Đưa Trường Lũy “đến” châu Âu

Thứ hai, ngày 28/03/2011 13:02 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Được xây dựng từ 1819, di tích Trường Lũy, Quảng Ngãi đang thu hút sự quan tâm của một số chính khách châu Âu.
Bình luận 0

Di sản thức dậy

Căn cứ vào những tư liệu lịch sử trong “Phủ Man tạp lục” dưới thời nhà Nguyễn, Trường Lũy là thành lũy được Tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng từ năm Kỷ Mão 1819, cùng với 115 bảo (đồn binh) vào triều Gia Long, mỗi bảo có từ 15-25 lính canh.

img
Đại sứ các nước châu Âu và các nhà nghiên cứu quốc tế đang chiêm ngưỡng Trường Luỹ .

TS Đông Nguyễn Tiến Đông - Viện Khảo cổ học VN cho biết: Qua kết quả nghiên cứu còn cho thấy ngoài mục đích phòng vệ, giữ vai trò quân sự, với những hiện vật gốm cổ khai quật được, lũy còn là con đường giao thương giữa miền xuôi và miền ngược, giữa vùng núi – đồng bằng và miền biển.

Tại 3 di tích bảo ở huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi), là Thiên Xuân ở xã Hành Tín Đông; Rùm Đồn và đèo Chim Hút ở xã Hành Dũng, các chuyên gia đã khai quật và tìm thấy rất nhiều đồ gốm có xuất xứ từ Trung Quốc, Hongkong và các tỉnh phía Bắc VN có niên đại vào nửa sau thế kỷ 17.

Theo đó có thể khẳng định việc mua bán, trao đổi hàng hóa qua lũy đã rất phát triển trong khoảng từ nửa sau thế kỷ 17 đến nửa sau thế kỷ 18…

Với những kết quả nghiên cứu thuyết phục, chứng minh được giá trị độc đáo của di tích này, ngày 9.3.2011, Trường Lũy được Bộ VHTTDL công nhận di tích cấp quốc gia. Cách đây chưa lâu, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đưa vào danh mục đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích Trường Lũy với kinh phí 15 tỷ đồng.

Trầm trồ xem Trường Lũy

Sáng 26.3, đoàn xe chở đại sứ EU và đại sứ 6 nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Ba Lan, Hungary, Hy Lạp, Rumani cùng đại diện một số tổ chức, nhà nghiên cứu quốc tế đã xuất phát về vùng núi phía Tây Nam Quảng Ngãi để đến di tích Trường Lũy. Điểm dừng chân đầu tiên là đoạn luỹ nằm ở thôn Tân Long Hạ, xã Ba Động, huyện Ba Tơ.

img Trường Luỹ là một di tích thật ấn tượng! Ngoài một vài đoạn mất mát, vẫn còn nhiều đoạn nguyên vẹn và trong trạng thái rất tốt, để cho chúng ta những cơ hội nghiên cứu, bảo tồn và quản lý, với sự quan tâm đặc biệt để lưu giữ tiềm năng của nó cho mai sau. img

Sự vất vả, mệt mỏi vì phải đi bộ, trèo núi hơn 2km của các vị khách như tan biến khi nhìn thấy đoạn Trường Lũy đồ sộ còn khá nguyên vẹn, cao hơn 2m, dài hơn 150m phủ đầy rêu, lá cây rừng nằm im lìm vững chãi sau mấy trăm năm.

Đại sứ Ba Lan, ngài Roman Iwaszkiewicz, trầm trồ: “Thật không thể tin rằng chỉ có đá mà xếp được tường thành cao và chắc như vậy. Người VN thật giỏi!”

Còn tại đoạn lũy có tên gọi là Bảo Chim Hút (ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành), GS.Oscar Saleinik - Trường ĐH Copenhaghen, Đan Mạch, hóm hỉnh nói bằng tiếng Việt: “Hy vọng sau này Bảo Chim Hút nói riêng và di tích Trường Lũy nói chung không những thu hút chim, mà còn thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế”.

Sau chuyến đi thăm Trường Lũy, Đại sứ EU, ngài Sean Doyle, bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với quy mô của Trường Lũy. Xin chúc mừng các bạn đã sở hữu một di sản quý báu. Tôi sẽ giới thiệu di tích này đến với các nước châu Âu, để họ có sự giúp đỡ cho VN trong việc bảo tồn di tích này”.

Sáng 27.3, trong buổi toạ đàm giữa lãnh đạo Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Quảng Ngãi với Đại sứ EU và các đại sứ châu Âu, ông Nguyễn Hoà Bình - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đã bày tỏ mong muốn của tỉnh là nhận được nhiều hơn nữa sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các nước châu Âu trong vấn đề giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ kinh phí và chuyên môn đối với vấn đề bảo tồn và khai thác di tích đặc biệt này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem