Đứng ngồi không yên vì… thạch

Thứ hai, ngày 06/06/2011 10:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thông tin về sản phẩm thạch Taro của Công ty New Choice Foods bị nhiễm độc tố từ hoá chất gây đục DEHP đang gây hoang mang trong người tiêu dùng.
Bình luận 0

Đứng ngồi không yên vì… thạch

img

Một ông bố đang cân nhắc lựa chọn thạch cho con trai tại siêu thị Fivimart trên phố Lý Thái Tổ. Ảnh chụp ngày 3.6.

Chị Lê Thị Hoa, 28 tuổi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Con trai tôi rất thích ăn thạch. Nghe quảng cáo thấy thạch rất tốt cho sức khoẻ nên tôi cũng hay mua thạch cho con ăn. Nhà tôi cũng rất hay dùng loại thạch khoai môn có vị sữa của Taro". Khi nghe báo chí thông tin về việc Công ty New Choice Foods có sử dụng hoá chất tạo đục có hại cho sức khoẻ để sản xuất thạch khiến chị như ngồi trên đống lửa, cuống cuồng đưa con đến bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ.

Chị Bùi Thu Trang (Thạch Thất, Hà Nội) bức xúc: "Nghe nói sản phẩm của Công ty New Choice Foods là sản phẩm uy tín, hàng Việt Nam chất lượng cao, thật không ngờ giờ lại cũng sử dụng hoá chất độc hại để sản xuất".

Không riêng gì chị Trang và chị Hoa, mà nhiều bà mẹ, ông bố khác cũng đứng ngồi không yên khi đã trót cho con ăn quá nhiều thạch. Đáng tiếc, trong khi báo chí thông tin rầm rộ về vụ sử dụng hoá chất độc hại để làm thạch thì nhiều người vẫn không hay biết nên vẫn cho con ăn thạch Taro như bình thường.

Ghi nhận tại một số quầy tạp hóa nhỏ, lẻ ở các chợ trên phố Hàng Giầy, Hàng Buồm (Hà Nội) vẫn còn nhiều sản phẩm thạch khoai môn mang nhãn hiệu Taro chưa bị thu hồi. Tuy nhiên, so với mấy ngày trước, người tiêu dùng đã cảnh giác hơn và thị trường tiêu thụ cũng chậm hơn so với trước đó.

Không nên ăn quá 1 gam thạch/ngày

Nghiên cứu mới đây của Phó Giáo sư Liu Chunhong, Đại học Nông nghiệp Hoa Nam (Trung Quốc) cho thấy: Không chỉ thạch mà nhiều loại mì tôm dạng gói và bột ngũ cốc, túi nước sốt, túi gia vị… cũng chứa DEHP vượt mức cho phép (cao trên 50%). Ngoài DEHP thì hiện nay chất dẻo DBP và DINP cũng là hoá chất độc hại có nhiều trong bao bì đóng gói sản phẩm. DBP khi tồn tại trong cơ thể gây dậy thì sớm ở bé gái, gây lệch lạc giới tính nam, dị dạng và teo nhỏ cơ quan sinh dục.

Ngay cả khi thạch chưa phát hiện chất tạo đục, các bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng cũng đã cảnh báo cha mẹ không nên cho con ăn quá nhiều thạch. TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng khuyến cáo:

Thạch hoa quả vốn không được làm từ quả tươi nguyên chất. Thành phần chủ yếu để làm thạch là carrageenan- một loại polymer sinh học được tách chiết từ cây rong sụn và một số loại rong khác, có những lợi ích nhất định đối với chức năng ruột, nhưng ăn quá nhiều sẽ khiến cơ thể khó hấp thu chất khoáng và nước của cơ thể.

"Do đó, thay vì cho các con ăn thạch, cha mẹ nên cho con ăn nhiều trái cây hơn vì mức độ dinh dưỡng của trái cây bao giờ cũng gấp nhiều lần thạch hoa quả" - bà Lâm khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, bác sĩ Cấn Phú Nhuận - Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi T.Ư cho rằng: "Bố mẹ các cháu nên cân bằng chế độ dinh dưỡng của trẻ. Không nên vì trẻ thích mà đáp ứng một cách tuỳ tiện, vì như thế trẻ sẽ biếng ăn hơn. Đặc biệt, nếu không cẩn trọng, trẻ có thể gặp phải các vấn đề như ngộ độc thực phẩm khi ăn phải thạch không đảm bảo, hoặc bị tắc thở nếu bị hóc thạch".

Với những loại thạch có chứa chất tạo đục thì đã có bằng chứng là ăn quá nhiều có thể gây ung thư. Do đó bác sĩ Nhuận cũng khuyến cáo, gia đình nên cảnh giác khi lựa chọn các sản phẩm thạch cho con. Không nên cho con ăn quá 1 gam thạch/ngày. Nếu thấy trẻ có biểu hiện buồn nôn, khó thở, đau bụng… cần đưa trẻ đến ngay BV để được kiểm tra sớm.

Thông tin từ BV Nhi T.Ư, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận hơn 20 ca nhi nhập viện có triệu trứng ngộ độc thực phẩm do ăn phải bánh kẹo không rõ nguồn gốc. Trong đó có 2 trẻ được xác định là bị hóc thạch gây khó thở, phải tiến hành cấp cứu khẩn cấp".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem