Dự thảo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi: Bỏ mới, thít chặt cũ

Thứ hai, ngày 26/05/2014 06:12 AM (GMT+7)
Sau hơn 1 năm chỉnh sửa, đặt lên đặt xuống, bản dự thảo mới khiến các chuyên gia bất ngờ vì hầu hết các vấn đề mới, được đánh giá là tiến bộ, bình đẳng đều không còn.
Bình luận 0
Dự kiến ngày 27.5, Quốc hội sẽ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm chỉnh sửa, đặt lên đặt xuống, bản dự thảo mới khiến các chuyên gia bất ngờ vì hầu hết các vấn đề mới, được đánh giá là tiến bộ, bình đẳng đều không còn.

“Loại bỏ” người đồng tính

Trong các dự thảo trước, Luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) sửa đổi đã bỏ điều “cấm kết hôn đồng tính” và điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong cuộc sống chung giữa hai người đồng tính như “chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ” quy định tại Điều 16.

Theo Dự thảo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi, hôn nhân đồng tính chỉ không  bị phạt chứ không được thừa nhận. (ảnh do ISEE cung cấp)
Theo Dự thảo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi, hôn nhân đồng tính chỉ không bị phạt chứ không được thừa nhận. (ảnh do ISEE cung cấp)

Tuy nhiên, dự thảo luật lần này, Điều 8 ghi rõ: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” và bỏ hoàn toàn Điều 16 (quy định về giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính), đồng thời bỏ các nội dung liên quan ở Điều 130 (về chung sống giữa những người cùng giới tính có yếu tố nước ngoài). Báo cáo giải trình Quốc hội chỉ nêu lý do bỏ Điều 16 là để “phù hợp với Điều 8”.

Nhận định về điều này, theo ông Lê Quang Bình – Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường ISEE: “Việc dự thảo bỏ đi Điều 16 về chung sống cùng giới sẽ gây hoang mang cho cộng đồng người đồng tính và gây hụt hẫng cho rất nhiều người, trong đó có cả gia đình của họ. Người đồng tính chỉ mong được thừa nhận quyền kết hôn cũng như được bảo vệ quyền lợi về tài sản, con cái như những công dân khác. Tại sao họ cũng là công dân, cũng tham gia đóng góp cho đất nước như mọi người mà họ lại bị đẩy ra ngoài luật?

Anh Phạm Khánh Bình – người đồng tính sống tại Hà Nội chia sẻ: “Cấm” có nghĩa là “không được làm”, còn “không thừa nhận” giống như “không làm được”. So với trước đây, người đồng tính đã bị chuyển từ “không có quyền” sang “không thực hiện được quyền”. Thật chua xót. Chẳng thà đừng cho chúng tôi mừng hụt”.

Ông Bình cho biết: “Một số đại biểu Quốc hội “an ủi” chúng tôi rằng; “Hai người đồng tính chung sống với nhau, nếu có tranh chấp thì sẽ được pháp luật xét xử như một… quan hệ dân sự”. Nhưng quan hệ giữa hai người đồng tính yêu nhau dựa trên tình cảm chứ không phải quan hệ kinh tế. Nếu xét như quan hệ dân sự thì có khác nào hai người xa lạ”.

Bà Nguyễn Thị Lan (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, bà rất thất vọng khi đã nỗ lực tham gia để đưa Điều 16 về chung sống cùng giới vào dự thảo luật nhưng nay bị bỏ hoàn toàn. “Hai người đồng tính chung sống với nhau dựa trên tình cảm, cùng chăm sóc, yêu thương, hy sinh cho nhau chứ không chỉ là góp gạo thổi cơm chung. Còn khi có con hoặc xin con nuôi thì hai bên cùng có trách nhiệm yêu thương, nuôi dưỡng. Nếu chia tay nhau thì cũng phát sinh các vấn đề như nam nữ chung sống như vợ chồng” – bà Lan phân tích.

Theo ông Bình, luật không thừa nhận vấn đề chung sống giữa những người đồng tính trong khi thực tiễn vẫn đang có hàng chục ngàn cặp đôi đồng tính đang chung sống với nhau và âm thầm chịu hậu quả khi cuộc sống chung có khúc mắc.

Mang thai hộ: Vẫn rối

Dự thảo Luật HNGĐ không thừa nhận thực tiễn có các cặp đôi đồng tính đang chung sống với nhau nhưng lại thừa nhận “thực tiễn là có một số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con mong muốn được thực hiện quyền làm cha mẹ”. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” vào trong Luật HNGĐ sửa đổi (từ Điều 94-99). Các quy định khá chặt chẽ tránh việc lợi dụng thương mại hóa, đảm bảo quyền lợi các bên, quyền lợi trẻ em, quyền lợi sức khỏe của người mang thai hộ, điều chỉnh các vấn đề như đa thai, con khuyết tật, tai biến sản khoa…

Nghiên cứu “Sống chung cùng giới” của ISEE đã điều tra trên 2.483 người đồng tính trên toàn quốc cho thấy, 61,9% số người được hỏi đang có mối quan hệ cùng giới khá lâu dài. 16,6% trong số đó đang sống chung với nhau cùng một nhà với lý do “hỗ trợ nhau về tinh thần, tình cảm, tạo cảm giác an toàn; thể hiện tình yêu và cam kết chung thủy; kế hoạch lâu dài (có con, tài sản chung, chăm sóc nhau lúc tuổi già)…”. Đáng lưu ý có tới 2,9% số người đồng tính được hỏi đã phải kết hôn dị tính để chiều lòng gia đình, giấu giới tính thực. Và hơn 50% này đã phải kết thúc cuộc hôn nhân không hạnh phúc bằng ly hôn.

Tuy nhiên, theo bà Lan, dự thảo luật quá chặt chẽ khiến cho việc mang thai hộ tưởng như “mở” mà lại “quá hẹp”. Bà Lan phân tích: “Người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng, nghĩa là chị em ruột, chị em họ trong phạm vi 3 đời.

Như vậy nếu mẹ muốn mang thai hộ con, cháu muốn mang thai hộ chú dì đều không được. Mang thai hộ cũng chỉ cho phép thụ tinh ống nghiệm và người mang thai hộ chỉ cho “mượn” tử cung. Chứ nếu trứng của người mang thai không được. Trứng hay tinh trùng đi xin cũng không được. Người chồng mất năng lực hành vi thì vợ không được mang thai hộ…

Nói là “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” nhưng thực chất là nhân đạo cho ai? Vì người mang thai hộ vẫn gặp rất nhiều rủi ro- tai biến sản khoa, sinh con dị tật và người nhờ mang thai không nhận con hoặc vợ chồng bên nhờ mang thai ly hôn, chết… Nếu lúc đó mang ra tòa án phân xử, đứa trẻ bị đẩy qua đẩy lại cũng sẽ chịu thiệt thòi lớn. Nếu là hợp đồng kinh tế thì dù sao người mang thai hộ cũng được bảo vệ bằng tài chính”.

Vấn đề mang thai hộ cũng chỉ quy định cho các cặp vợ chồng không có con. Còn nếu như nam giới (trong đó có nam đồng tính) nếu muốn nhờ mang thai hộ cũng không được. Thực tế, đã nhiều nam đồng tính nhờ mang thai hộ, sau đó lại nhận chính con mình làm… con nuôi.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng bỏ quy định ly thân vì lo ngại sẽ làm trầm trọng mâu thuẫn gia đình, có người lợi dụng ly thân để tẩu tán tài sản...
Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem