Đưa nông sản lên sàn thương mại, nông dân chốt đơn nhàn tênh
Phú Thọ: Đưa nông sản lên chợ "ảo", nông dân chốt đơn nhàn tênh, thu tiền liền tay
Hoan Nguyễn
Thứ hai, ngày 19/09/2022 16:27 PM (GMT+7)
Sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả mà còn giúp nông dân đưa nông sản vươn xa, xây dựng thương hiệu cho các hợp tác xã, doanh nghiệp... Qua sàn thương mại điện tử, nông dân có thể theo dõi, chốt đơn một cách nhàn tênh, giá cả ổn định.
Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh bưởi Chí Đám (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) cho biết, trước đây, bưởi trồng ra quanh quẩn bán ở chợ quê. Những quả bưởi to, ngon, đẹp mã bán buôn được chút ít cho thương lái. Nông dân cũng thường rơi vào tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Vài năm trở lại đây, HTX sản xuất kinh doanh bưởi Chí Đám được cán bộ khuyến nông hướng dẫn ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với thương mại điện tử vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Toàn bộ thông tin, nhật ký sản xuất, dữ liệu về lô, thửa, nơi sản xuất, canh tác đã được HTX thành thạo đưa hệ thống thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính. Đồng thời, sản phẩm bưởi của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
"Song song với bán hàng truyền thống, chúng tôi đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá về sản phẩm OCOP 4 sao và bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội…
Hiện, nhà nông như tôi, dù đi chơi, đi du lịch hay ở bất cứ đâu đều có thể theo dõi, chốt đơn... Qua sàn thương mại điện tử, mỗi năm, HTX tôi tiêu thụ khoảng 20.000 quả bưởi nhàn tênh, giá cả ổn định, thu tiền tức khắc", ông Kiên hồ hởi nói.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc HTX Đỗ Xuyên (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, mỗi năm HTX sản xuất hàng triệu sản phẩm (mâm, đĩa, khay, lọ, gương, đôn, các loại đồ lưu niệm, trang trí...) từ vật liệu tre, nứa.
Lâu nay, nhiều nơi phải "giải cứu" sản phẩm nông sản, nhưng sản phẩm của HTX luôn tập trung cao độ sản xuất mới gom đủ số lượng sản phẩm để đáp ứng đơn hàng đã ký từ đầu năm.
Để có bước ngoặt, sự thay đổi mạnh mẽ trong đầu ra tiêu thụ sản phẩm từ tre, nứa, đó là HTX Đỗ Xuyên được cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo cơ hội giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.
Chính sàn thương mại điện tử đã giúp HTX Đỗ Xuyên tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hơn.
"Tham gia sàn thương mại điện tử, HTX và nông dân dễ nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, nên chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất; tìm kiếm, sáng tạo ra mẫu mã, chủng loại sản phẩm mới, phong phú đa dạng hơn. Từ đó, ngày càng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khắt khe của thị trường, khách hàng, tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt," bà Hoa nhấn mạnh.
Hỗ trợ nông dân lên sàn thương mại điện tử
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch 3423/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, xác định thương mại điện tử là giải pháp giúp quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; các gian hàng trên sàn Postmart, Voso; sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ (giaothuong.net.vn)…
Thống kê cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, có hàng triệu lượt truy cập các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, với trên 277 gian hàng, 912 sản phẩm dịch vụ.
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện mô hình "Chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với thương mại điện tử" tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp. Từ đó, chuẩn hóa quy trình sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa và xuất code tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị.
Hỗ trợ các đơn vị đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, ngành nông nghiệp Phú Thọ đã hướng dẫn, cấp tài khoản tham gia, duy trì hoạt động trên website: http://phutho.idfood.net/ và ứng dụng "Agritech - Chuỗi nông nghiệp số" cho thiết bị di động với các tính năng tích hợp đầy đủ các phân hệ trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông lâm sản.
Đến nay, đã có 50 cơ sở sản xuất nông sản hàng hóa và sản phẩm OCOP áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh bằng phần mềm Agritech. Trong đó, 30 cơ sở thuộc lĩnh vực trồng trọt, 13 cơ sở thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 3 cơ sở thủy sản, 4 cơ sở chế biến nông lâm sản.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ 2.000 hộp, 2.500 túi đựng sản phẩm, 40.000 nhãn sản phẩm gắn mã QR và 80.000 tem QR truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở tham gia mô hình chuyển đổi số.
Sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho nhà nông, các HTX, doanh nghiệp... Tuy nhiên, tại Phú Thọ, hiện số lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử còn khiêm tốn.
Các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận sàn thương mại điện tử nên còn nhiều bỡ ngỡ, việc chăm sóc gian hàng chưa được chú trọng, giá bán cũng chưa phù hợp với biến động của thị trường...
Mặt khác, việc ứng dụng nền tảng số, bán hàng thông qua phương thức phát hình ảnh trực tiếp (livestream) cũng như cách thức tham gia và hoạt động trên nền tảng sàn thương mại điện tử cũng chưa được triển khai thường xuyên.
Từ những hạn chế trên, bà Vũ Thị Minh Tâm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng cho các hộ sản xuất…, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử nhanh chóng.
Đẩy mạnh việc hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các HTX, người nông dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn thương mại điện tử.
Cùng với đó là hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao; sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, nền tảng thương mại điện tử... để nông dân sớm làm chủ được hình thức bán hàng mới trên các sàn giao dịch điện tử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.