Đừng sợ thịt lợn như sợ dịch

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 28/03/2019 12:04 PM (GMT+7)
Dịch tả lợn châu Phi chỉ gây tác hại ở lợn chứ không lây sang người, nhưng nhiều người sợ dịch một cách khó hiểu, đã tẩy chay thịt lợn ra khỏi mâm cơm của gia đình mình - một sự cảnh giác hơn mức cần thiết.
Bình luận 0

Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nước ta, tính đến nay đã có 30.000 con lợn bị tiêu hủy vì dính dịch. Một con số rất nhỏ trong tổng số 28 triệu đầu lợn mà ngành chăn nuôi nước ta đang sở hữu.

Nhưng tâm lý đám đông đã khiến nhiều người sợ dịch một cách khó hiểu. Đã làm cho miếng thịt lợn bị oan. Nhiều bà nội trợ chưa hiểu biết đầy đủ, sợ dịch tả lợn một cách thái quá, đã tẩy chay thịt lợn ra khỏi mâm cơm của gia đình mình - một sự cảnh giác hơn mức cần thiết.

Nhưng bằng nhiều nguồn khoa học, có thể khẳng định rằng, virus dịch tả lợn chỉ gây tác hại ở lợn chứ không lây sang người. Và chúng ta đừng sợ thịt lợn, như sợ dịch tả lợn. Để phải làm một người tiêu dùng thiệt thòi, và gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

img

Lãnh đạo TP.Hà Nội kiểm tra đàn lợn tại huyện Đan Phượng.

Trước hết phải nhìn lại lịch sử của dịch tả lợn châu Phi năm 1927, khi thế giới ghi nhận những ca nhiễm dịch tả đầu tiên trên lợn ở những khu rừng châu Phi, với biểu hiện lợn bỏ ăn, da từ trắng chuyển sang tím xanh, rồi chết. Tỷ lệ chết của lợn đến 100%. Sau đó dịch tả lợn xuất hiện ở Châu Âu, Bồ Đào Nha năm 1957 rồi đến Tây Ban Nha. Năm nay dịch đang xuất hiện ở Trung Quốc và Việt Nam.

Thế giới đang ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của Việt Nam trong phòng chống và từng bước khống chế dịch tả lợn này. Bằng sự vào cuộc của nhiều bộ ngành và cả hệ thống chính quyền do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo. Điều này thể hiện trách nhiệm rất cao của người đứng đầu chính phủ đối với sức khỏe của người dân, và lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.

Một người bạn của tôi là kỹ sư Phạm Văn Học -  đang là Phó tổng giám đốc của một tập đoàn chăn nuôi Bắc Ninh, có đàn lợn khá lớn và ổn định với chuỗi chăn nuôi khép kín - đã khẳng định: Chưa bao giờ ăn thịt lợn lại an toàn như hiện nay. Anh kể bên anh chăn nuôi khép kín: Từ sản xuất thức ăn, sản xuất con giống chất lượng, chăn nuôi tập trung an toàn sinh học (trong chuồng kín, có quy trình phòng bệnh bằng vaccine đầy đủ, ra vào trại thực hiện sát trùng rất nghiêm ngặt, lợn khỏe mạnh, ít bệnh, chất lượng thịt ngon...), có nhà máy giết mổ, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bán sản phẩm an toàn tại các hệ thống siêu thị...

Còn ông Nguyễn Văn Long - Trưởng Phòng dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NNPTNT) cho biết: Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, nhưng không gây bệnh cho các loài động vật khác. Lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%, bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn, nhưng không lây nhiễm và gây bệnh ở người.

img

Lực lượng chức năng phun hóa chất khử trùng chuồng trại. Ảnh: TTXVN

Với những cứ liệu của đơn vị chăn nuôi và nhà quản lý có trách nhiệm, một lần nữa có thể khẳng định, thịt lợn được giết mổ tại thời điểm này là thịt an toàn. Vì miếng thịt đã trải qua hàng chục khâu kiểm soát, kiểm dịch đến mức nghiêm ngặt. Và dịch tả lợn không hề lây sang người, như những điều đồn đại trong dân chúng và mạng xã hội hiện nay. Có nhiều cá nhân đã bị phạt vì bịa đặt thông tin về dịch trên mạng xã hội.

Bài đọc nhiều

Tuy nhiên, cũng phải nói cho hết, tâm lý e dè, sợ dịch tả lợn của người dân hiện nay một phần cũng do các cơ quan có trách nhiệm truyền thông. “Bạn cứ tưởng tượng, bữa cơm tối trong gia đình, trên ti vi nhà mình luôn có hình ảnh những con lợn bị dịch tím tái ghê rợn, những người mặc quần áo như phi hành gia nói về phòng chống dịch. Thì ai còn dám gắp miếng thịt lợn mà bỏ vào mồm cho được”.

Quan điểm chung là không giấu dịch, nhưng chúng ta cần tuyên truyền một cách thông minh, đúng và đủ liều lượng. Để làm sao người dân hiểu được sự nguy hiểm của dịch tả lợn, nhưng vẫn yên tâm ăn thịt lợn an toàn. Để đảm bảo cho ngành chăn nuôi lợn không bị ảnh hưởng, được tồn tại đúng nghĩa. Đừng vì những định kiến nhỏ nhoi, những suy đoán vô căn cứ mà tẩy chay thịt lợn, đánh đồng hàng chục triệu con lợn khỏe, lợn sạch được chăm sóc khoa học, đúng quy trình, kiểm soát nghiêm ngặt với những con lợn bệnh, mà đương nhiên lợn bệnh đã bị tiêu hủy để dập dịch rồi.

Hẳn rất nhiều người còn nhớ năm 2003 chúng ta đã vượt qua dịch cúm gia cầm một cách khoa học như thế nào, khi đã biết cách tuyên truyền và xử lý kỹ thuật đúng. Từ chỗ người dân cho nhau gà, bán tống bán tháo để giải thoát ngan vịt, triệt hạ chim chóc, qua thực tế và vận dụng phương án khoa học, an toàn vào chống dịch, thì dịch cúm gia cầm đã được kiểm soát, làm cả thế giới phải khâm phục Việt Nam.

Bài học của 16 năm trước chúng ta cần nhìn lại. Không chủ quan, không giấu dịch tả lợn châu Phi, tuyên truyền đúng đắn, khoa học, và sử dụng thịt lợn một cách an toàn. Đó không chỉ là bảo vệ sức khỏe dinh dưỡng và chính hầu bao của gia đình bạn, mà còn là bảo vệ những người chăn nuôi chân chính, an toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem