Đừng dựa vào quyền nhập khẩu

Thứ tư, ngày 30/03/2011 12:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ai cũng biết nhập siêu cũng chẳng phải là điều không tốt nếu đó là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu… phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng trong nước. Trong 3 năm trở lại đây, số nhập siêu có giảm nhưng lại có dấu hiệu tăng trở lại theo dự báo cho năm 2011.
Bình luận 0

Để giải quyết tình trạng nhập siêu, theo lý thuyết người ta phải giảm giá nội tệ so với một số ngoại tệ mạnh thông dụng nào đó để gia tăng xuất khẩu. Với đợt điều chỉnh tỷ giá vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố như thế và mức độ điều chỉnh lần này lên đến tỷ lệ bất ngờ là 9%.

Từ năm 2008 đến nay, theo thống kê, Ngân hàng Nhà nước đã 6 lần điều chỉnh tỷ giá, làm VND mất giá 25%. Trái với lý thuyết, đồng tiền mất giá nhưng xuất khẩu không tăng mà lại còn tăng nhập siêu, đưa đến việc giảm dự trữ ngoại hối.

Nguyên nhân nào đưa chúng ta đến tình hình này?

Trước hết, một số doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vẫn cần phải nhập máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu cho sản xuất, bao gồm cả sản phẩm xuất khẩu. Đáng lý ra là một nước nông nghiệp có nhiều loại nguyên liệu từ nông sản đến hải sản, các doanh nghiệp nên tập trung nâng cao hiệu quả chế biến, sản xuất thay vì chỉ xuất khẩu thô hay sơ chế. Đã lâu rồi vấn đề này đã được đặt ra nhưng chưa được cải thiện đúng mức.

Thứ hai là nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu sử dụng nhiều trong sản xuất hàng xuất khẩu cũng sẽ làm tăng giá thành, đẩy giá bán lên cao, khó tăng hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến phí tổn sản xuất. Một điều làm cho nhiều người ngạc nhiên là có nhiều mặt hàng sử dụng nguyên liệu nội địa có giá thành rất cao trong khi lao động của chúng ta lại thuộc thành phần có thu nhập thấp.

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là tạo uy thế và quyền độc lập cho Ngân hàng Nhà nước trong công tác quản lý vàng, ngoại tệ trong chức năng quản lý ngoại hối của mình. Doanh nghiệp các loại không nên quá dựa vào tư cách thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để thực hiện quyền nhập khẩu mà chẳng quan tâm đến tình trạng chung trong xã hội. Chi tiêu cần phải được "hướng dẫn" để tiết kiệm ngoại tệ.

Chúng ta cũng cần thực hiện nghiêm túc các dự án đầu tư công, tránh lãng phí, kéo dài thời gian, tạo thêm áp lực đối với nền kinh tế như đã thể hiện trong nhiều năm qua (có đến 50% doanh nghiệp nhà nước đầu tư lãng phí nghiêm trọng). Lập lại trật tự, kỷ cương trong đầu tư công sẽ là một đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế để hy vọng rút ngắn khoảng cách so với khu vực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem