Dùng máy nông nghiệp, coi chừng đứt... gân

Thứ ba, ngày 03/12/2013 07:10 AM (GMT+7)
Chỉ một phút sơ sẩy khi kê lại máy xay xát, chị Nguyễn Thị Hà (Đan Phượng, Hà Nội) bị chân máy đổ vào bàn chân và đứt gân mu bàn chân.
Bình luận 0
Vào Bệnh viện Việt Đức để nối lại gân, chị Hà mới biết tai nạn đứt gân tay, gân chân như chị khá nhiều: “Vào đến đây mới biết tai nạn đứt gân tay, chân còn là… nhẹ. Nhiều trường hợp bị đứt cả cơ, gẫy xương”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Tuyến (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, trong các vết thương chi thì vết thương đứt gân, đặc biệt đứt gân tay, chân là một trong những tổn thương thường gặp nhất.

Vết thương bàn tay, bàn chân nói chung và tổn thương gân gấp nói riêng hầu như không ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh, nhưng nếu xử trí không tốt có thể để lại di chứng nặng nề, gây tàn phế, mất khả năng lao động và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.

Tuy không “phân loại” nguyên nhân gây bệnh, nhưng các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cho rằng, tỷ lệ bệnh nhân bị tai nạn dạng này ở các tỉnh về cấp cứu khá nhiều, trong đó có nhiều trường hợp bị tai nạn khi sử dụng máy xay xát, các loại máy nghiền chế biến thức ăn chăn nuôi, sử dụng cưa máy…

Máy xay xát dễ gây tai nạn đứt gân tay, chân cho người vận hành
Máy xay xát dễ gây tai nạn đứt gân tay, chân cho người vận hành

Xét về mặt an toàn máy, kỹ sư Nguyễn Đức Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết bị nông nghiệp nhận định: “Một trong những điểm thiếu an toàn máy thường gặp nhất là thiếu bao che cho các bộ phận truyền động và các vị trí có thể gây mất an toàn lao động”.

Ví dụ như các bộ phận truyền động đai, truyền động xích, truyền động bánh răng ở những vị trí rất gần với người vận hành nhưng không có thiết bị che chắn an toàn. Có những máy dùng một động cơ cho 3-4 tầng puli đai, nhưng cũng không thiết kế bao che như máy bóc vỏ lạc, máy bóc vỏ hạt tiêu… Vì thế, khi vận hành mà không để ý, người lao động dễ bị tai nạn đứt gân tay, chân.

Theo các chuyên gia về máy nông nghiệp, những tai nạn nói trên hoàn toàn có thể kiểm soát nếu người vận hành máy lưu ý và tuân thủ các hướng dẫn về an toàn máy. Theo tài liệu về an toàn lao động trong nông nghiệp (Bộ NNPTNT), người vận hành máy cần tuân thủ các yêu cầu:

- Trước khi cho máy chạy, phải kiểm tra an toàn các bộ phận máy, bộ phận che chắn, siết chặt các mũ ốc bulong, vít hãm để tránh văng vào người xung quanh.

- Không được để các dụng cụ ở trên máy, như để đồ trên băng tải của máy thái, nghiền, máy tuốt lúa, để tránh khi máy chạy những dụng cụ này bị cuốn vào máy, văng ra gây tai nạn.

- Phải báo cho những người xung quanh biết và tránh xa các bộ phận chuyển động của máy, không được để trẻ em đứng gần.

- Tuyệt đối không để người không có trách nhiệm vào sử dụng hoặc tò mò nghịch máy.

- Khi thấy có tiếng kêu, có hiện tượng khác thường phải dập cầu dao máy. Cho máy ngừng hẳn lại mới được kiểm tra.

- Với máy xay xát, máy nghiền thức ăn cho gia súc: Không được tháo nắp che trên đoạn gần lối vào của nguyên liệu.

Nguyễn Trang (Nguyễn Trang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem