Đừng lạm dụng thuốc vì trẻ rất mong manh

Thứ bảy, ngày 22/09/2012 13:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tuy thầy thuốc thời này không thiếu thuốc nhưng bệnh bội nhiễm vẫn là mối nguy hàng đầu của trẻ sơ sinh. Trong đó có nhiều lý do không ngờ tới…
Bình luận 0

Các nhà nghiên cứu ở 3 đại học Leipzig, Munich và Dusseldorf (Đức), sau khi so sánh các chất sinh dị ứng như cytokin, interleukin 4... qua một công trình nghiên cứu kéo dài nhiều năm ở trẻ trong độ tuổi vào trường tiểu học, đã quả quyết là nhiều trường hợp trẻ bị dị ứng tìm hoài không ra nguyên nhân, chữa hoài vẫn tái phát là do cha mẹ của trẻ lục đục sao đó.

img
 

Đừng tưởng trẻ không biết cảm nhận, đừng tưởng trẻ không phản ứng nếu cha mẹ bất hòa, cho dù người lớn có khéo giấu cách mấy. Trẻ dị ứng không hẳn lúc nào cũng vì một bệnh nguyên nào đó ngoại lai. Trái lại là khác, vì nếu chỉ xét về mặt tâm lý, trẻ cũng biết khổ, cũng đau đầu, cũng mất ngủ như người lớn, hay thậm chí dễ bị hơn, nặng hơn, vì trẻ con bao giờ cũng mẫn cảm hơn người lớn. Ai chưa tin xin thử tính số trẻ vì hay nôn thức ăn mà bị kết án có bệnh trên đường tiêu hóa trong khi bệnh nhi trên thực tế chỉ là nạn nhân của ẩn ức tâm lý nào đó.

Thầy thuốc ở Anh và New Zealand cũng chứng minh với hơn 200.000 trẻ em khảo sát ở 31 quốc gia là việc lạm dụng thuốc hạ sốt, như paracetamol, trong 1-2 năm đầu đời là một trong các nguyên nhân khiến trẻ sau này dễ bị dị ứng, viêm mũi hay thậm chí hen suyễn! Điều đó không có nghĩa là không nên dùng thuốc cho trẻ. Trái lại, phải dùng thuốc và dùng cho đủ thuốc, dùng cho thật đúng cách khi gặp trường hợp đúng chỉ định.

Ngược lại, bơm hóa chất một cách vô tội vạ vào cơ thể mong manh của trẻ nếu không cần thiết chắc chắn là lỗi lầm khó tha. Liệu lời cảnh báo của thầy thuốc bên kia biển Thái Bình là chuyện trà dư tửu hậu của nước họ, hay đó đang là vấn đề trầm trọng của nước mình - nơi thuốc hạ nhiệt, kháng sinh cho trẻ con đang là món hàng “siêu lợi nhuận”?

Thầy thuốc phải cân nhắc kỹ khi “biên toa” cho trẻ. Tình trạng cho thuốc kháng sinh quá vội vã, dùng thuốc ảnh hưởng trên hệ miễn dịch quá thường, cũng như thói quen cho thuốc theo kiểu “một người như mọi người” bất kể cơ tạng, khả năng dung nạp và nhất là trọng lượng cá biệt của trẻ vẫn còn quá phổ biến ở nước ta.

Có bao nhiêu bác sĩ kê đơn thuốc cho trẻ với liều lượng tính toán chính xác trên sức nặng của trẻ? Hay vẫn cho thuốc theo kiểu đại trà ngày mấy lần, lần mấy viên bất kể bệnh nhi béo phì hay đang suy dinh dưỡng? Đừng quên bệnh nhi là nhân tố quan trọng của tương lai đất nước. Nếu tiếp tục “trồng người” như thế thì không lạ gì nếu 10-20 năm sau này bệnh viện vẫn còn quá tải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem