Tham gia chương trình có đại diện chính quyền là bà Ngọc Cẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, các lãnh đạo các đoàn thể địa phương; GS - TS Mai Thanh Phùng – Trưởng đại diện Phía Nam Trung tâm Khuyến nông quốc gia; TS Nguyễn Nhứt – Viện Nghiên cứu - Nuôi trồng thủy sản Miền Nam... và gần 200 nông dân đến từ 2 xã Thạnh An và Lý Nhơn, huyện Cần Giờ.
Hướng dẫn chi tiết
Với hình thức hỏi đáp trực tiếp, các chuyên gia nhà khoa học đã giải đáp gần 20 câu hỏi, thắc mắc của bà con, qua đó chuyển tới bà con nông dân các kinh nghiệm, các kiến thức về nuôi trồng thủy hải sản, quy trình chăm sóc, phòng và chữa bệnh cũng như kinh nghiệm tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản; một số kỹ năng xử lý ô nhiễm môi trường...
Trước câu hỏi của anh Nguyễn Thành Vinh ở xã Lý Nhơn: “Làm sao để diệt ốc bươu vàng làm hại lúa? Loại ốc này tui diệt hoài mà không hết được”, GS - TS Mai Thanh Phùng trả lời:
“Để hạn chế tiến tới tiêu diệt ốc bươu vàng, bà con chú ý ba phương châm sau: Thứ nhất, phương châm cộng đồng, tức là mọi người phải cùng làm với nhau, hợp tác với nhau, phải diệt ốc mọi lúc mọi nơi, thấy trứng diệt trứng, thấy ốc trưởng thành diệt ốc trưởng thành. Ốc thường cắn phá mạnh giai đoạn lúa được 15 ngày, sau đó thì đỡ hơn nên bà con hay chủ quan, mình phải diệt ốc trong tất cả giai đoạn phát triển của cây lúa, từ lúc gieo cho tới khi thu hoạch.
Thứ hai là phương châm ngăn chặn. Bà con khi bơm nước nên có rào ngăn 3 lớp để tránh ốc từ ruộng khác lây lan vào ruộng mình. Thứ ba, phương châm dẫn dụ để tiêu diệt ốc, có 2 cách: Cách thủ công là ốc bươu vàng hay trú ngụ ở vùng trũng, bà con dùng nhựa đu đủ là thứ mà ốc bươu vàng thích, nhỏ xuống vùng ốc trú rồi chờ ốc tập trung lại và dùng rổ xúc đi. Cách hiện đại hơn, dùng thuốc phun.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc, nhưng tôi khuyên bà con nên dùng thuốc tạm gọi là thuốc có nguồn gốc sinh học. Bà con xử lý thuốc vào buổi chiều, ngâm qua đêm và sáng sớm mai sử dụng vì đây là lúc ốc bươu vàng hoạt động rất mạnh, nhớ phun thuốc xuống vùng trũng để hiệu quả tiêu diệt ốc cao hơn. Cây lúa cần được cách ly trong một thời gian nhất định trước khi thu hoạch để tránh lượng thuốc tồn dư gây hại cho người sử dụng sản phẩm từ lúa”.
Giúp bà con nuôi tôm hiệu quả
Bác Trương Thanh Hải ở xã Lý Nhơn đặt câu hỏi: “Ao tôm của tôi vào mùa mưa hay bị thiếu kiềm. Mong các nhà khoa học hướng dẫn tôi cách tăng kiềm cho tôm tốt nhất”.
Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Nhứt cho biết: “Cách tăng kiềm cho ao nuôi tôm khá đơn giản, hiện nay có hai cách. Cách thứ nhất là dùng vôi công nghiệp mà bà con mình hay gọi là supercanxi, có công thức hóa học là CaCO3, sử dụng định kỳ và liều lượng tăng theo nồng độ kiềm mình muốn. Ví dụ muốn tăng 20 đơn vị kiềm thì phải sử dụng khoảng 20kg vôi công nghiệp. Cách thứ hai - cách tốt nhất là sử dụng soda, cách này không chỉ tăng nồng độ kiềm mà còn cải thiện nồng độ amoniac cho ao tôm”.
Trao đổi với bà con về việc dùng thuốc trộn vào thức ăn cho tôm ăn, TS Nguyễn Nhứt lưu ý bà con là tuyệt đối không nên dùng Oxytetracycline hoặc các sản phẩm có chứa Oxytetracycline.
Lý do không phải vì Oxytetracycline là loại thuốc bị cấm sử dụng, mà chính là vì Oxytetracycline không có tác dụng điều trị khỏi bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao trong 2 năm qua, người nuôi sử dụng Oxytetracycline vừa tạt xuống ao, vừa trộn vào thức ăn cho tôm ăn mà tôm vẫn chết. Một số trường hợp có thể thấy tôm ngừng chết trong khoảng thời gian 10 - 15 ngày, nhưng sau đó lại bị chết trở lại.
Để nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả kinh tế cao, TS Nguyễn Nhứt tư vấn người nuôi cần phải trang bị đầy đủ các dụng cụ đo môi trường (pH, kiềm, NH3, ôxy hòa tan...), kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường để kịp thời xử lý, điều chỉnh khi có yếu tố nào vượt ra khỏi phạm vi thích hợp cho tôm nuôi; thường xuyên tham khảo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật quản lý môi trường, quản lý sức khỏe tôm trong ao nuôi.
Khi phát hiện tôm trong ao nuôi có những dấu hiệu bất thường thì điều đầu tiên phải làm là kiểm tra thật kỹ các yếu tố môi trường. Nếu tất cả đều nằm trong phạm vi tốt thì có thể nghĩ đến vấn đề bệnh. Trong trường hợp này, trước khi tiến hành xử lý cần tham vấn ý kiến của những người có nhiều kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu về nuôi trồng thủy sản - đặc biệt là nuôi tôm - để từ đó có cách giải quyết, xử lý phù hợp nhất.
Sau 2 giờ, với rất nhiều câu hỏi của bà con chưa được giải đáp, các nhà khoa học đã tiếp nhận tất cả và hứa là sẽ trả lời bà con thông qua E-mail cùng các bản tin tư vấn trên báo NTNN và báo Điện tử Dân Việt trong thời gian tới…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.