Và thực tế, ngay cả các “công nhân - cử nhân” này cũng không được các nhà máy chào đón vì tính… nghiệp dư và hay nhảy việc khiến cho nhân lực rơi vào tình trạng không ổn định.
Ảnh minh họa từ internet
Thế nhưng, các giải pháp phân luồng, tuyển sinh của Bộ GDĐT đang đẩy các trường trung cấp nghề đến bờ vực phá sản bởi không thể tuyển nổi học sinh học nghề. Các chuyên gia lao động cũng lo lắng không kém là nếu khối trường này… biến mất thì cánh cửa đi học nghề của học sinh ngày càng bị thu hẹp và nguy cơ mất cân đối thị trường lao động trong nhiều năm tới rất cao. Một chuyên gia về thị trường lao động tại TP.HCM thẳng thắn: “Nhu cầu lao động trình độ ĐH-CĐ trở lên trong vài năm tới cũng chỉ khoảng trên dưới 30%. Chính vì vậy, nếu cứ đổ xô đào tạo theo kiểu “phổ cập cử nhân” thì thời gian tới tình trạng lao động thất nghiệp sẽ ngày càng tăng cao.
Rõ ràng, cách ví von “phổ cập cử nhân” của chuyên gia lao động này cũng khá hợp lý khi những chính sách đổi mới của Bộ GDĐT đưa ra trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 đang “hoàn toàn ủng hộ” các trường ĐH-CĐ trong chiến lược tuyển đủ chỉ tiêu.
Cụ thể, nhìn vào danh sách 53 trường được tuyển sinh riêng, sẽ dễ dàng nhận thấy tới ¾ trong số này là các trường ĐH-CĐ ngoài công lập. Nếu “soi” kỹ hơn về tiêu chuẩn xét tuyển của nhiều trường thì lại càng giật mình hơn. Các trường được phép tuyển đến 25% tổng chỉ tiêu tuyển sinh với điều kiện hết sức đơn giản: Chỉ cần tốt nghiệp THPT; đạo đức 3 năm THPT xếp loại khá trở lên; điểm trung bình các môn khối xét tuyển trong 3 năm THPT đạt từ 6.0 trở lên đối với ĐH và 5.5 trở lên đối với CĐ… Như vậy, chẳng ai dại gì vào học trung cấp để rồi phải đi đường vòng mất 6 -7 năm nếu muốn “lên” ĐH.
Không khó khăn để nhận thấy các “giải pháp đổi mới” của Bộ GDĐT đang góp phần giúp các trường ĐH-CĐ “vét cạn” nguồn tuyển sinh của các trường trung cấp, trong khi lúc nào Bộ GDĐT cũng hô hào: Làm sao để cơ cấu lao động trong xã hội không xảy ra tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Nhìn một cách công bằng, muốn có thợ giỏi, các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, các trung tâm dạy nghề cũng cần rất nhiều nỗ lực để đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên dạy nghề và không ít trường chưa đạt được “chuẩn” đào tạo cần thiết. Tuy nhiên, muốn cân đối tỷ lệ “thầy”, “thợ”, Bộ GDĐT cần có động thái hỗ trợ khối trường này về đào tạo, tuyển sinh… chứ không thể buông bỏ như hiện nay.
Quốc Hải (Quốc Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.