng hoa!”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem