Tống Giang, tự Công Minh, là một nhân vật trong tác phẩm Thủy Hử truyện của Thi Nại Am. Ông cũng là một trong số những lãnh tụ của "tập đoàn" Lương Sơn Bạc.
Sinh thời, Tống Giang ngồi ghế cao nhất trong số 108 hảo hán Lương Sơn, ứng với Thiên Khôi Tinh, đứng đầu trong 36 thiên cương tinh. Bởi thường xuyên hành hiệp trượng nghĩa giúp đỡ người khác, ông còn có biệt hiệu là Hô Bảo Nghĩa.
Cũng bởi Tống Công Minh từng nhiều lần cứu người khác trong thời khắc nguy nan nên còn có một biệt hiệu khác là Cập Thời Vũ. Bên cạnh đó, người đời còn thường gọi ông là Hiếu Nghĩa Hắc Tam Lang.
Dưới ngòi bút miêu tả của Thi Nại Am, hình tượng Tống Giang được xây dựng với vóc người thấp bé, mặt mũi ngăm đen. Ông từng giữ chức áp ti huyện Vận Thành, sau đó bởi tự ý thả đám người Tiều Cái, bị Diêm Bà Tích nắm đằng chuôi nên buộc phải giết vợ rồi bỏ trốn, trải qua không ít trắc trở mới lên được Lương Sơn.
Sau khi Tiều Cái qua đời, Tống Giang được kế nhiệm chức đại trại chủ. Đánh giá về cống hiến của nhân vật này đối với Lương Sơn, nhiều ý kiến cho rằng việc giúp các hảo hán tụ nghĩa là điểm sáng trong sự nghiệp của Tống Công Minh, còn tiếp nhận chiêu an lại là nét bút hỏng trong cuộc đời của ông.
Kể từ lúc chấp nhận chiêu an, Tống Giang đã liên tiếp lãnh đạo các huynh đệ Lương Sơn Bạc xuất chinh đánh nước Liêu, thảo phạt Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp, lập được không ít chiến công.Chỉ tiếc rằng, dù hết lòng trung nghĩa với triều đình, ông cuối cùng vẫn bị bè lũ gian thần Cao Cầu đẩy vào cửa tử.
Có thể nói, Tống Công Minh vừa là người lãnh đạo cao nhất của Lương Sơn, đồng thời cũng là nhân vật mấu chốt đưa ra quyết định khiến tập đoàn này sụp đổ.
Thế nhưng điểm đáng nói nằm ở chỗ, mặc dù được xem là huynh trưởng của 108 huynh đệ, nhưng số người được xem là tâm phúc chân chính của Cập Thời Vũ Tống Giang lại vô cùng ít ỏi.
Theo đánh giá của Sina, nếu chiếu theo miêu tả của Thủy Hử truyện, những huynh đệ tâm phúc của Tống Công Minh ở Lương Sơn chỉ có vẻn vẹn 5 nhân vật dưới đây.
Vị trí thứ năm: Lý Tuấn
Lý Tuấn ngoại hiệu là Hỗn Giang Long, ngồi ghế thứ 26 trong 108 hảo hán Lương Sơn Bạc, ứng với Thiên Thọ Tinh, đảm nhiệm chức vụ thủy quân đầu lĩnh.
Ông từng hành nghề lái đò kiêm buôn muối lậu, còn từng cướp giật ở núi Yết Dương. Sau này, Lý Tuấn từng suýt tham gia đại náo Giang Châu, cứu Tống Công Minh và cũng là một trong 29 anh hùng tề tựu ở Bạch Long miếu.
Kể từ khi Lương Sơn tiếp nhận chiêu an, Lý Tuấn theo Tống Giang nam chinh bắc thảo, lập nhiều chiến công. Sau khi bình định Giang Nam, ông đã khéo léo từ chối theo huynh trưởng hồi kinh để nhận phong thưởng.
Là một trong số ít các đầu lĩnh Lương Sơn Bạc có thể sống sót trở về sau chiến dịch khốc liệt này, Lý Tuấn đã nghe theo lời khuyên của Phí Bảo, quyết định không ra làm quan. Do đó trên đường trở về tới Tô Châu, ông vờ bị trúng gió, cố ý lưu lại đây cho anh em Đồng Mãnh, Đồng Uy chăm sóc.
Sau đó, cả ba nhân vật này đã dong thuyền từ cảng Thái Thương xuất dương sang Xiêm La và trở thành những vị quan lớn tại đất nước này.
Vị trí thứ tư: Hoa Vinh
Hoa Vinh có biệt hiệu là Tiểu Lý Quảng, ngồi ghế thứ 9 trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, ứng với Thiên Anh Tinh, là một trong Mã Quân Bát Hổ Tiên Phong tướng.
Sinh thời, Hoa Vinh nổi tiếng với tài bắn cung vô cùng cao siêu, thậm chí trong phạm vi trăm bước vẫn có thể bắn đứt đôi lá dương liễu.
Năm xưa, cả ông và Tống Giang từng được Yến Thuận và Vương Anh cứu giúp. Sau khi Trại Thanh Phong bị hạ, Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh đã gia nhập Lương Sơn.
Kể từ thời điểm Lương Sơn Bạc tiếp nhận chiêu an, Hoa Vinh liền theo Tống Giang nam chinh bắc chiến, lập được nhiều kỳ công trong các trận đánh nước Liêu, dẹp Phương Lạp.
Sau khi chiến thắng Phương Lạp, Hoa Vinh là một trong 12 viên chính tướng may mắn sống sót hồi kinh. Ông được triều đình phong làm Đô thống chế phủ Thương Châu.
Tuy nhiên, khi hay tin huynh trưởng Tống Công Minh bị gian thần hại chết, Hoa Vinh đã quyết định bỏ lại gia quyến và cùng Ngô Dụng tự vẫn trước mộ đại ca.
Sự ra đi đầy khảng khái và trung nghĩa ấy đã khiến Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh trở thành một trong số những hảo hán điển hình sẵn sàng vì bằng hữu, huynh đệ mà hy sinh tính mạng.
Vị trí thứ ba: Ngô Dụng
Ngô Dụng tự là Học Cứu, tước hiệu "Trí Đa Tinh", ngồi ghế thứ 3 trong số 108 anh hùng Lương Sơn, ứng với Thiên Cơ Tinh.
Sinh thời, Ngô Dụng nổi danh là bụng đầy kinh luân, thông hiểu văn thao võ lược, đa mưu túc trí, thường tự so mình với Gia Cát Lượng nên còn có đạo hiệu là Gia Lượng tiên sinh.
Đối với sự nghiệp của Lương Sơn Bạc, ông đóng vai trò là mưu sĩ thần cơ diệu toán, liệu sự như thần, từng thành công khích Lâm Xung sống mái với Vương Luân, hiến kế phá Chúc Gia Trang, Tằng Đầu Thị…
Có thể nói, tài năng của ông đã giúp sự nghiệp của tập đoàn Lương Sơn phất lên tựa như mặt trời buổi ban trưa. Cũng bởi vậy mà ông từng được Tống Giang khen là "Trại Gia Cát".
Khi các huynh đệ Lương Sơn chính thức tụ nghĩa, Ngô Dụng được xếp ở vị trí thứ ba, đảm nhiệm chức quân sư cơ mật. Từ lúc tập đoàn này tiếp nhận chiêu an của triều đình, ông tiếp tục phò tá Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa chinh phạt nước Liêu, đánh dẹp Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp, được triều đình phong làm Võ Thắng tướng quân Thừa Tuyên sứ.
Sau khi huynh trưởng Tống Công Minh bỏ mạng vì bị hãm hại, Ngô Dụng hiểu rõ hơn ai hết thực trạng bè lũ gian thần lũng đoạn triều đình. Vì lòng trung với đại ca, ông và Hoa Vinh đã tự sát trước mộ Tống Giang.
Vị trí thứ hai: Lý Quỳ
Lý Quỳ có biệt hiệu là Hắc Toàn Phong, ngồi ghế thứ 22 trong số 108 hảo hán Lương Sơn Bạc, ứng với Thiên Sát Tinh, đảm nhiệm chức vụ đầu lĩnh bộ quân thứ năm.
Thi Nại Am miêu tả Lý Quỳ với dáng hình của một người lực lưỡng, lớp da ngăm đen, vũ khí là hai cây rìu, thường được mọi người gọi là Thiết Ngưu. Ông cũng được biết tới là một trong những người khỏe nhất Lương Sơn Bạc.
Sau khi gia nhập Lương Sơn, Lý Quỳ từng nổi danh với chiến tích một lúc giết bốn hổ để báo thù cho mẹ. Ông cũng từng cùng đại ca Tống giang chinh chiến, góp công không nhỏ trong hàng loạt đại công của Lương Sơn trong các trận chiến đánh với nước Liêu, dẹp loạn Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp.
Vào thời điểm chiến sự kết thúc, ông hồi kinh cùng các huynh đệ và được phong làm Đô Thống chế Nhuận Châu.
Mỗi khi nhắc tới nhân vật lỗ mãng nhưng trung thành và tín nghĩa này, nhiều độc giả sẽ không khỏi xót xa khi nói đến cái chết của Hắc Toàn Phong Lý Quỳ.
Khi bị bè lũ gian thần hãm hại, Tống Giang đã tình nguyện uống rượu độc để kết liễu sinh mạng của mình. Tuy nhiên, vì lo ngại Lý Quỳ sẽ vì báo thù cho ông mà tạo phản, ông đã lừa người huynh đệ uống rượu độc cùng chết với mình.
Thế nhưng sau khi biết được sự thật từ huynh trưởng, Thiết Ngưu Lý Quỳ chỉ nói lớn một câu rồi ra đi:
"Thôi thôi, Thiết Ngưu khi sống theo hầu huynh trưởng, sau khi chết cũng làm ma theo huynh trưởng".
Vị trí thứ nhất: Đới Tông
Đới Tông (có tài liệu dịch là Đới Tung hoặc Đái Tông) mang tước hiệu Thần Hành Thái Bảo, ngồi ghế thứ 20 trong số 108 hảo hán Lương Sơn, ứng với Thiên Tốc Tinh, đảm nhiệm chức vụ đầu lĩnh tổng thám thanh tức.
Trước khi lên Lương Sơn, ông vốn từng làm cai ngục ở Giang Châu, ngày có thể đi được tám trăm dặm.
Năm xưa, Đới Tông từng đồng mưu với các hảo hán Lương Sơn, ngụy tạo thư của Sái Kinh để cứu Tống Giang. Tuy nhiên khi kế hoạch này bị phát hiện, ông đã bị phán án tử hình nhưng may mắn được các hảo hán cứu giúp, từ đó liền gia nhập Lương Sơn.
Kể từ lúc huynh trưởng tiếp nhận chiêu an, Đới Tông đã theo Tống Công Minh nam chinh bắc chiến, trước là đánh dẹp nước Liêu, sau là chinh phạt Điền Hổ ở Hà Bắc, Vương Khánh ở Hoài Tây, Phương Lạp ở Giang Nam.
Mặc dù không có công chém tướng, đoạt thành, nhưng Đới Tông lại góp sức không nhỏ vào công cuộc truyền đạt quân tình, quân lệnh.
Đối với Tống Giang mà nói, Đới Tung chính là một trong số những tâm phúc ủng hộ ông nhiều nhất. Vào những thời khắc quyết định, người huynh đệ này luôn dành cho Tống Công Minh sự tin tưởng và ủng hộ vô cùng kiên định.
Sau khi nghe tin đại ca bị gian thần hại chết, Đới Tông đã quyết định giã từ triều đình, trả lại quan bằng, trở về châu Thái An làm thủ từ, sống nửa đời còn lại với công việc lo nhang khói thờ phụng.
Có ý kiến cho rằng, ngay cả khi Đới Tông không hy sinh tính mạng của mình để tuẫn tiết theo Tống Giang như Lý Quỳ, Ngô Dụng hay Hoa Vinh, thì ông vẫn là một trong số những người từng có lòng cứu mạng, cũng từng đồng cam cộngkhổ với huynh trưởng khi còn ở tù Giang Châu, đồng thời còn đem lại cho Tống Giang sự ủng hộ, tin tưởng vô cùng đúng lúc đúng chỗ.
Từ bảng xếp hạng trên đây, không khó để nhận thấy cả 5 huynh đệ tâm phúc của Tống Giang đều đảm nhiệm những chức vụ quan trọng và đóng vai trò trọng yếu trong việc thống nhất quyết sách.
Dưới sự ủng hộ của những huynh đệ chí cốt này, Tống Công Minh không chỉ ngồi vững trên ngôi vị trại chủ Lương Sơn mà còn hiện thực khát khao chiêu an của mình.
Chỉ tiếc rằng đối với tập đoàn Lương Sơn mà nói, quyết định tiếp nhận chiêu an của vị huynh trưởng trung nghĩa như Tống Giang lại chính là mở đầu của một chuỗi bi kịch đối với họ…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.