Đưa nước sạch đến hộ nghèo

Thứ tư, ngày 20/06/2012 19:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cách đây hơn chục năm, vùng nông thôn Bình Thuận luôn thiếu nguồn nước sạch. Nhưng giờ đây, nhiều hộ ND nghèo vùng nắng nhiều mưa ít ở cực Nam Trung Bộ này đã có nguồn nước sạch sử dụng.
Bình luận 0

Huyện Tuy Phong và Bắc Bình nằm trong danh sách những địa phương khô hạn nhất nước, với lượng mưa trung bình hàng năm chỉ từ 500-600mm. Thời tiết khắc nghiệt nên tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô xảy ra thường xuyên. Bên cạnh đó là môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, nhất là những xã ven biển…

img
Trẻ em xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh sử dụng nước sạch từ nguồn tiền vay của ngân hàng.

Nông dân hết khát

Bình Thuận là 1 trong 10 tỉnh được T.Ư chọn thực hiện thí điểm Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện chiến lược Quốc gia về nước sạch và vệ sinh - môi trường nông thôn (NSVS-MTNT).

Ban giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Thuận đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận phân bổ chỉ tiêu vốn từ Chương trình NSVS-MTNT và triển khai cho dân vay. Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Thuận đã triển khai cho vay 10/10 huyện, thị, thành phố của tỉnh.

Theo bà Võ Thị Hỷ Sương - Trưởng phòng tín dụng Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Thuận, tính đến cuối năm 2011, ngân hàng đã cho hơn 35.000 hộ ND nghèo vùng nông thôn vay hơn 179 tỷ đồng để lắp đặt giếng nước; xây hồ chứa nước; xây nhà vệ sinh...

Hiệu quả kép

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hiệu quả từ Chương trình cho vay NSVS-MTNT rất thiết thực, tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của bà con vùng nông thôn; đặc biệt là thay đổi và tạo thói quen sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, hạn chế được bệnh tật nhất là bệnh về đường ruột, bệnh mắt và bệnh phụ khoa; xóa bỏ dần tập quán lạc hậu lâu đời của đồng bào dân tộc và các hộ dân xã ven biển khắc phục ô nhiễm môi trường, tạo mỹ quan cho môi trường sạch, đẹp... Nhờ đó, giúp kinh tế của ND phát triển, thu nhập nâng cao có khả năng hoàn trả vốn vay cho ngân hàng…

Theo số liệu các cơ quan chuyên môn ở Bình Thuận, đến cuối năm 2004, số dân nông thôn được hưởng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ trên 55%. Số hộ dân nông có nhà tiêu hợp vệ sinh khoảng 40%; hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh khoảng 30%.

Chương trình đã được các cấp ủy, chính quyền, các ngành và tổ chức chính trị xã hội ủng hộ. Do vậy việc nhân rộng và đầu tư vốn chương trình này là yêu cầu cấp thiết đối với bà con vùng dân cư tập trung.

Theo bà Võ Thị Hỷ Sương, việc hướng dẫn nghiệp vụ cho vay Chương trình NSVS-MTNT của Ngân hàng CSXH được triển khai đến từng cán bộ ngân hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng còn mở các lớp tập huấn cho cán bộ các tổ chức hội đoàn thể trực tiếp nhận ủy thác cho vay; việc tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng được thông tin trên hệ thống phát thanh địa phương, truyền hình… để người dân hiểu và thực hiện. Trước khi cho vay, ngân hàng phối hợp cùng các tổ chức hội đoàn thể, UBND xã tiến hành kiểm tra từng hộ vay, nhu cầu vốn và khả năng trả nợ…

Bên cạnh đó, Sở NNPTNT tỉnh xây dựng dự án thiết kế mẫu công trình phù hợp với thực tế, phù hợp với mức tiền vay…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem